(ĐHVO) Tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những ngày gần đây chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và hiện tượng sương mù quang hóa đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) tối ngày 14/12 đã đưa ra những hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài.
Cụ thể, đối với người dân, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ TN&MT… Người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Những người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.
Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Cục Quản lý môi trường y tế đưa ra lưu ý: Người dân thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Ngoài ra, còn có những cách làm đơn giản để làm sạch bầu không khí như:
– Giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ là việc làm quan trọng để loại bỏ bụi bẩn và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong ngôi nhà bạn đang sống. Hãy lau dọn nhà cửa và hút bụi thường xuyên vì ngay cả khi bạn đóng kín cửa, bụi bẩn vẫn luôn len lỏi trong không khí và đi vào nhà bạn.
– Hạn chế để các phương tiện đi lại trong nhà bởi những loại bụi bẩn bám trên xe có thể dễ dàng theo các phương tiện này vào không khí nhà bạn.
– Mật độ giao thông dày đặc ở các thành phố lớn cộng với khói bụi của các nhà máy công nghiệp là những tác nhân chính khiến cho không khí trở nên ngột ngạt và độc hại. Do đó, hãy sử dụng các phương tiện công cộng nhiều hơn thay vì xe cá nhân. Và mỗi khi ra đường, bạn đừng quên đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi.
– Trồng nhiều cây xanh để hấp thu khí CO2.
Phạm Vân (T/h)