(ĐHVO). Ngày 15/11 tại Hà Nội diễn ra hoạt động Kỷ niệm và Tổng kết 25 năm hoạt động của Trung tâm Đào tạo Cán bộ Phục hồi Chức năng cho người mù (Hội người mù Việt Nam).
Tham gia chương trình có ông Bùi Sĩ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng phòng Thi đua Khen thưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội; bà Lê Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam.
Hội người mù Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1997, với nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành Hội người mù trong cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các cấp Hội. Ngay từ ngày đầu Trung tâm có nhiều gặp rất nhiều khó khăn vì đây là cơ sở đào tạo đầu tiên của Hội người mù Việt Nam, mô hình đào tạo không giống với các với các trường học hay những Trung tâm dành cho người khiếm thị khác nên không có mô hình tương tự ở trong nước để học hỏi; giáo trình, tài liệu hầu như chưa có để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập; kinh nghiệm tổ chức khóa học của Trung tâm, kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên còn hạn chế. Song, Trung tâm luôn thực hiện phương châm vừa học vừa làm, rút kinh nghiệm, tất cả vì mục tiêu đem lại kiến thức, kĩ năng, giúp người mù Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Toàn cảnh buổi lễ
Sau 25 năm đi vào hoạt động Trung tâm không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 89 khóa, 8.000 lượt học viên với 23 loại hình lớp khác nhau như: đào tạo cán bộ các cấp Hội, giáo viên dạy phục hồi chức năng và xóa mù chữ, dạy trẻ em tiền hòa nhập, đào tạo nghề xoa bóp bấm huyệt, công tác xã hội, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ, cộng tác viên báo chí, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ….
98% học viên tại Trung tâm là người hỏng mắt với trình độ, khả năng tiếp thu khác nhau, dân tộc thiểu số 17,6% ở vùng sâu vùng xa chưa quen với môi trường tập thể, đô thị. Cán bộ giáo viên Trung tâm vẫn hết sức kiên trì, cố gắng trong cả khâu giảng dạy và phục vụ, tạo điều kiện tốt cho học viên tiếp thu kiến thức, kỹ năng từng khóa học.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc do Hội người mù thể hiện
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp cho gần 400 học viên với 3 loại hình lớp: Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Hội, xoa bóp bấm huyệt, tác động cột sống ở khu vực miền Trung Tây Nguyên và Nam Bộ. Trung tâm cũng làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hội viên một số tỉnh, thành Hội trong cả nước cho gần 250 lượt học viên.
Trong thời gian sắp tới Trung tâm tiếp tục đào tạo hàng năm từ 350 đến 400 học viên với các loại hình theo kế hoạch của Hội người mù Việt Nam giao. Đa dạng loại hình, quy mô và nội dung đào tạo để phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển của Hội, chú trọng việc nâng cao nội dung chương trình và chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh công tác đào tạo cho các tỉnh phía Nam, miền Trung- Tây Nguyên.
Bộ Lao đông Thương binh và Xã hội trao bằng khen cho tập thế cá nhân có thành tích xuất sắc
Tại chương trình đã diễn ra các chương trình văn nghệ đặc sắc do những người mù biểu diễn. Nhân dịp này, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã Hội tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thời gian vừa qua.
Hà Giang