Việc chăm sóc giáo dục người khuyết tật của Trung tâm có sự đột phá từ năm 1983 khi bộ máy tổ chức được hình thành, với bộ khung hiệu trưởng, hiệu phó và các bộ phận, hành chính, giáo viên. Trường đã xây dựng đề án phục hồi chức năng cho người khuyết tật với mục đích vừa tổ chức phục hồi chức năng, vừa tổ chức dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Năm 1988 sau khi sát nhập với Trường dạy nghề thương binh và người tàn tật, với tên gọi Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm bước sang một giai đoạn phát triển mới. Công tác chăm sóc giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật đi vào ổn định.
Trung tâm đã tổ chức dạy học văn hóa theo hình thức chuyên biệt (từ lớp dự bị cho đến lớp 5) cho 180 – 220 học sinh mỗi năm, đồng thời triển khai các chương trình can thiệp sớm, chương trình hòa nhập cho học sinh khuyết tật tại cộng đồng. Trung tâm cũng mở các lớp học chữ nổi (Brail) cho hơn 100 thương bệnh binh bị mù theo chương trình của Viện khoa học giáo dục và Hội người mù Việt Nam.
Đến năm 2014, Trung tâm được giao thêm nhiệm vụ vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh. Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận hàng chục trẻ khuyết tật (câm, điếc, khiếm thị, khuyết tật vận động). Khi mới vào trung tâm, các em sống khép nép và rất mặc cảm, tự ti. Ðể các em hòa nhập được với cộng đồng, khi trưởng thành có việc làm, cán bộ, giáo viên của trung tâm phải rất tâm huyết trong việc,dạy tâm lí, nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy ngôn ngữ ký hiệu và dạy kỹ năng sống cho các em. Học hết chương trình tiểu học, các em được chuyển sang học nghề phù hợp trước khi bước vào cuộc sống tự lập.
Hằng năm trung tâm phối hợp với nhiều doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng trăm trẻ em khuyết tật ở trung tâm. Các nghề chính là may, thêu, mộc dân dụng, mỹ nghệ, điện dân dụng… Người khuyết tật sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đã có việc làm có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Nhiều tập thể cá nhân của Trung tâm, được tặng bằng khen và giấy khen.
Trong hàng ngàn người khuyết tật tốt nghiệp, đã có nhiều người trở thành chủ doanh nghiệp, giám đốc công ty, đã tạo việc làm cho hàng ngàn người khuyết tật khác.
Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, kinh phí giành cho tuyển sinh hạn hẹp, nhưng cán bộ, giáo viên vẫn nhiệt tình tham gia đến các huyện trong tỉnh để tuyển sinh. Tâm lí của các phụ huynh cũng như học sinh rất lo sợ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên Trung âm cũng đã xác định tư tưởng và tậm trung về mặt tâm lí để thuyết phục trong công tác tuyển sinh. Kết quả tuyển sinh năm học 2021-2022 là 286 học sinh, trong đó tiếp nhận mới 70 em.
Ông Phan Bùi Hải, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Giáo dục tâm lí trong đào tạo nghề là hết sức quan trọng. Riêng dạy nghề cho người khuyết tật lại quan trọng gấp bội. Chính vì thế, khi các em bước chân vào Trung tâm sẽ được các cán bộ giáo viên giáo dục tâm lí ngay. Và trong quá trình học, các em thương xuyên được giáo dục tâm lí để xác định tư tưởng và vượt qua chính mình. Khi đã xác định mình phair học bằng được cái nghề để nuôi sống bản thân và gia đình trong tương lai thì các em học tiến bộ rất nhanh”.
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm đã được ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng của các cấp các ngành dành cho tập thể và các cá nhân tiêu biểu. Nhiều năm liền Trung tâm đã được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh; Chi bộ, Công đoàn liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Theo Báo Điện tử Dân sinh