(ĐHVO). Sáng ngày 27/12/2019 tại Trung tâm Hội nghị Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch TƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam,Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã Văn phòng Chính phủ; Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF; Bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội là thành viên của Ủy ban và một số đại diện đến từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hồi báo cáo tổng kết năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 tại Hội nghị.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam báo cáo kết quả công tác về người khuyết tật năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ 2020, ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam,Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Hiện nay cả nước có 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Năm 2019 là năm với nhiều kết quả nổi bật so với năm 2018, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với người khuyết tật ngày một sát sao hơn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng và được phát triển toàn diện. Cụ thể: đã có 3 đạo luật sửa đổi, bổ sung được thông qua trong đó có lồng ghép các quy định để bảo vệ quyền của người khuyết tật cùng nhiều văn bản dưới luật của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, nhất là Ban Chấp hành TƯ Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật…
Bên cạnh đó, các công tác như: Công tác truyền thông đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với người khuyết tật, đồng thời trợ giúp nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật thông qua nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa; công tác giáo dục, y tế dành cho người khuyết tật được cải thiện, các cơ sở vật chất, trang thiết bị tăng lên đáng kể, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em. Từ đó từng bước gỡ bỏ các rào cản xã hội, quyền của người khuyết tật ngày càng được hiện thực hóa và đảm bảo.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai các hoạt động, đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục và kiến nghị đối với Chính phủ cùng các bộ ban ngành để thời gian tới việc triển khai công tác về người khuyết tật đạt hiệu quả tốt hơn.
Về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2020: Báo cáo đã đưa ra một số nội dung cần thiết nhằm tập trung thực hiện đặc biệt chú trọng quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, qua đó tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật; tiếp tục đổi mới trong công tác truyền thông, tuyên truyền; tổng kết Đề án 1019 và nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch cụ thể cho đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn mới; tăng cường kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại các bộ ngành và địa phương; đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo NKT tiếp cận cũng như các tài liệu, chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho NKT, cán bộ nghề công tác xã hội, cán bộ y tế, chăm sóc sức khỏe, PHCN…; tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác về người khuyết tật đối với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới,…
Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã Văn phòng Chính phủ đánh giá cao những kết quả của các bộ, ban ngành mà trong đó UBQG giữ vai trò chủ đạo, điều phối đã làm được trong năm 2019. Tuy nhiên, ông Bảy đề nghị cần nhìn nhận một cách khách quan, thực tế những điểm còn hạn chế để khắc phục, sửa đổi. Ông Bảy cho rằng, hiện nay tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc còn chậm; các rào cản về giao thông, cơ sở vật chất để người khuyết tật tiếp cận vẫn còn là một trong những vấn đề khó khắc phục; nguồn lực để thực hiện còn hạn chế, chưa bảo đảm để triển khai đầy đủ và toàn diện các chính sách trợ giúp người khuyết tật theo các đề án, chương trình đề ra; vẫn còn sự kỳ thị, nhận thức chưa đúng của một số bộ phận khiến cho người khuyết tật khó hòa nhập, tự ti,…
Để làm tốt hơn công tác về người khuyết tật trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, đối với các kiến nghị đối với Chính phủ UBQG cần kiến nghị cụ thể, chi tiết để Chính phủ, Thủ tướng có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; cần làm tốt việc phối hợp thực hiện giữa các bộ ngành liên quan trong công tác người khuyết tật; thực hiện đúng, đủ và có hiệu quả các kế hoạch đề ra…. đồng thời cần tăng cường khuyến khích người khuyết tật tự vươn lên hòa nhập cộng đồng cũng là một trong những giải pháp quan trọng.
Theo Ông Lương Văn Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam khẳng định, hệ thống chính sách pháp luật về người khuyết tật của Việt Nam tương đối đầy đủ, là “mơ ước” của nhiều quốc gia nhưng việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có cơ chế để đảm bảo việc thực hiện vì vậy tăng cường sự giám sát, chỉ đạo sát sao của các ban, ngành, đoàn thể.
Trước những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong năm 2019,các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề ra nhiều kiến nghị, giải pháp để giải quyết như: cần có chế tài xử lý vi phạm trong công tác về người khuyết tật, đảm bảo việc thực hiện chính sách, pháp luật; tăng cường hoạt động truyền thông, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức; chú trọng công tác sinh kế; quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe riêng biệt, phục hồi chức năng, bảo hiểm y tế….
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phát biểu kết luận Hội nghị.
Thay mặt UB Quốc gia về người khuyết tật kết luận Hội nghị, ông Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam,Thứ trưởng Bộ LĐTBXH tiếp tục khẳng định: Đảng, Chính phủ, các cấp lãnh đạo vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người khuyết tật. Điều đó được thể hiện bằng việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật đặc biệt là việc ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng. Và năm 2019, nhiều hoạt động thiết thực, các công tác phục hồi chức năng, giáo dục, y tế,… đối với người khuyết tật được triển khai hiệu quả.
Và để thực hiện tốt các kế hoạch năm 2020, ông Lê Tấn Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý về trợ cấp dành cho người khuyết tật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội khi thực hiện các hoạt động liên quan đến người khuyết tật để quyền và lợi ích của người khuyết tật được bảo đảm trên thực tế, hòa nhập bình đẳng và đầy đủ vào cộng động xã hội.
Lan Phương.