Học viên tham gia lớp xoá mù ở huyện Bình Gia, Lạng Sơn. |
Đưa công nghệ vào giảng dạy
Cô Ma Thị Thơi, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến (xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) là một trong những giáo viên được nhà trường lựa chọn tham gia dạy lớp xoá mù. Do đó, ngoài việc chú trọng soạn bài giảng sao cho dễ hiểu, cô Thơi luôn cố gắng chọn lọc những nội dung cốt lõi để giảng dạy, truyền tải đến học viên. Đồng thời, cô đã sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để học viên cảm thấy hứng thú trong các buổi học.
Cô Thơi chia sẻ: “Tôi lồng ghép các kiến thức thực tế, cần thiết cho học viên thông qua việc sưu tầm các video hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách đối phó với sâu bệnh theo mùa để hạn chế thiệt hại mùa màng. Nhờ vậy, học viên sẽ đi học đầy đủ hơn, các tiết học không còn khô khan”.
Học viên lớp xoá mù chữ do cô Thơi chủ nhiệm chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đang trong độ tuổi lao động. Vì vậy để việc học có hiệu quả, cô đã tìm hiểu về nhu cầu, mong muốn của học viên khi đi học từ đó có phương pháp và hình thức dạy học cho hợp lý.
Tuy nhiên trong quá trình dạy lớp xóa mù chữ, cô Thơi cũng đối mặt với không ít khó khăn như việc duy trì sĩ số lớp học, khắc phục tính tự ti, mặc cảm cho học viên lớn tuổi.
Chủ đề ngoại khóa an toàn giao thông dành cho học viên xoá mù chữ. Ảnh NVCC. |
“Thời gian học vào buổi tối, trong khi đó nhiều học viên có con nhỏ; dân cư thưa thớt, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn, nhiều học viên nhà cách trường học 4-5 km dẫn đến đi học không đầy đủ”, cô Thơi chia sẻ.
“Có học viên chia sẻ, nhờ biết chữ nên khi bác sĩ kê đơn thuốc cho con, tôi đọc hiểu và biết cách cho uống như thế nào cho đúng”, cô Ma Thị Thơi kể lại. |
Đồng hành và sẻ chia
Để học viên an tâm đến lớp, thay vì dùng tâm lý người thầy giảng dạy, cô Thơi coi học viên của mình như những người bạn cùng nhau khám phá kiến thức. Phần nào khó, trừu tượng, cô lại kiên nhẫn đến từng bàn để hỏi học viên có hiểu không? Nếu chưa hiểu, cô sẽ từ từ dạy.
Cô Thơi tâm sự: “Mỗi tiết học, tôi luôn chủ động trao đổi, nói chuyện trực tiếp với học viên của mình để nắm được những khó khăn mà học viên gặp phải. Thậm chí, tôi dành thời gian đến nhà học viên khi cần thiết.
Cũng chính điều đó, khi học viên biết đọc, biết viết tự tin hơn trong giao tiếp, trong các buổi họp thôn, họ đã mạnh dạn hơn khi phát biểu bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề xã hội, tôi hạnh phúc vô cùng”.
Theo thầy Nguyễn Văn Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Ma Thị Thơi là một giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác, luôn hết mình vì học sinh.
Đối với lớp xoá mù chữ, cô Thơi là người có trách nhiệm, không ngại khó khăn, kể cả những ngày mưa gió, đường trơn cũng tranh thủ vượt 5-6 km mang bài, phiếu học tập đến tận nhà nếu học viên nghỉ học.
“Cô cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn chăn nuôi, trồng rừng, vì vậy được học viên yêu quý và tin tưởng, chính những điều đó mà sĩ số lớp cô được duy trì đều”, thầy Quỳnh cho biết.
Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tân Tiến (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn), đang mở 3 lớp xoá mù với 90 học viên. Học viên tham gia xoá mù trẻ tuổi nhất sinh năm 1985, lớn tuổi nhất sinh năm 1963.
Năm học 2023, toàn huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) có 129 học viên tham gia các lớp xoá mù chữ. Phòng GD&ĐT đã tổ chức 11 lớp tại bốn xã. Trong đó, xã Thiện Hoà 3 lớp; xã Yên Lỗ 3 lớp; xã Quý Hoà 3 lớp và xã Hồng Phong 2 lớp. Các lớp sẽ học từ thứ 2 đến thứ 7.
“Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày sinh nhật của tôi, một học viên 52 tuổi ôm bó hoa đứng đó đợi ở cửa lớp. Khi đến gần, cả lớp đồng thanh chúc cô giáo luôn xinh đẹp và thành công. Tôi chưa từng nghĩ học viên lớp xoá mù lại yêu thương, dành tình cảm lớn cho tôi như vậy”, cô Ma Thị Thơi, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến, chia sẻ. |
Theo Báo Giáo dục & Thời đại