Ưu tiên trong giáo dục đối với người khuyết tật

(ĐHVO).Ở nước ta, việc giáo dục đối với người khuyết tật nhận được nhiều sự quan tâm từ Nhà nước và xã hội. Các quy định, chính sách giáo dục đối với người khuyết tật được thể hiện trong nhiều văn bản pháp quy, là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước xây dựng các chương trình, hoạt động giáo dục cần thiết, phù hợp cho người khuyết tật. Họ sẽ có được cơ hội phát triển bản thân, hòa nhập cộng đồng như những người bình thường khác.

Các văn bản điều chỉnh chế độ giáo dục đối với người khuyết tật bao gồm: Luật người khuyết tật 2010, Luật Giáo dục 2019, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Thông tư liên tịch Số: 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC (Thông tư 42/2013) quy định về chính sách giáo dục đối với người khuyết tật….Các văn bản pháp luật đều có những quy định ưu tiên, tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia học tập với phương châm Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật (Điều 27 Luật người khuyết tật).  Cụ thể:

Về ưu tiên nhập học và tuyển sinh: Điều 2 Thông tư 42/2013 nêu rõ “Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi, được hưởng chế độ tuyển thẳng, xét tuyển thẳng vào trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp. Đối với tuyển sinh hệ đại học, cao đẳng, người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng và được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Về miễn, giảm một số nội dung trong chương trình giáo dục (Điều 3 Thông tư 42/2013): Trong trường hợp người khuyết tật không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong Kế hoạch giáo dục cá nhân.

Về xét lên lớp và cấp bằng tốt nghiệp (Điều 5 Thông tư 42/2013): Người đứng đầu cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả học tập, hoạt động giáo dục của người khuyết tật đáp ứng được các yêu cầu của chương trình đào tạo để xác nhận hoàn thành chương trình học; xét và cấp bằng tốt nghiệp.


Ảnh minh họa( nguồn internet)

Về Chính sách học phí: Theo điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Tài chính – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP thì Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế sẽ được miễn học phí; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế sẽ được hỗ trợ chi phí học tập.

Về Chính sách học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập: Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định trong từng thời kỳ và được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học.

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học; người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.

Các quy định trên có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận những kiến thức cần thiết để có thể có cơ hội phát triển, tìm việc làm, trở thành người có ích cho xã hội. Bản thân họ cũng thấy cuộc sống có ý nghĩa khi được quan tâm, được đóng góp công sức cho gia đình, cho xã hội; tự tin về bản thân, tìm được niềm vui trong cuộc sống chứ không phải mặc cảm rằng mình là gánh nặng cho xã hội.

Tiểu Nguyên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang