Trung thu, ở Việt Nam được coi là Tết của thiếu nhi. Không chỉ là một nét văn hóa đậm đà bản sắc trong đời sống tinh thần của người Việt mà Tết Trung thu là kỷ niệm đẹp trong tâm hồn trẻ thơ…
“Tết trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm”
Trung thu cũng được coi là Tết đoàn viên, khoảng thời gian gia đình quây quần bên nhau bày cỗ, ngắm trăng trong tiết trời se se lạnh, thưởng thức hoa quả, bánh nướng và bánh dẻo. Tết Trung thu, người lớn sẽ tổ chức múa sư tử hoặc múa lân, hát trống quân, treo đèn lồng trước cửa nhà và tặng đồ chơi, lồng đèn, mặt nạ cho trẻ em.
Đêm Trung thu, ông Trăng như tròn hơn, sáng hơn và cũng gần hơn. Theo truyền thống, vào ngày rằm tháng Tám, đám trẻ lại háo hức từ chiều chờ được ngắm trăng với hình ảnh cây đa, chú Cuội rõ nét nhất và nghe người lớn kể lại tích xưa. Những đôi mắt trẻ thơ long lanh, ngước lên ngắm vầng trăng rằm vằng vặc treo lơ lửng như với tới được, ánh trăng vàng ngời ngợi, rạng rỡ, trong sáng nhất trong mười hai mùa trăng.
Đêm Trung thu, trẻ em náo nức tay cầm đèn ông sao, đèn cá chép, cùng bạn bè tung tăng khắp các ngả đường trong tiếng trống rộn ràng của các đoàn múa lân và tham gia các trò chơi. Những mùa Trung thu bình dị mà ấm áp như thế sẽ chẳng bao giờ phai trong tâm trí mỗi người.
Ngày nay, cùng với sự đổi thay của cuộc sống, Trung thu đã có phần khác. Ở Hà Nội, mỗi dịp Trung thu là bọn trẻ lại còn háo hức mong chờ được bố mẹ cho đi ngắm phố, mua đồ chơi. Trước rằm tháng Tám cả tháng, những con phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, Đồng Xuân đã bắt đầu nhộn nhịp. Tất cả các hàng quán gần như đều được thay thế bằng những sạp bán đồ chơi cho trẻ em, đặc biệt là đồ chơi truyền thống. Người mua, kẻ bán tấp nập làm những con phố trở nên chật hẹp hơn. Người người chen chân, vừa dung dăng dung dẻ ngắm phố, vừa có thể sà vào hỏi mua bất cứ sạp hàng nào.
Những phố cổ dịp này như khoác lên một tấm áo mới rực rỡ màu sắc với đồ chơi và đồ trang trí. Tất cả tạo nên một thế giới lung linh huyền ảo, không chỉ làm say lòng con trẻ.
Chắc hẳn đứa trẻ nào cũng thích thú khi được chạm tay vào những món đồ chơi lạ lẫm mà chỉ thấy mỗi khi trung thu về. Nào đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng xanh đỏ, nào là mặt nạ, trống cơm, vương miện công chúa, bên cạnh những đồ chơi hiện đại như ô tô, máy bay, thanh gươm có đèn nhấp nháy… Những món đồ chơi giàu tính truyền thống được các nghệ nhân gửi gắm tâm huyết với nghề, tình yêu dân tộc tới cho thế hệ trẻ. Những cặp mắt con trẻ ánh lên niềm vui làm người bán cũng vui lòng, người mua cũng vừa ý.
Thường thì ở phố Hàng Mã mùa này, người bán không nói thách nhiều, người mua cũng ít trả giá. Những đồ chơi truyền thống thường có giá 30.000 đến 80.000 đồng tùy món.
Không chỉ thu hút các em nhỏ, phố Hàng Mã cũng là điểm hẹn của các bạn trẻ. Họ hẹn nhau lên phố “check in”, chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp để khoe trên mạng xã hội.
Bên cạnh đồ chơi, các phố trung thu còn có nhiều hoạt động thú vị khác, như múa rồng, múa sư tử, nặn tò he, làm bánh dẻo… Các sạp hàng ẩm thực cũng thu hút đông đảo khách tham quan.
Những năm gần đây, khu phố trung thu đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời quảng bá cho du lịch Việt Nam. Du khách nước ngoài cũng rất thích thú được tham gia các hoạt động này.
Trong tiếng trống rộn rã, những sạp hàng nối tiếp nhau tạo ra một thế giới cổ tích riêng đầy màu sắc, mà khi lạc vào đó không chỉ trẻ con thích thú, người lớn cũng bồi hồi nhớ về một thời thơ ấu.
Cứ mỗi độ thu về, lại thấy trong lòng náo nức một cảm giác chờ đón, bâng khuâng. Tết Trung thu luôn là một miền ký ức ngọt ngào, in dấu những kỷ niệm tuổi thơ, theo suốt cuộc đời.
Nguồn Báo Hà Nội mới