Tương lai nào cho những đứa trẻ?

(ĐHVO). Tôi dừng đèn đỏ tại một ngã ba quen thuộc, cái nóng như đổ lửa giữa mùa hè khiến ai cũng bức bối, khó chịu, sự chú ý đều dồn cả về những con số đang nhảy chầm chậm trên cột đèn giao thông. Nếu nói rằng sự chờ đợi này giống như cực hình, chắc  cũng sẽ không có ai phản đối. Ấy vậy mà trong hoàn cảnh đó lại có một vài sự xuất hiện đặc biệt, mong ngóng những giây đèn đỏ giống như đang mong chờ cơ hội mưu sinh.

Đèn xanh vừa tắt, mọi người dừng xe đợi tới lượt đi tiếp theo. Chỉ chờ có thế, những đứa nhỏ ngồi hai bên đường đồng loạt lao ra, tay ôm giỏ nhựa đựng đầy kẹo cao su, tăm bông, cặp tóc…miệng liên tục chào mời hàng người chờ đèn đỏ mua hàng. Một cô bé tiến lại gần tôi:

– Cô ơi, cô mua hàng cho con đi cô, cô mua ủng hộ con một phong kẹo cao su này thôi cô nhé. Từ sáng đến giờ con chưa bán được gì, nếu cả ngày không bán được thì con không được ăn cơm. Cô mua giúp con cô nhé.

Nhìn cô bé đang đứng trước mặt, tôi kìm lòng không nổi. Có lẽ do phơi nắng cả ngày trong một thời gian dài nên da cô bé đen cháy đi, môi khô nứt nẻ, tóc cũng vàng chóe, xác xơ. Duy chỉ có đôi mắt là sáng ngời, trong veo, linh hoạt. Bất giác tôi chợt nghĩ: nếu cô bé được đi học, chắc sẽ học giỏi lắm nhỉ.

Tôi rút trong ví ra một tờ 50.000VNĐ đưa cho cô bé và lấy giúp một phong kẹo cao su: “Cô lấy một phong kẹo này thôi, còn lại là cô cho con nhé”.

Cô bé mắt sáng ngời, cười tươi rói và cảm ơn tôi rối rít xong mới rời đi. Sau khi cô bé rời khỏi chỗ tôi thì đèn xanh cũng sáng, tôi phóng xe đi mà trong đầu chỉ toàn hiện lên hình ảnh nụ cười của cô bé, liệu rằng sẽ còn có bao nhiêu đứa trẻ giống như vậy nữa.?

Có lần tôi lên Phố đi bộ chơi với bạn thì gặp một cô bé khác cũng chủ động tiến đến chỗ tôi. Cô bé đó đặc biệt ở chỗ không có cả tay lẫn chân. Mỗi một bước đi của em đều lắc lư, lạch bạch như một chú chim cánh cụt, chiếc giỏ kẹo đeo trên cổ em cũng vì thế mà luôn đung đưa sang 2 bên, nhiều lần tưởng chừng như em sẽ bị ngã theo chiều của chiếc giỏ đó vậy. Em cười ngây ngô với tôi, giọng ngọng nghịu:

–  Cô mua kẹo đi cô.

Nhìn đôi chân cụt lủn chà sát dưới đất mà xót xa. Tôi hỏi em:

–  Con đi bán hàng lâu chưa mà sao không lấy miếng vải hay miếng xốp để ngồi lên cho đỡ đau. Đi như vậy sẽ đau lắm đó.

–   Con quen rồi. Cô mua kẹo đi.

–   Vậy cô lấy 5 cái nhé. Con ngồi lên đây đếm kẹo cho cô rồi nghỉ một lát cho đỡ đau chân.

Em ngồi lên hàng ghế đá cùng tôi, vô cùng chăm chú đếm từng cái kẹo que. Tôi hỏi chuyện em thì biết em tên Như, hiện đang sống cùng mẹ ở khu ổ chuột dưới chân cầu Long Biên. Từ khi sinh ra em đã bị mất tứ chi, mẹ là người chăm cho em và dạy em làm mọi thứ. Em không biết quê mình ở đâu, bố mình là ai, vì mẹ em không nói cho em biết. Mỗi ngày sẽ có người đi xe máy đến căn lều của 2 mẹ con để chở đi bán hàng, đi nhiều nơi lắm nhưng em không biết là nơi nào, có nơi xa, có nơi gần, nhưng mỗi ngày đều sẽ phải kiếm được ít nhất là 200.000VNĐ. Nếu không kiếm đủ thì sẽ bị phạt và hôm sau phải kiếm bù số còn thiếu của hôm trước. Khi tôi hỏi em có muốn đi học ở trường giống các bạn khác không thì em chỉ gật đầu và cười, cũng không nói gì thêm, có lẽ đối với em đó sẽ mãi chỉ là một giấc mơ xa vời mà ngay cả việc nói đến nó thôi cũng vô cùng  xa xỉ.

Em đếm kẹo xong rồi đưa cho tôi, tôi trả em 100.000VNĐ và mua cho em một cốc nước mía. Có lẽ vì em biết rằng, cốc nước tôi mua cho em là của riêng em, em không phải đưa lại cho ai khác nữa nên khi tôi đưa cốc nước, em còn vui hơn cả lúc nhận được 100.000VNĐ.


Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Nhìn em dần dần hòa mình vào dòng người trên phố, tôi tự hỏi: Rồi tương lai của những đứa trẻ ấy sẽ đi về đâu, vốn dĩ đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như bao đứa trẻ khác thì các em lại trở thành công cụ để những thành phần bất hảo kiếm tiền. Phải chăng, tương lai của các em sẽ mãi vô định như những ngày tháng hiện tại.

Vấn đề lợi dụng trẻ nhỏ kiếm tiền không còn là một vấn đề quá mới, nhưng nó vẫn luôn là một nhiệm vụ khó đối với chính quyền và xã hội tính đến thời điểm hiện tại. Khi bị ép buộc lao động quá sớm, quyền được học tập và vui chơi của trẻ cũng theo đó mà không còn, các em không được học tập và giáo dục đúng đắn sẽ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, dễ bị dụ vào con đường tệ nạn. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, thiết nghĩ cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng, xã hội đặc biệt là ý thức của cả cộng đồng.

Khánh Linh

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang