Ước mơ của cô gái ‘chim cánh cụt’

Từ khi sinh ra, Lê Thị Thắm (ở xã Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa) đã khuyết cả 2 cánh tay. Song, nhờ sự kiên trì vượt qua chính mình, Thắm đã làm nên điều kỳ diệu với con chữ.

Lớp học tiếng Anh của 'cô giáo chim cánh cụt' Lê Thị Thắm.

Lớp học tiếng Anh của ‘cô giáo chim cánh cụt’ Lê Thị Thắm.

Nghị lực phi thường

Ông Phạm Văn Dũng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Sơn – cho biết: Trường hợp của chị Lê Thị Thắm hoàn toàn thuộc diện tuyển dụng bình thường, không có sự phân biệt. Tuy nhiên, thời gian qua huyện chưa có chỉ tiêu tuyển dụng đối với giáo viên Ngoại ngữ.

Buổi chiều một ngày giữa tháng 5, trong cái nắng gay gắt của ngày hè, Thắm lấy thăng bằng nhanh nhảu bước vào căn phòng, nằm sát khu nhà chính ở thôn Đoàn Kết (xã Đông Thịnh). Căn phòng chỉ rộng chừng 20m2 nhưng đã trở thành lớp học tiếng Anh của “cô giáo chim cánh cụt” Lê Thị Thắm suốt 3 năm qua.

Khác xa với trí tưởng tượng của tôi, Thắm chỉ cao tầm 1,4m và nặng khoảng 30kg nên trông cô lọt thỏm giữa đám học trò. Mặc dù, khuyết cả hai cánh tay từ lúc sinh ra, song bù lại Thắm có đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu, đặc biệt giọng nói rất truyền cảm, dễ nghe.

Bà Nguyễn Thị Tình (mẹ của Thắm) cho biết, Thắm đã không may mắn so với chúng bạn khi bị khuyết cả 2 cánh tay. Thương con nhưng đành bất lực, bà Tình chỉ biết gói ghém nỗi đau ở trong lòng.

Mọi ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của cô con gái nhỏ đều một tay bà lo hết. “Là người làm mẹ, chứng kiến đứa con mình sinh ra không được lành lặn, khỏe mạnh như chúng bạn cùng trang lứa khiến tôi không khỏi buồn tủi, nhiều hôm khóc thầm vì thương con”, bà Tình xúc động nói.

Khi Thắm lên 4 tuổi, thấy con thèm khát được đến trường như các bạn, bà Tình ôm con đến trường mầm non xin học. Lúc ấy, người mẹ nghèo chỉ hy vọng, đứa con tội nghiệp sẽ được trông nom cẩn thận, chứ không nghĩ rằng Thắm có thể làm nên điều kỳ diệu với con chữ.

Những ngày đầu đến lớp, thấy các bạn cặm cụi tập viết, Thắm cũng xin cô giáo một tờ giấy trắng cùng cây bút chì để chơi. Vì không có tay, Thắm chỉ đành kẹp bút vào giữa hai ngón chân trái, lụi hụi tập viết. Thắm kể, lúc đầu các ngón chân còn cứng nên hễ kẹp vào cây bút liền rơi ra.

“Mỗi lần như vậy, em vẫn kiên trì đến nỗi các ngón chân bị phồng rộp, tứa máu. Đợi khi vùng da chân lành lại, em lại tiếp tục tập viết. Cứ như vậy đến khi 5 tuổi, em đã đọc thông, viết thạo trước sự ngỡ ngàng của mọi người”, Thắm bộc bạch.

Hoàn thành bậc mầm non, Thắm được mẹ xin cho vào lớp 1 và được nhà trường chấp thuận. Cô bé Thắm được mẹ đóng cho bộ bàn ghế đặc biệt, với phần ghế cao gần bằng bàn để thuận tiện cho việc ghi chép. Thắm cũng được cô giáo ưu ái xếp ngồi ở bàn đầu tiên để tiện cho việc di chuyển và học tập.

“Những ngày đầu đến lớp, em gặp phải không ít khó khăn. Ngoài sự trêu chọc của các bạn trong lớp, em cũng thường xuyên bị té ngã do chưa giữ được thăng bằng. Mỗi lúc như thế, em lại nghĩ đến mẹ – người đã luôn hy sinh vì em”, cô tâm sự.

Sau thời gian theo học, Thắm đã được bạn bè quan tâm, hỗ trợ trong việc học. Cũng nhờ vậy, Thắm lấy lại sự tự tin, nỗ lực quyết tâm đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, khi đang học lớp 5, Thắm được nhà trường chọn đi thi viết chữ đẹp. Ngay trong năm học ấy, nữ sinh đã giành giải Nhất cấp huyện và Xuất sắc cấp tỉnh ở cuộc thi Viết chữ đẹp.

Ngoài ra, Thắm còn tham gia thi học sinh giỏi cấp trường, thi vẽ tranh và tiếng Anh trên mạng… Chặng đường 12 năm đi tìm tri thức, Thắm liên tục đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi, được bạn bè và thầy cô hết mực yêu quý.

Nuôi ước mơ đứng trên bục giảng

Ước mơ của cô gái 'chim cánh cụt' ảnh 1

Cô gái ‘chim cánh cụt’ Lê Thị Thắm.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ban đầu Thắm dự định xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin để phù hợp với khiếm khuyết của bản thân. Tuy nhiên, Thắm nhận ra nếu quyết tâm theo ngành này, sẽ càng khiến mẹ khó nhọc vì mình nhiều hơn.

Vì vậy, cô quyết định chuyển sang lựa chọn theo học Sư phạm. Sau đó, Thắm được đặc cách xét tuyển vào Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Suốt thời gian học tập tại trường đại học, dù có thời điểm sức khỏe không được tốt, song nữ sinh vẫn hoàn thành tốt chương trình đại học. Ngày tốt nghiệp, Thắm xúc động đến rớt nước mắt với tấm bằng loại Khá trên tay, từ đây ước mơ trở thành cô giáo của cô gái “chim cánh cụt” đã ở rất gần.

Trở về quê hương, Thắm quyết định mở lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tại địa phương. Lớp học của “cô giáo chim cánh cụt” cũng khá đặc biệt. Mặc dù, không gian lớp học chỉ rộng chừng 20m2, với gần 10 bộ bàn ghế, song cô và trò đều rất chú tâm trong việc dạy và học. Thắm nhẹ nhàng dùng đôi bàn chân của mình lăn con chuột trên máy tính một cách thuần thục để giảng bài.

Học trò theo học cũng đủ độ tuổi nhưng chủ yếu là người địa phương và một số xã lân cận. Với những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, Thắm sẵn sàng miễn học phí, tạo điều kiện cho các em theo học. Cứ như vậy, lớp học của “cô giáo” Thắm ngày một đông, đặc biệt là vào dịp hè có thời điểm lên 40 – 45 em theo học.

Chia sẻ về hoài bão của mình, Thắm bộc bạch: “Hiện tại, em cũng đã chạm đến ước mơ của mình đó là trở thành cô giáo. Ngày ngày được gặp gỡ, trao truyền kiến thức cho các bạn nhỏ trên quê hương mình. Tuy nhiên, em mong ước một ngày nào đó sẽ được đứng trên bục giảng ở một ngôi trường nào đó”.

Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, Thắm không khỏi xúc động. Bởi, trên hành trình ấy, cô đã nỗ lực rất nhiều, một phần vì sự khiếm khuyết của cơ thể buộc Thắm phải vươn lên. Thế nhưng, còn một điều quan trọng nữa đó là, trong suốt những năm tháng qua, Thắm luôn có mẹ đồng hành bên cạnh.

“Từ hoàn cảnh của mình, em muốn lan tỏa tới các bạn có hoàn cảnh như em đó là: Dù mình không may mắn bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể, thì cũng không vì thế mà tự ti. Trái lại, càng phải lấy khiếm khuyết đó làm động lực để cố gắng. Có một câu nói khiến em luôn tâm đắc đó là: Trước khi Mặt trời mọc, đó là khoảng thời gian tăm tối nhất, bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại”, Thắm chia sẻ.

Em Nguyễn Hữu Đạt (lớp 5B, Trường TH&THCS Đông Thịnh) hồ hởi chia sẻ: “Cô giáo Thắm giảng dạy rất dễ hiểu. Nhờ vậy, em ngày càng yêu thích môn học này, kết quả học môn Tiếng Anh cũng được cải thiện rất nhiều. Cô là tấm gương cho chúng em noi theo”.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang