Tư vấn đối với học sinh là người khuyết tật đang theo học THPT và chuẩn bị xét tuyển đại học

Câu hỏi:

Tôi tên là Ng.Th. Hà, nhà ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tôi là bạn đọc lâu năm của Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt. Tôi thấy trên Tạp chí có tư vấn của các luật sư, chuyên gia giải đáp nhiều vấn đề pháp lý rất bổ ích. Tôi có câu hỏi mong được luật sư hỗ trợ giải đáp. Tôi có con bị khuyết tật ở chân, năm nay cháu đang học năm cuối cấp THPT, học lực cháu tốt nên gia đình tôi rất vui mừng kỳ vọng cháu sẽ tiếp tục con đường học tập ở bậc đại học. Cháu có ước muốn được học Đại học chuyên ngành y để trở thành bác sĩ sau này chữa bệnh cho những người đồng cảnh. Vậy cho tôi hỏi học sinh khuyết tật như con tôi  được hưởng các chế độ gì khi học THPT và xét tuyển Đại học? Tôi xin chân thành cảm ơn tư vấn của Luật sư.    

Trả lời:

Căn cứ nội dung câu hỏi chị Ng. Th. Hà, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt hỗ trợ giải đáp như sau:

Theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010, người khuyết tật (NKT) là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về giáo dục đối với NKT  cụ thể:

– Nhà nước tạo điều kiện để NKT được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của NKT.

–  NKT được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông.

– Được ưu tiên trong tuyển sinh.

-Đước miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng.

– Được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác;

– Được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.

– NKT được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.

(Ảnh minh họa – Nguồn ĐHVO)

Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC  ngày 31/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối NKT, thì NKT khi học cao đẳng, đại học được hưởng các quyền:

  • NKT đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
  • NKT nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
  • Được miễn, giảm một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục
  • Được hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập cụ thể:  NKT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
  • NKT thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học; NKT thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học. NKT thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học.

Và theo Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh giáo dục, đào tạo, theo đó trẻ em học mẫu giáo, học sinh, sinh viên khuyết tật theo học ở các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Dạy nghề là đối tượng được miễn học phí.

(Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt)

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non thì đối với thí sinh khuyết tật bị suy giảm khả năng học tập, cơ sở đào tạo thực hiện các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh có nguyện vọng được đăng ký dự tuyển và theo học các ngành phù hợp với điều kiện sức khỏe của thí sinh.

Còn theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT , thí sinh khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng.

Ngoài ra, chị và gia đình có thể nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường Y, Dược các năm gần đây để nắm rõ thêm các quy định về đối tượng, điều kiện dự tuyển, chỉ tiêu, hồ sơ đăng ký dự tuyển phù hợp với điều kiện sức khỏe và học lực của con chị để giúp cháu theo đuổi đam mê và hoài bão của mình.

Trên đây là nội dung trả lời của luật sư, mong rằng với sự giải đáp, cung cấp thông tin như trên sẽ giúp chị và gia đình có sự chuẩn bị tốt nhất để định hướng cho việc học tập của con chị. Một lần nữa rất trân trọng cảm ơn chị Ng.Th. Hà đã quan tâm và gửi câu hỏi./.

 Thực hiện: Hưng Nguyên

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang