Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật từ pháp luật đến thực tiễn thực hiện

(ĐHVO). Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là vấn đề luôn được cộng đồng xã hội quan tâm hiện nay.


Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Người khuyết tật ở Việt Nam hình thành từ nhiều nguyên nhân trong đó có từ chiến tranh, bệnh tật, tai nạn lao động, dị tật bẩm sinh… và họ sinh sống ở nhiều tỉnh thành, vùng miền trong cả nước. Có thể nói  khuyết tật vừa là nguyên nhân cũng là hậu quả của nghèo đói, nên đại đa số điều kiện sinh sống của người khuyết ở nước ta còn khó khăn, nhiều người khuyết tật thuộc trường hợp người nghèo, cận nghèo phần lớn sống phụ thuộc người nuôi dưỡng chăm sóc như bố mẹ, ông bà, anh chị em và bảo trợ của xã hội. Người khuyết tật do đặc điểm sinh lý hoặc thể chất, tinh thần nên họ gặp nhiều khó khăn từ vận động, nghe, nói, đọc, viết, nhận thức, hòa nhập xã hội. Do đó họ là người yếu thế, dễ bị tổn thương và luôn cần sự bảo vệ, quan tâm của gia đình, cộng đồng, xã hội.

Việc chăm lo đời sống giúp người khuyết tật an sinh, tạo việc làm, chăm sóc y tế, hòa nhập cộng đồng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý. Có thể nói việc ra đời Luật người khuyết tật đã thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật. Luật người khuyết tật năm 2010 ban hành trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh người tàn tật năm 1998, tiếp thu vận dụng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Luật người khuyết tật làm rõ khái niệm người khuyết tật, quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; quy định các trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật. Luật người khuyết tật đã góp phần bảo vệ quyền của người khuyết tật trong đó có quyền về trợ giúp pháp lý. Khoản 1 Điều 4 Luật người khuyết tật gồm: Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên thì người khuyết tật là chủ thể đương nhiên được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí. Với quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc là trách nhiệm đương nhiên của các cơ quan, tổ chức được trao quyền trong việc thực thi bảo đảm quyền được bảo trợ pháp lý cho người khuyết tật. Việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật góp phần bảo đảm quyền con người, bảo vệ tốt quyền lợi của người khuyết tật, giúp họ tiếp cận công lý, công bằng, tạo cho họ có được quyền bình đẳng trước pháp luật với các chủ thể khác. Bên cạnh Luật người khuyết tật, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người khuyết tật thuộc trường hợp được hưởng trợ giúp pháp lý; quy định Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và xã hội đối với công tác trợ giúp pháp lý.

Kể từ khi Luật trợ giúp pháp lý được ban hành việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã từng bước đi vào thiết thực, hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật. Tuy nhiên, việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên thực tế vẫn còn có nhiều khó khăn và hạn chế. Vì đa số người khuyết tật là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, việc tiếp cận thông tin và pháp luật để tư vấn và hỗ trợ pháp lý còn rất nhiều rào cản và hạn chế. Ngoài ra tâm lý e ngại phiền hà, tự ti mặc cảm của người khuyết tật và sự thiếu quan tâm kịp thời của xã hội nên dẫn đến quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trên thực tế, việc trợ giúp pháp lý cho họ thì các tổ chức trợ giúp pháp lý đến người thực hiện trợ giúp pháp lý là trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên trợ giúp pháp lý phải chủ động kinh phí, nguồn lực để thực hiện nên cũng có nhiều khó khăn cho cả bên thực hiện trợ giúp pháp lý và bên được trợ giúp.

Theo Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, hiện nay, việc trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Như vậy, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được cấp kinh phí hoạt động, có đầu tư từ nhà nước nên đây là tổ chức có đủ khả năng nguồn lực đảm nhận tốt vai trò trợ giúp pháp lý. Đối với Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý theo 2 hình thức là ký hợp đồng trợ giúp pháp lý hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở. Nhiều tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật kinh dành cho công tác trợ giúp pháp lý còn eo hẹp, khó cân đối nguồn lực tài chính, nhân lực và phương tiện để thực hiện trợ giúp pháp lý nên nhiều lúc, nhiều nơi công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật vẫn chưa kịp thời, kém hiệu quả. Một vấn đề nữa là khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật do họ có khiếm khuyết về thể chất hoặc về nhận thức nên phải thực hiện thông qua người thân, người giám hộ nên rất khó khăn trong công tác tư vấn, thu thập chứng cứ, xác minh bảo vệ quyền lợi.

Xuất phát từ thực tiễn trên, để làm tốt hơn nữa công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, giúp họ tiếp cận sớm với dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí thì ngoài tạo cơ chế động viên, khuyến khích tinh thần tự nguyện của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thì việc xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cũng cần được quan tâm. Theo đó, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng, ký kết quy chế phối hợp với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư các địa phương để tăng cường, bổ sung nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý, vận động thêm nhiều tổ chức hành nghề luật sư tham gia nhiều vào công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ các hội viên người khuyết tật về để họ có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có sự việc cần tư vấn hoặc trợ giúp; kêu gọi sự chung tay của cộng đồng xã hội, các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đầu tư cho nguồn lực, kinh phí và phương tiện thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật./.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Tạp chí Đồng Hành Việt

 

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang