Vai trò của mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

(ĐHVO). Mạng xã hội là công cụ đắc lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay.

Phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định nhằm đạt mục đích hình thành ở đối tượng được tác động tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của công dân.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật là cách thức tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, cách tiến hành một hoạt động cụ thể để đạt được mục đích hình thành ở đối tượng tình cảm, tri thức và hành vi pháp lý phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm gần đây luôn được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, duy trì thường xuyên, liên tục và không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả. Nhờ đó mà nhận thức của cán bộ, nhân dân ngày càng được nâng cao, xây dựng niềm tin về pháp luật cũng như ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật.

Các hoạt động, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tổ chức rộng rãi, tạo sức lan tỏa trong nhân dân và được nhân dân hưởng ứng. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống được áp dụng linh hoạt, lồng ghép, phù hợp với từng nội dung tuyên truyền như tuyên truyền miệng, thông qua truyền thanh cơ sở (được sử dụng chủ yếu tại các đơn vị xã, phường, thị trấn), báo in, báo hình; thông qua biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật; hoặc thông qua các hoạt động, hình thức gián tiếp như phổ biến trong nhà trường, tủ sách pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở. Một số hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đánh giá cao, áp dụng thường xuyên và mang lại hiệu quả cao như thông qua truyền thanh ở cơ sở, tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông báo nói, báo hình, báo in, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý,… Các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện địa bàn, đặc điểm từng nhóm đối tượng,… đã kịp thời, nhanh chóng truyền tải nhiều kiến thức, quy định, những điều luật đến với người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh những ưu điểm của các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các đơn vị, cơ quan và địa phương khai thác hiệu quả, các hình thức truyền thống nêu trên dần bộc lộ những khó khăn, bất cập trong công tác thực hiện trên thực tế.

Một là, hình thức tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là cấp cơ sở. Một số tình trạng nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả hay chưa linh hoạt trong lựa chọn, lồng ghép các hình thức, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới, có hiệu quả chậm được nhân rộng.

Hai là, nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa đi sâu vào phân tích, giải thích một cách cụ thể các nội dung được người dân quan tâm, vướng mắc cũng như chưa xuất phát từ nhu cầu bức xúc của người đan. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến hầu như truyền tải thông tin đơn chiều, chưa có sự tương tác với công chúng và chưa mang tính giải đáp pháp luật từ những vụ việc thực tế.

Ba là, tính mới của nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật không được đảm bảo cập nhật liên tục, nhanh chóng, đặc biệt đối với đối tượng vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chương trình, kế hoạch của nhà nước liên tục ban hành ngày càng nhiều, thường xuyên sửa đổi, bổ sung… và đặc biệt yêu cầu đồng bộ triển khai nên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chịu một sức nặng vô cùng lớn để các văn bản pháp luật, chính sách kịp thời đến với người dân.

Bốn là, nguồn kinh phí về cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo các phương thức truyền thống yêu cầu rất lớn, nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn. Đặc biệt, nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến chính sách còn thiếu về cả mặt số lượng và chất lượng, đặc biệt việc ứng dụng và triển khai công nghệ mới trong phổ biến, giáo dục pháp luật còn chậm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Có thể thấy, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống còn một số hạn chế dẫn đến phạm vi cung cấp thông tin chưa sâu, rộng, chất lượng nội dung còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các hình thức truyền thông đổi mới, sáng tạo và có hiệu quả là yêu cầu cấp thiết. Trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Với nhiều tính năng vượt trội, hiện đại, thuận tiện trong giao tiếp, thông tin được chia sẻ nhanh chóng, không giới hạn và đặc biệt là tính năng tương tác, chia sẻ quan điểm, ý kiến cá nhân của người đọc đã khiến mạng xã hội đã và đang thu hút một khối lượng lớn người sử dụng và trở thành một kênh truyền thông rất hiệu quả, phù hợp với xu thế của thời đại và khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các hình thức truyền thống.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình… là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay. Với khả năng tiếp cận người dùng đông đảo, trực tiếp và nhanh chóng, mạng xã hội cho thấy những ưu thế trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số ưu thế nổi bật:

Thứ nhất, tính hai chiều và kịp thời của mạng xã hội giúp người dân có thể tương tác, bình luận, chia sẻ thông tin trong phạm vi rộng. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống thường truyền tải thông tin đơn chiều, nội dung thường theo lối mòn, áp đặt, trừu tượng và lý thuyết, chưa có sự tương tác với người dân. Ngày nay, mạng xã hội có thể kết nối đến từng người dân không kể địa lý, điều kiện đặc biệt đến cả vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo,… làm cho việc tiếp cận thông tin không mang tính độc quyền. Đặt biệt, thông điệp tuyên truyền thường ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của văn bản, hình ảnh, video, âm nhạc, đồ họa,… tạo sự hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung. Thông qua mạng xã hội, người dân không những được tiếp cận thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, đảm bảo tính mới, sinh động của thông tin mà người dân còn có thể tìm hiểu sâu về thông tin pháp luật quan tâm, được giải đáp nhanh chóng, kịp thời trong quá trình tương tác trực tiếp với người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đó, mạng xã hội tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin pháp luật phong phú, đa dạng.

Thứ hai, tạo hiệu ứng lan tỏa và định hướng hành vi tuân thủ pháp luật của người dân trên mạng xã hội. Thông qua mạng xã hội, người dân được tiếp cận các quy định pháp luật, định hướng hành vi được làm và không được làm cũng như nắm bắt chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thời gian vừa qua, nhiều trang mạng xã hội đã có tin, bài tốt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nêu gương tốt trong cuộc sống để qua đó giáo dục, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, giáo dục định hướng giá trị để người dân biết tránh khỏi các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, mạng xã hội góp phần khắc phục những hạn chế của hình thức giáo dục pháp luật truyền thống mang lại. Thay vì người dân được tập trung theo nhóm đối tượng với số lượng lớn tại một địa điểm nhất định để phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thì nay, với mạng xã hội, không bị hạn chế về mặt không gian, thời gian, địa điểm. Người dân có thể truy cập bất cứ lúc nào để tìm hiểu các chính sách pháp luật của nhà nước thông qua các trang mạng xã hội chính thức của các đơn vị, tổ chức, cơ quan phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiện nay, Cục phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đang vận hành và quản lý fanpage Cục phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp chủ yếu chia sẻ, thông tin các văn bản, chính sách; đăng tải tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật; tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật; thông tin hoạt động của cơ quan, đơn vị…

Thứ tư, số lượng lớn dữ liệu được tạo ra và chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội mang lại cho các cơ quan, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cơ hội theo dõi dư luận, tâm lý chung của người dân về các chính sách và thông tin pháp luật. Từ đó, giúp các cơ quan quản lý trong việc nắm, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng kịp thời, khách quan hơn, nhất là việc nắm bắt những thông tin trái chiều, thông tin nhạy cảm mà thông qua các cuộc khảo sát, lấy ý kiến người dân khó nắm bắt được.

Tóm lại, mạng xã hội là công cụ đắc lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay, thể hiện những ưu thế không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang len lỏi vào từng khía cạnh của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, ưu điểm mang lại thì mạng xã hội tiềm ẩn những mặt trái cần được quản lý vô cùng thận trọng như: nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng khi người dân không chắt lọc thông tin; tạo tâm lý đám đông, gây hoang mang dư luận, có thể định hướng hành vi giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử;… Mặt trái của mạng xã hội ảo nhưng hệ lụy là thật buộc các cơ quan quản lý sử dụng mạng xã hội như là trận địa để triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch một cách kịp thời, hiệu quả và phù hợp nhất.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

hilap

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp – 10 năm xây dựng và phát triển 

Picture10

Cần chế tài mạnh duy trì ý thức khi tham gia giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông

3

Toạ đàm: Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hoá đọc sách pháp luật

nvn

Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang