Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, xã hội toàn cầu, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em. Có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 làm gia tăng mức độ rủi ro đối với trẻ em và nhóm gia đình dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch.
Theo thông tin của Bộ Y tế, hiện nay có 62/63 tỉnh, thành phố có người mắc COVID-19 trong đợt nhiễm lần thứ 4 này và theo thông tin của các Sở LĐTBXH số trẻ em mắc COVID-19 là 1.542 trẻ em chiểm 7% số ca nhiễm COVID-19 (F0), số trẻ em phải cách ly tập trung phòng COVID-19 (F1) là 4.809 trẻ em. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em là F0 và trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước. Tính từ ngày 05/7-30/7 có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình nhưng cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. Nhiều trẻ em nhiễm COVID-19 có chuyển biến nặng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Báo cáo chính sách của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam về Tác động của COVID-19 đối với trẻ em tại Việt Nam và tổng hợp điểm báo của Cục Trẻ em, cho thấy đại dịch COVID-19 tác động đến trẻ em theo nhiều chiều cạnh, từ đe dọa sự sống còn và sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng đến việc đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn cho trẻ do bị tác rời khỏi cha mẹ người chăm sóc; Gây ra gián đoạn trong học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng, nhất là trẻ bậc tiểu học; Đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và sự an toàn của trẻ em khi tình trạng bạo lực, bóc lột và xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng do giãn cách xã hội và suy thoái kinh tế, mất việc làm; Ảnh hưởng lâu dài đến an sinh và sự phát triển của trẻ em do hàng triệu gia đình có trẻ em bị đe dọa về sinh kế có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái nghèo.
Nhiều trẻ em tập trung tại khu cách li không có bố mẹ, người thân bên cạnh
Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, xã hội toàn cầu, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em. Có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 làm gia tăng mức độ rủi ro đối với trẻ em và nhóm gia đình dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch: Gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại , bao gồm cả xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em không đến trường học, giãn cách xã hội kéo dài nên các mục tiêu kéo giảm trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, trẻ em bị rơi, ngã ở nhà cao tầng khó đạt . Sau đại dịch, nhu cầu phục hồi kinh tế của các gia đình làm gia tăng và kéo dài nguy cơ sử dụng lao động trẻ em, trẻ em thiếu sự giám sát, bảo vệ thường xuyên của cha mẹ. Trong khi đó, nhiều kế hoạch, hoạt động của công tác trẻ em bị cản trở, các sự kiện, hoạt động truyền thông cộng đồng, vận động xã hội bị dừng, hủy (Tháng hành động Vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Trại hè…).
Mặt khác, chúng ta đang thiếu các quy định pháp lý và các chính sách, quy trình, tiêu chuẩn cụ thể về ứng phó an toàn, bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh) nên việc điều trị trẻ em bị nhiễm, cách ly y tế, giãn cách xã hội phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em, chăm sóc tình nguyện, chăm sóc thay thế cho trẻ em khi tách rời cha mẹ, gia đình còn lúng túng, bị động. Chưa có quy định hướng dẫn việc ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho đối tượng trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong khi số trẻ em nhiễm COVID-19 tăng cao trong đợt dịch lần 4, nhiều bệnh nhi chuyển nặng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thiếu quy định cụ thể về các biện pháp thực hiện chăm sóc sức khoẻ, duy trì tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong thời kỳ dịch bệnh, các biện pháp ưu tiên bảo vệ, chăm sóc về sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi trong bối cảnh đại dịch. Thiếu các biện pháp, kỹ năng bảo đảm an toàn trên không gian mạng cho học sinh khi tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến để bảo đảm chất lượng giáo dục. Các chính sách về giáo dục trong giai đoạn giãn cách xã hội và cách ly y tế đã không bảo đảm tiếp cận công bằng tới giáo dục của trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở khu vực nông thôn và vùng kinh tế – xã hội khó khăn; trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Các địa phương đang thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là các địa phương áp dụng biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nên việc triển khai thực hiện chính sách cho trẻ em bị ảnh hưởng COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc đảm bảo giãn cách, luân phiên, do vậy việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ, các địa phương triển khai thực hiện còn bị chậm. Theo quy định của thủ tục hành chính về thực hiện hỗ trợ thì thời gian thực hiện rà soát, thẩm định hồ sơ tại cấp huyện và thời gian giải quyết ở cấp tỉnh để ban hành quyết định phê duyệt danh sách và cấp kinh phí hỗ trợ rất ngắn, gây khó khăn cho các cơ quan tham mưu trong khâu tổng hợp, thẩm định danh sách đề nghị hỗ trợ. Việc vận động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ lúc này cũng bị hạn chế…
Nhiều nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng dành cho trẻ em trong giai đoạn khó khăn này
Trước thực tế đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đến trẻ em. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đến ngày 14/8/2021 đã có 48/63 tỉnh, thành phố đã có phê duyệt và hỗ trợ 17.685 người lớn và trẻ em là đối tượng F0 tiền ăn với kinh phí là 15,282,390 đồng; hỗ trợ 63.159 người lớn và trẻ em F1 tiền ăn với kinh phí là 60.630.849.000 đồng. Có 15 tỉnh, thành phố thực hiện hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 với số lượng 886 trẻ em, kinh phí 898.000.000 đồng. Có 17 tỉnh, thành phố hỗ trợ 79 phụ nữ mang thai và 1.447 trẻ em dưới 6 tuổi với tổng kinh phí là 1.149.000.000 đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động tài trợ nhu yếu phẩm, vật tư y tế để hỗ trợ với tổng trị giá 277.228.400 đồng cho trẻ em người dân tộc thiểu số trong khu nhà ở nội trú và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong đợt cách ly tại tỉnh Điện Biên. Công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, về các chính sách hỗ trợ trẻ em trong đại dịch cũng được tăng cường thông qua việc xây dựng, phát hành các tài liệu hướng dẫn, sản phẩm truyền thông, các chiến dịch truyền thông cũng được triển khai mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức xã hội về tác động của đại dịch COVID-19 đến phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho trẻ em tại gia đình, cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở cách ly tập trung. Đặc biệt hoạt động tư vấn thông qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 316 nghìn cuộc gọi đến, nhân viên Tổng đài đã trả lời 132.451 cuộc gọi và chuyển tiếp cho các bộ phận chức năng 22.015 cuộc về thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19; tiếp nhận 149 cuộc liên quan đến tư vấn hỗ trợ thực hiện Nghị Quyết số 68 và Quyết định số 23; tư vấn 292 ca hỗ trợ trẻ em và người dân liên quan đến COVID-19; triển khai can thiệp hỗ trợ 06 trường hợp về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong khu cách ly và trẻ em gặp khó khăn do cách ly, giãn cách.
Mọi nỗ lực đều đặt an toàn của trẻ em lên trên hết
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục triển khai một số nội dung Chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Riêng đối với lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có một số đề xuất, kiến nghị, cụ thể:
– Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ em bị nhiễm COVID-19 tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 theo quy định tại Điều 14 Luật Trẻ em; triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trước các nguy cơ do đại dịch COVID-19 tác động đến trẻ em, đặc biệt bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các khu cách ly tập trung và bảo đảm chăm sóc, an toàn cho trẻ em F0, F1 tại gia đình.
– Chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có trẻ em.
– Ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ em của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung, người làm việc ở các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Xây dựng phương án tổ chức việc tiêm vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em khi Việt Nam triển khai tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho trẻ em.
– Nghiên cứu bổ sung các biện pháp, trang bị kiến thức, kỹ năng cho giáo viên và học sinh về an toàn trên không gian mạng khi thực hiện việc học tập trực tuyến; có chính sách hỗ trợ cho trẻ em hộ nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi học tập trực tuyến.
– Tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn cho cha, mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ em, người cung cấp dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, người hoạt động tình nguyện, từ thiện xã hội và trẻ em về chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng khi trẻ em phải cách ly y tế tập trung, cách ly tại nhà, tại cộng đồng và thực hiện giãn cách xã hội.
– Nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch COVID-19 đến quyền trẻ em để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em sau đại dịch; ban hành các quy định pháp luật, chính sách, kế hoạch tổng thể, quy trình, tiêu chuẩn ứng phó, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội