UBQG về người khuyết tật Việt Nam: Hội thảo “Thực trạng Bảo hiểm y tế và đề xuất giải pháp thực hiện đối với người khuyết tật”

Ngày 21/12/2021, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp cùng tổ chức VNAH và USAID tổ chức Hội thảo: “Thực trạng Bảo hiểm y tế và đề xuất giải pháp thực hiện đối với người khuyết tật” nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn và thực trạng thực hiện cũng như đề xuất các giải pháp. Trên cơ sở đó sẽ có khuyến nghị trong việc sửa đổi Luật BHYT sắp tới đây.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Bộ LĐTB&XH; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; đại diện các tổ chức Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội cứu trợ trẻ em Việt Nam, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam… một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ như VNAH, IC… cùng hơn 150 đại biểu tham dự trực tuyến đến từ các bệnh viện phục hồi chức năng, các tổ chức của và và vì người khuyết tật trong cả nước.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Bộ LĐTB&XH phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Hải Hà cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều người khuyết tật, dự báo trong thời gian tới số người khuyết tật sẽ còn gia tăng. Nguyên nhân gây ra khuyết tật có thể kể đến như hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông…  Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật và sau khi phê chuẩn Công ước, các vấn đề liên quan đến người khuyết tật đã được luật hóa trong các bộ luật, luật. Đặc biệt năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Hiến pháp và các luật liên quan đã khẳng định sự được bảo vệ, được chăm sóc và bình đẳng trong khám chữa bệnh cũng như sử dụng dịch vụ y tế của người khuyết tật; không có sự phân biệt trong tiếp cận bảo hiểm y tế cũng như có những quy định ưu tiên.

Chia sẻ thêm, bà Hà cho biết, 100% các tỉnh đều có bệnh viện phục hồi chức năng; các bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện về cơ bản đều có phòng phục hồi chức năng, Chính phủ cũng có nhiều chương trình trợ giúp trong đó có các quy định đảm bảo NKT được tiếp cận BHYT và các dịch vụ y tế. Để tăng cường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng các kế hoạch liên quan đến phục hồi chức năng.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận liên quan đến các nội dung về tiếp cận BHYT của NKT; vấn đề phục hồi chức năng của người khuyết tật; báo cáo khảo sát về dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật tại ba tỉnh Huế, Quảng Nam, Bình Định; thực trạng thực hiện BHYT đề xuất và giải pháp; rà soát và đề xuất bổ sung một số quy định đối với người khuyết tật trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi… Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận rất sâu về thực trạng và kiến nghị tìm hướng giải pháp để thúc đẩy việc cấp BHYT cho NKT nhẹ (hiện chỉ NKT nặng và đặc biệt nặng hoặc NKT thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mới được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách); phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng cần được xem xét chi trả BHYT; lập quỹ bảo hiểm cho người khuyết tật và các nội dung liên quan đến việc một số danh mục dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần được BHYT chi trả và hỗ trợ chi trả (hiện BHYT chưa chi trả cho dụng cụ trợ giúp)…

Kết thúc Hội thảo với hàng chục ý kiến tham gia trao đổi, góp ý, đề xuất giải pháp, bà Phạm Thị Hải Hà cám ơn các chuyên gia, các nhà bình luận đến từ Bộ Y tế, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các đại biểu tham dự đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh liên quan đến vấn đề BHYT. Trong đó, nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhất là các nội dung liên quan đến phục hồi chức năng và dụng cụ trợ giúp. Và, trong thời gian tới, Cục Bảo trợ, UBQG về người khuyết tật sẽ cùng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để xem xét, phân tích, nghiên cứu và cân nhắc những ý kiến tại buổi Hội thảo để đưa vào góp ý việc sửa đổi Luật BHYT tới đây.

PV

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang