(ĐHVO). Do những rào cản khi giao tiếp, khó khăn trong thiết lập các quan hệ xã hội, nhất là khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Do đó, pháp luật quy định Người khuyết tật được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý dành cho Người khuyết tật dần được hoàn thiện, cơ bản đã thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đối với Người khuyết tật và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người khuyết tật thay thế Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998. Luật Người khuyết tật đã quy định quyền được trợ giúp pháp lý của tất cả người khuyết tật không phân biệt có hay không có nơi nương tựa (Điều 4).
Thực hiện Luật Người khuyết tật, ngày 05/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BTP phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu 90% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu trong giai đoạn 2012 – 2015 và 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu trong giai đoạn 2016 – 2020. Để triển khai thực hiện Đề án này, ngày 18/12/2012 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3888/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch năm 2013 triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chăm sóc và bảo vệ trẻ em, người yếu thế, người khuyết tật. Đồng thời, luật thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, trợ giúp những người có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao dịch vụ pháp lý cũng như không có điều kiện tiếp cận những dịch vụ pháp lý thông thường.
Ảnh minh họa
Chính sách trợ giúp pháp lý dành cho người khuyết tật đã và đang phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Người khuyết tật sẽ được tổ chức trợ giúp pháp lý với hình thức phù hợp (sinh hoạt chuyên đề pháp luật tư vấn pháp luật trong các đợt truyền thông ở cơ sở…) cho các dạng tật (khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật vận động…) tại nơi cư trú, sinh sống của người khuyết tật (các xã, phường, thị trấn nơi có người khuyết tật cư trú, tại các Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội và các tổ chức khác của người khuyết tật…), trong đó chú trọng vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng cho người khuyết tật khi có yêu cầu đảm bảo đạt 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, hàng nghìn người khuyết tật đã được phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật thông qua hoạt động TGPL về cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Qua đó đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý cho Người khuyết tật còn nhiều khó khăn: nhiều người khuyết tật chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý hoặc biết nhưng không thể tiếp cận với dịch vụ này do hoạt động truyền thông chưa sâu rộng, phương pháp truyền thông chưa phù hợp với các dạng tật khác nhau nên thông tin chưa đến được với đông đảo người khuyết tật; đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đông nhưng quỹ thời gian dành cho trợ giúp pháp lý rất ít, chất lượng hoạt động chưa đồng đều; hoạt động trợ giúp pháp lý tuy ngày càng được tăng cường về cơ sở với nhiều phương thức nhưng chủ yếu mới đến trung tâm xã, chưa đến được nhiều thôn, bản, vùng sâu, vùng xa; cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc của các Trung tâm trợ giúp pháp lý thiếu thốn, hạn chế….
Do đó, để tăng cường hơn nữa hiệu quả và vai trò, ý nghĩa của trợ giúp pháp lý dành cho Người khuyết tật thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Từng bước hoàn thiện đầy đủ, chặt chẽ các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý cho Người khuyết tật; Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về Trợ giúp pháp lý; Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý…
Hy vọng trong thời gian tới, với những nỗ lực, giải pháp Người khuyết tật sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các chính sách, quy định pháp luật của cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi hòa nhập cộng đồng thông qua trợ giúp pháp lý.
Khánh Ly