Từ nghề đến nghiệp và phong cách sống của người đàn ông ngạo nghễ Hải “lơ”

“Nghề cầu thủ” – Niềm đam mê từ thủa thiếu thời

Ông là Lê Thụy Hải nhưng người hâm mộ bóng đá từ già tới trẻ đều chỉ gọi ông theo nghệ danh sân cỏ là Hải “lơ”.

Sở dĩ ông có biệt danh này vì mỗi khi ông bị đối phương triệt hạ, ông lại đứng dậy, xốc lại quần áo rồi cười lớ lơ như không có việc gì xảy ra.

Ông sinh năm 1946 tại Xứ lụa Hà Đông. Nhà gần sân vận động và vỉa hè mấy con phố ở thị xã Hà Đông lúc đấy còn rộng mênh mang đã biến thành nơi ông và bạn bè cùng trang lứa thỏa sức đam mê với quả bóng tròn.

Sân bóng đường phố Hà Đông thủa ấy đã đóng góp cho bóng đá Việt Nam nhiều cầu thủ giỏi như các ông Lê Đình Chính, Thành “ngớ”, Mạnh Lương, Văn Học, Văn Thanh, Nguyễn Văn Kiểm, Ngọc Xuân, Đào Hòa Bình…

Hỏi ông có nhớ đã bao lần đá bóng vào người đi đường thì ông hãnh diện khoe: từ nhỏ, dù bóng chết hay bóng sống, dù có người kèm hay không, hễ sút thì bao giờ bóng cũng đi theo hướng đã định.

Với năng khiếu đấy, năm 1964 ông được tuyển vào Trường Huấn luyện kỹ thuật thể dục thể thao Trung ương (Trường Huấn luyện), được dìu dắt bởi các đàn anh như: Trần Tương Lai, Trương Tấn Nghĩa, Lê Thế Thọ, Hoàng Ngọc Minh, Nguyễn Tiến Cường, Trần Duy Long, Lê Đình Chính…

Trường Huấn luyện khi ấy chỉ có gần 40 cán bộ và khoảng 150 vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) nhưng đảm đương việc thành lập các đội tuyển đại diện cho thể thao Việt Nam thi đấu quốc tế. Các VĐV Trần Oanh, Nguyễn Văn Hùng (bắn súng), Vũ Thị Sen (bơi lội), Bùi Tử Liêm, Trần Hữu Chỉ, Bùi Lương, Hoàng An, Võ Đức Phùng (điền kinh) đã làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới.

Đặc biệt, hồi những năm 1960, do chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ khiến việc triệu tập cầu thủ gặp khó khăn nên đội bóng đá Trường huấn luyện luôn thường trực để đại diện bóng đá Việt Nam thi đấu quốc tế.

Năm 1969, Trường Huấn luyện giải thể, ông Hải “lơ” chuyển về đá cho đội bóng Tổng cục Đường sắt, đồng thời khoác áo đội tuyển quốc gia mỗi khi có các trận giao lưu quốc tế.

Có ông Hải “lơ” và các tuyển thủ bổ sung, đội Tổng cục Đường sắt vươn lên thành đội mạnh ở Hà Nội và cả miền Bắc. Thế chân vạc Công an Hà Nội – Thể công – Đường sắt hình thành, tạo nên những trận derby Hà Nội cuốn hút lòng người. Đây cũng là thời vàng son của bóng đá Thủ đô khi sân Hàng Đẫy luôn đông nghịt khán giả khiến có người hâm mộ bóng đá phải tháo đồng hồ đeo tay hoặc cởi phăng cái áo da đổi lấy vé vào xem đội bóng và cầu thủ mình yêu thi đấu.

Ông Lê Thụy Hải và bạn bè

Trận cầu lịch sử

Đời cầu thủ ông Hải “lơ” trải nhiều trận đấu, nhưng có một trận đấu ông không bao giờ quên. Đó là năm 1976, khi nước nhà vừa thống nhất, đội Đường sắt được đại diện bóng đá miền Bắc vào đá bóng phục vụ đồng bào miền Nam và sau đấy được dự lễ khai thông đường tàu Thống nhất Bắc Nam ngày 31/12/1976.

Khi đó bóng đá miền Nam phát triển hơn miền Bắc, đoạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế. Người hâm mộ bóng đá Sài Gòn đổ xô đến sân vận động Thống Nhất để tò mò muốn biết bóng đá miền Bắc ra sao.

Họ vây kín sân khiến chiếc xe chở cầu thủ Đường sắt phải đỗ tít ngoài xa để cả đội lách qua biển người vào sân thi đấu.

Khi cầu thủ 2 đội và khán giả làm lễ chào cờ và cùng hát bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt những người đứng trong sân.

Ngoài sân khán giả vẫn chen chúc đòi vào khiến quân quản phải nổ súng để lập lại trật tự.

Trên sân, các cầu thủ Đường sắt theo thói quen hồi chiến tranh nên nằm rạp xuống sân khi nghe tiếng súng làm khán giả trong sân và cả các cầu thủ Cảng Sài Gòn ngơ ngác không hiểu tại sao.

Cảng Sài Gòn thời đó vừa đoạt ngôi vô địch miền Nam do ông Nguyễn Thành Sự làm HLV, chơi với sơ đồ 4-2-4, có thủ môn Lưu Kim Hoàng; hậu vệ Tam Lang, Đình Thăng, Vinh Quang, Tấn Trung; tiền vệ Mười xìu, Dương Văn Thà; tiền đạo Nguyễn Ngọc, Trần Xinh, Tư Lê, Nguyễn Ngôn.

Tổng cục Đường sắt do ông Trần Duy Long làm HLV, chơi với sơ đồ 4-3-3, có thủ môn Trường Sinh; hậu vệ Từ Như Quang, Thế Vinh, Minh Phương ( Phương tròn), Lê Khắc Chính; tiền vệ Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy, Ngô Thế Thành; tiền đạo có Mai Đức Chung, Minh Điểm, Hoàng Gia.

Trận đấu giữa đội Cảng Sài Gòn và đội Đường sắt của Lê Thụ Hải

Hôm đấy đội Đường sắt thắng 2-0. Ông Lê Thụy Hải bấm bóng để Mai Đức Chung băng vào đánh đầu ghi bàn. Sang hiệp 2, ở phút thứ 15, nhìn thấy thủ môn Lưu Kim Hoàng nhô cao, ông Hải “lơ” lốp bóng từ khoảng cách 40 mét ghi bàn ấn định tỷ số trận đấu. Đây là bàn thắng mang lại nhiều cảm xúc nhất trong đời cầu thủ của ông.

Nói về cầu thủ Hải “lơ”, ông Minh “mã” vừa là đàn anh ở đội tuyển và cả ở Trường huấn luyện trách yêu : Tớ giải nghệ cũng vì Hải “lơ” đấy. Nhìn nó đá mà thích và yên tâm nên tớ bàn giao tuyến giữa cho nó đảm nhiệm để đi học.

Ông Hải “lơ” như người không phổi, vừa thu hồi bóng vừa kiến thiết bóng không mệt mỏi ở tuyến giữa đội tuyển quốc gia và đội Đường sắt. Khu giữa sân vốn luôn nóng bỏng với những pha tranh chấp quyết liệt, vậy mà khán giả vẫn thấy ông Hải “lơ” với nụ cười đặc trưng, vào bóng không khoan nhượng những vẫn tỉnh táo tung những đường chuyền quyết định trận đấu.

Huấn luyện viên đặc biệt

Nghỉ thi đấu đỉnh cao, ông làm huấn luyện viên cũng với tính cách như vậy: Vừa cương vừa nhu.

Ông là cầu thủ đặc biệt thì làm huấn luyện viên cũng kiểu cách khác người.

Học xong bằng C của AFC, ông làm HLV cho các đội Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Thể Công, Hải Phòng, Thanh Hóa. Trên băng ghế huấn luyện, ông đã đem về cho Đà Nẵng ngôi vị Á quân năm 2005; cho Becamex Bình Dương 3 chức vô địch năm 2007, 2008, 2014 và 1 chức Á quân năm 2006 tại Giải vô địch cùng 2 chức Á quân tại Cúp quốc gia năm 2008 và 2014.

Cứ cầm quân là chiến thắng nên ông không có thời gian để đi học bằng A của AFC, trong khi đó nhiều HLV ở V-League, dù không có thành tích lại sở hữu rất nhiều bằng cấp của AFC và cả FIFA. Cũng vì vậy, mùa giải 2013-2014, khi quay về giải cứu Bình Dương đang bết bát, ông không chịu đi học và đành nắm đội với chức danh là Giám đốc kỹ thuật. Ông yêu cầu người đàn anh thân thiết Lê Thế Thọ khi ấy đang là Phó Chủ tịch VFF phải đặc cách cho ông, giảm các thủ tục xin xỏ nhiêu khê với Liên đoàn thì ông mới chịu đi học.

Với các ông chủ đội bóng, người trả lương cho ông thì ông cũng ngang ngạnh như vậy.

Bầu Kiên thủa ấy “to hơn” cả Liên đoàn. Ông bầu này đã cướp diễn đàn, mạt sát cung cách lãnh đạo của VFF và cùng một số ông bầu khác đứng ra thành lập VPF để giành quyền tổ chức V-League. Ông bầu này cũng là người dám đơn thương độc mã đòi lại bản quyền truyền hình từ AVG về cho Liên đoàn, rồi lại thay mặt Liên đoàn tranh cãi với các đài truyền hình về mức phí họ phải trả khi phát hình các trận đấu của VFF. Các lãnh đạo Liên đoàn khi ấy ai cũng nể sợ người đàn ông vừa có tài, vừa có quyền và có tiền này.

Năm đấy ông Lê Thụy Hải về làm cho đội Hà Nội ACB của bầu Kiên.

Như lẽ thường ông Kiên hay tham gia cuộc họp trước trận đấu. Có trận ông Kiên còn giành cả sơ đồ chiến thuật để chỉ thị cho các cầu thủ.

Lúc đó ông Hải “lơ” nóng mặt, chỉ tay lên khán đài nói thẳng với người trả lương cho mình: Chỗ của anh trên kia. Anh đừng làm thay việc của tôi.

Cuộc họp sau trận đấu, ông Hải “lơ” còn nói: Anh thuê tôi làm thì anh phải tôn trọng cách làm của tôi. Anh không đồng ý thì tôi về. Nhà tôi ngay Hà Đông nên anh nói thẳng là tôi phóng xe về được ngay.

Ông Hải "lơ"

Ông Lê Thụy Hải chỉ đạo trên sân cỏ

Ở Thanh Hóa cũng vậy.

Bầu Đệ luôn tham gia sắp xếp đội hình, quyết định việc sử dụng cầu thủ. Điều này trái ngược với nguyên tắc cầm quân của ông Hải “lơ” nên giữa hai người không thể chấp nhận được nhau. Khi thấy bầu Đệ theo đến tận nhà ăn để huấn thị cầu thủ, ông Hải “lơ” đã thẳng thừng “mời” ông chủ ra khỏi nhà ăn để cầu thủ được tập trung ăn uống.

Trong làng bóng đá Việt Nam, ông Lê Thụy Hải thực sự là HLV huyền thoại về phong cách làm việc tự chủ, không khoan nhượng trước bất kỳ ông chủ nào.

Áp lực cơm áo gạo tiền khiến có HLV phải chua chát thốt lên: Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ chiếm 3 chân. Nó hất lúc nào mình ngã lúc đó. Nhưng riêng ông lại khác. Ông bắt thóp và trị ngon lành các cầu thủ bất trị. Các mánh khóe của cầu thủ dù ở trên sân hay ngoài đời ông đều “đọc ra vị” để có đối sách khiến các cầu thủ dưới quyền ông đều sớm bị “ thuần hóa”. Ngay như cầu thủ quốc tế người Hà Lan Danny van Bakel đến chơi bóng tại “vùng trũng về bóng đá” Việt Nam, vốn quen tập hời hợt và dành nhiều thời gian ở quán bar hơn sân tập cũng bị ông hành ra bã. Một tuần tập 6 ngày và mỗi ngày tập hai buổi, đa phần là nhồi thể lực với các bài marathon, nhảy cóc và chạy lên xuống bậc thang khiến cầu thủ này không còn thời gian để thở, nói gì đến phản kháng hay bật lại HLV.

Thời Công Vinh đang nổi như cồn, được các ông chủ Becamex Bình Dương đón về, khi các phóng viên hỏi ông Hải “lơ” sẽ sử dụng ngôi sao Công Vinh như thế nào thì ông Hải “lơ” tuyên bố: Ở Bình Dương tôi là ngôi sao duy nhất. Nếu không đạt yêu cầu, Công Vinh cũng phải ngồi dự bị.

Ông hay nói thẳng, nói như xóc óc người nghe. Đã có lần không chịu nổi những lời miệt thị chói tai, cầu thủ Tô Đức Cường của Hải Phòng hay Huỳnh Quốc Anh ở Đà Nẵng đã “bật” lại ông. Họ sẵn sàng từ bỏ nghiệp cầu thủ để ăn thua đủ với ông.

Yêu nghề. Sống thật với chính mình. Chia ngọt sẻ bùi và sẵn sàng bảo vệ cầu thủ đến cùng đã giúp ông vực dậy nhiều Câu lạc bộ đang rệu rã trở nên mạnh mẽ khác thường.

Rõ nhất là tại Bình Dương khi trước đó đã có 10 HLV cả nội lẫn ngoại phải “bó giáo quy hàng” dàn cầu thủ toàn sao của đội bóng này. Ông Hải “lơ” đã tuyên chiến với dàn cầu thủ và đưa mọi việc vào khuôn phép. 3 chức vô địch quốc gia của Bình Dương đã khẳng định tài năng của vị HLV cá tính này.

Ông làm HLV thì có tiền nhưng tiền lại không phải mục đích chính của ông khi ông làm bóng đá. Ông có tích lũy từ thời kỳ đỉnh cao, con cái cũng thành đạt, có địa vị trong xã hội nên nỗi lo “cơm áo gạo tiền” không bén mảng cửa nhà ông.

Cái ông cần là khát vọng làm nghề, được làm nghề một cách tử tế và được tôn trọng khi làm nghề. Chính vì vậy nên nhiều đội bóng ở V-League quý cái tài, quý nhân cách của ông, sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón ông với mức lương trả cho HLV nội cao nhất Việt Nam.

Phong cách sống của người đàn ông ngang tàng, ngạo nghễ

Những sự thật trần trụi thường được ông mạnh dạn nói ra, đau đấy, nhưng khi đã bình tâm thì họ và những người từng tiếp xúc với ông đều hiểu ông thật lòng. Điều đó làm ông được nhiều người nể phục, noi gương và tạo nên sức hút mạnh mẽ của thương hiệu Hải “lơ”.

Như hồi ông mới nghỉ thi đấu đỉnh cao, ông về đá cho CLB Đống Đa của ông Huy “lô” và Lực “vổ”. Ông từ Hà Đông ra sân muộn nên chưa được xếp đá. Ông nổi điên và định đánh nhau với tôi là người sắp xếp thứ tự vào sân. Khi ông Huy và ông Lực giải thích quy định của CLB thì ông nghe ngay và sẵn sàng để các đàn anh bạt tai đá đít. Ông rất rạch ròi trong việc cư xử với các đàn anh, luôn tôn trọng và chưa bao giờ thấy ông cậy phong độ đang cao để thiếu lễ phép với những người đàn anh trong nghề.

Hay khi ông dẫn Đà Nẵng ra Hà Nội thi đấu, tôi ngồi với ông ở khách sạn Phú Gia. Lê Huỳnh Đức lúc đó là trung phong số 1 của Đà Nẵng và Việt Nam, đi đâu về thấy chúng tôi đang ngồi ở sảnh khách sạn liền khoanh tay, xưng con, chào lễ phép.

Tôi hiểu phong cách sống của ông Hải “lơ” đã được các học trò cảm phục và noi theo.

Ông Hải "lơ"

Vợ chồng ông Hải “lơ”

Là một người đàn ông luôn sẵn sàng đón nhận mọi sóng gió của cuộc đời bằng một tâm thế ngang tàng, ngạo nghễ là “đặc sản” tính cách của ông Lê Thụy Hải. Nét đặc trưng của tính cách đấy giúp ông Hải “lơ” luôn chủ động đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống, không bi quan, âu sầu, rầu rĩ. Một Lê Thụy Hải với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục, không chịu đầu hàng trước bất kỳ trở ngại nào, đã giúp ông thành công trong cuộc sống, giành được nhiều thành tựu, kết quả mà ít ai có được từ nghề cầu thủ cho đến nghiệp huấn luyện viên của mình…

Mấy năm nay, mặc dù phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhưng với Hải “lơ”, vẫn thấy ông ngang tàng cười ngạo nghễ như minh chứng cho những gì ông đã chia sẻ: “Nó chỉ là căn bệnh. Bệnh thì chữa thôi. Có gì mà phải buồn phiền!”

Hồ Công Thiết

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang