(ĐHVO). Khoa Địa chất – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành lập từ năm 2010, trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Sự ra đời của khoa Địa chất trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gắn liền với sự thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Dấu mốc quan trọng là ngày 23/8/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1583/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Mới thành lập từ năm 2010, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, tập thể cán bộ giảng viên khoa Địa chất luôn luôn học hỏi, lắng nghe tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo Nhà trường, các trường đại học trên cả nước, tham khảo chương trình đào tạo của nhiều nước trên thế giới, khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành Địa chất, đặc biệt là lĩnh vực quản lý Tài nguyên Khoáng sản. Bên cạnh các trường Đại học có thương hiệu và danh tiếng với thâm niên đào tạo ngành Địa chất có kinh nghiệm mấy thập kỷ, như Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội và ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN. Đây là những thách thức lớn, nhưng “trong cái khó” lại “ló cái khôn”. Đó là phải tìm ra điểm khác biệt, nhằm lấp đầy khoảng trống trong đào tạo của ĐH Mỏ – Địa chất và ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN. Sự ra đời của chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Khoáng sản đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Cán bộ giảng viên của khoa là những người được đào tạo từ các trường Đại học có bề dày kinh nghiệm về địa chất như: Trường ĐH Mỏ – Địa chất Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội và sau đó, một số là nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở các nước phát triển, có nền khoa học và giáo dục hiện đại như: Cộng hòa Liên bang Đức, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc,… Đa số các giảng viên này là những cán bộ trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, đam mê khoa học và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nhiều người đã từng giữ các vị trí chủ chốt trong lĩnh vực hoạt động nghiên cứu khoa học tại các Viện nghiên cứu chuyên ngành Quốc gia, như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hoặc đã từng giữ những vị trí quản lý về tài nguyên khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản của các Tập đoàn, các Đơn vị sản xuất liên doanh với nước ngoài…
(Ảnh sưu tầm)
Hiện nay, Khoa địa chất có 02 bộ môn, bộ môn Quản lý Tài nguyên Khoáng sản và bộ môn Địa chất khai thác Mỏ và 01 phòng Thực hành Thí nghiệm Địa chất. Sự ra đời của hai bộ môn này nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng đảm nhiệm các công tác từ khâu khảo sát, điều tra, khai thác, chế biến, cuối cùng là phải quản lý được nguồn Tài nguyên Khoáng sản cho Quốc gia. Đây chính là một hướng đi đúng đắn và cũng là là nét đặc thù của Khoa Địa chất của Trường ĐH tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Trong thời gian học tập tại Khoa, sinh viên được trang bị không chỉ những kiến thức lý thuyết chuyên môn, thực hành – thí nghiệm mà còn được tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập ngoài trời, tiếp cận với những thiết bị, công nghệ mới, đáp ứng đủ năng lực để có thể đảm nhận được vai trò phân tích, thiết kế và tổ chức thi công các công việc liên quan đến chuyên môn được đào tạo, đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo chất lượng sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên của Khoa còn luôn nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ nhiệt tình từ các thầy cô và tham gia các hoạt động văn thể, hoạt động ngoại khóa do Đoàn trường và Liên chi đoàn Khoa Địa chất phát động. Hàng năm, Liên Chi đoàn Khoa đều tổ chức buổi gặp mặt sinh viên. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Liên chi đoàn Khoa Địa chất nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các lớp sinh viên trong Khoa, thúc đẩy tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia tích cực các phong trào do Liên chi Đoàn phát động. Sau khi hoàn thành khóa học, các sinh viên của Khoa có đầy đủ những kiến thức vững vàng, khả năng làm việc độc lập và tổ chức nhóm làm việc cũng như có khả năng tổng hợp, xử lý tài liệu và viết báo cáo kết quả nghiên cứu liên quan tới ngành kỹ thuật địa chất.
(Ảnh sưu tầm)
Hàng năm, Khoa Địa chất phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, đào tạo các khóa ngắn hạn về chủ nhiệm đề án Địa chất, tiếng Anh chuyên ngành cho các cán bộ của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Các Khóa học này đã thành công tốt đẹp và nhận được sự đánh giá cao của Nhà trường. Cán bộ giảng viên của Khoa đã khẳng định được năng lực chuyên môn của mình nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế cũng như trong nhiều hội nghị trong nước và quốc tế hàng năm.
Hiện nay, Khoa Địa chất đã ký hợp tác đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với nhiều trường Đại học và viện nghiên cứu khoa học, các tổ chức hoạt động về địa chất và tài nguyên khoáng sản ở trong và ngoài nước như: Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản-Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bochum (Cộng Hòa Liên bang Đức), Viện Địa chất-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tiến tới ký kết với Viện Công nghệ Châu Á – AIT (Thái Lan), trường Đại học PaiChai (Hàn quốc), trường Đại học Kyushu (Nhật Bản), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các Liên đoàn Địa chất… Và đây là những địa chỉ tin cậy, cơ hội tốt để các em sinh viên có thể thực tập, xin việc cũng như tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn sau khi tốt nghiệp.
Cơ sở vật chất khoa địa chất được Nhà trường đầu tư một phòng thực hành – thí nghiệm địa chất với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại gồm: các thiết bị phân tích Địa chất, Địa vật lý và Địa kỹ thuật. Hiện tại, các thiết bị như: Kính hiển vi phân cực kết nối PC, Kính hiển vi 1 mắt, Kính hiển vi soi nổi Stemi 508 doc, Kính lập thể gương nổi MS -3, Địa bàn địa chất DQY, Máy định vị toàn cầu GPS đã được đưa vào sử dụng phục vụ công tác giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học của các giảng viên và sinh viên.
Chiến lược phát triển của Khoa Địa chất đến năm 2020 tầm nhìn 2030 xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội bền vững, phù hợp với yêu cầu của phát triển và hội nhập quốc tế, trở thành một khoa trong trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có uy tín về năng lực đào tạo, nghiên cứu, tổ chức và triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ quy mô cấp Nhà nước và quốc tế, ngang tầm với các khoa có chuyên môn lĩnh vực địa chất địa chất khoáng sản trong các trường đại học tiên tiến trong khu vực và tiệm cận với các cơ sở đào tạo đại học uy tín quốc tế.
(Ảnh Internet)
Tuyển sinh 2020 – Khoa Địa chất – Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có 40 chỉ tiêu đào tạo với 02 chuyên ngành: Quản lý Tài nguyên Khoáng sản và Địa chất Khai thác mỏ.
Link đăng ký trực truyến: https://tuyensinh.hunre.edu.vn/dang-ky-truc-tuyen
Hotline tuyển sinh: 0915.82.68.69
Ngọc Châm