Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng có chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trợ giúp các đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố. Nhân viên làm việc nơi đây, họ là những công tác xã hội viên có trình độ đào tạo đại học chuyên ngành về công tác xã hội, luôn tận tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp.
Công tác xã hội viên của Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng đến quản lý trường hợp, gặp mẹ và con của chị N.
Nhân viên công tác xã hội khi đi thực hiện trợ giúp đối tượng ở cộng đồng vẫn thường bị nhầm lẫn là những người làm từ thiện. Tuy nhiên, vai trò trợ giúp của nhân viên công tác xã hội có sự khác biệt với những người làm từ thiện.
Động cơ khi họ đến gặp để trợ giúp đối tượng khó khăn không phải chỉ xuất phát từ lòng thương người, hảo tâm như người làm từ thiện mà được xác định là trách nhiệm của người làm nghề công tác xã hội, với mục đích đặt lợi ích của đối tượng là quan trọng nhất; họ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của nghề công tác xã hội, với chức danh công tác xã hội viên họ mang kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo từ trường học và kinh nghiệm làm việc để trợ giúp đối tượng, xoa dịu những vấn đề khó khăn trước mắt và hướng tới kết quả mang tính chất lâu dài.
Một trong những phương pháp đặc trưng của nghề công tác xã hội là quản lý trường hợp. Đây là một quá trình trợ giúp, nhân viên công tác xã hội khắc phục khó khăn về thời gian, thời tiết, không kể sớm tối, nắng mưa, khoảng cách vị trí địa lý, tạo sự thuận lợi nhất cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn để tới nhà gặp trực tiếp đối tượng, thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu, xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp trợ giúp, kết nối các nguồn lực đáp ứng nhu cầu ưu tiên thiết yếu của đối tượng.
Đối tượng trợ giúp đa dạng về hoàn cảnh, nhận thức xã hội và có nhu cầu khác nhau, chính vì vậy nhân viên công tác xã hội cũng phải có cách thức, kỹ năng tiếp cận, giải quyết vấn đề sao cho phù hợp với từng đối tượng.
Với vai trò là người vận động nguồn lực trợ giúp đối tượng, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ đối tượng tìm kiếm nguồn lực, kể cả nội lực và ngoại lực để giải quyết các vấn đề khó khăn mà đối tượng đang gặp phải. Như là trường hợp chị NTN21 ở phường Đông Hải 1, cả nhà 5 người sống trong căn phòng chật hẹp, mẹ chị N tuổi đã cao không còn khả năng lao động, chị N là người không được nhanh nhẹn, đơn thân nuôi 2 đứa con nhỏ. Với hoàn cảnh như vậy công tác xã hội viên trước mắt vận động nguồn lực hỗ trợ 20kg gạo hàng tháng cho gia đình chị N.
Việc hỗ trợ này được công tác xã hội viên thường xuyên liên hệ với nhà hảo tâm và gia đình chị N để theo dõi quá trình trợ giúp, đồng thời đánh giá lại hiệu quả của việc nhận hỗ trợ để kịp thời thống nhất ý kiến với gia đình và nhà hảo tâm điều chỉnh quà tặng cho phù hợp với nhu cầu của đối tượng, nâng cao hiệu quả trợ giúp. Hiện nay, hàng tháng gia đình chị N đã được nhà hảo tâm điều chỉnh tặng 15kg gạo và gia vị mắm, muối, dầu ăn,… phù hợp với nhu cầu.
Với công tác xã hội viên, họ không phân biệt mối quan hệ xã hội, luôn tôn trọng, bình đẳng với các đối tượng xã hội, nỗ lực giúp đỡ họ cải thiện cuộc sống, từng bước vượt khó khăn vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội