Trịnh Huy Khuê: Người Cựu chiến binh biến sỏi đá thành mía đường

(ĐHVO). Bước ra từ quân ngũ với ý chí, nghị lực của mình để biến sỏi đá vùng đất nghèo Thọ Bình thành mía đường, vươn lên tạo dựng sự nghiệp cho chính bản thân mình và cho quê hương đó chính là Trịnh Huy Khuê – người con ưu tú của xã Thọ Bình, huyện Thiệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Anh Trịnh Huy Khuê, sinh năm 1965, là con thứ tư trong một gia đình nông dân nghèo của xã Thọ Bình, huyện Thiệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Học hết phổ thông, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Anh Khuê thuộc biên chế đại đội 17, trung đoàn 1, sư đoàn 312 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Suốt 5 năm tham gia quân đội, anh đã chiến đấu nhiều trận đánh lớn nhỏ, đối mặt với nhiều tình huống tác chiến nhưng kỉ niệm mà anh nhớ nhất là một trận pháo kích năm 1984. Khi ấy, anh và em trai cùng chiến đấu trên một mặt trận, trận pháo kích của địch dồn dập nã tới, hai người bị bắn ra xa. Vừa lồm cồm bò dậy, anh Khuê vừa gào to “Em còn sống không?” thì đồng thời thấy em trai ở phía xa đang bới đất chui lên hỏi “Anh còn sống không?”. Hai anh em vội lao đến ôm chầm lấy nhau sau giây phút sinh tử. Trận ấy anh Khuê bị thương nặng, mất một mảng da đầu lớn phải đưa về bệnh viện cấp cứu. Đến giờ, khi nhắc về thời gian trong quân ngũ, anh Khuê vẫn hay cười nói: đi bộ đội thì gian nan lắm, nhưng có nhiều điều hay, mà hay nhất là cái tình, cái nghĩa, suốt đời không quên được.

Ước mơ tạo ra được nhà máy đường cho quê hương là động lực để Ông Khuê vượt qua mọi khó khăn

Năm 1989, hết nghĩa vụ, chàng trai trẻ Trịnh Huy Khuê trở về và bắt đầu thực hiện những mơ ước trên mảnh đất quê nhà. Khi ấy, xã Thọ Bình là một địa phương thuần nông với diện tích đất đồi bỏ hoang nhiều, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu ăn triền miên. Nhưng với ý chí được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, người thanh niên Trịnh Huy Khuê quyết không chùn bước trước cảnh đói nghèo.

Được sự ủng hộ của gia đình, anh Khuê mạnh dạn xin thầu 5 ha đồi để canh tác. Chỗ nào đất tốt, bằng phẳng, anh trồng mía, chỗ nào phù hợp anh trồng cây lấy gỗ và xen canh các loại cây rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Hai năm sau khu đồi của gia đình anh đã có hàng ngàn cây lấy gỗ (keo, xoan…), cây hoa màu (đu đủ, lạc, đậu…) và trên 2 ha mía nguyên liệu cùng hàng trăm con gà nuôi thả. Năm đầu tiên thu hoạch mía, gà, anh có lãi trên 20 triệu đồng.

Thành công bước đầu giúp anh có thêm tự tin để nhận thầu 30 ha đất đồi, mở rộng sản xuất và trực tiếp ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Mía đường Lam Sơn (nay là Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn). Năm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm, anh chỉ trồng thử nghiệm 10 ha mía, 20 ha còn lại trồng cây lâm nghiệp. Đúng lúc đó, Hội nông dân huyện Triệu Sơn phối hợp với Nhà máy Đường mở lớp tập huấn trồng mía, anh tạm dừng mọi công việc để tham gia khóa học. Nhờ chăm chỉ, ham học hỏi, anh đã nắm vững các bước quy trình kĩ thuật trồng mía, công việc làm ăn ngày càng trôi chảy, thành công nối tiếp thành công.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Khuê còn giúp đỡ các hộ nông dân khác cùng trồng mía để thoát khỏi đói nghèo. Nhận thấy nhu cầu nguyên liệu của Nhà máy Đường còn chưa được đáp ứng đủ, anh gom góp hết số tiền dành dụm được  mạnh dạn đứng ra vận động 500 hộ nông dân (trong đó có hơn 100 hộ là cựu chiến binh) tham gia mở rộng vùng sản xuất, đại diện ký hợp đồng với Nhà máy Đường Lam Sơn phát quang 300 ha đồi hoang trồng mía. Để việc sản xuất có hiệu quả, anh mời cán bộ kỹ thuật của nhà máy về tận thôn mở các lớp tập huấn cho nông dân kiến thức trồng mía theo quy trình khoa học. Đồng thời anh cũng liên hệ với các trung tâm khoa học uy tín để nghiên cứu chất đất và các giống mía mới cho năng suất chất lượng cao. Thậm chí anh còn đầu tư hàng tỷ đồng để hỗ trợ máy móc, trang thiết bị và phân bón cho bà con thuận lợi sản xuất. Anh tâm sự: “Cái khó của làm trang trại là vốn đầu tư ban đầu không nhỏ nên nông dân rất sợ thua lỗ. Khi đã có nguồn cung, cầu ổn định, bà con mới an tâm canh tác và vững tin phát triển đồng mía của mình”.

Nhờ sự tận tâm, tận tình, dám nghĩ, dám làm của anh Khuê mà giờ đây vùng đất Thọ Bình cằn cỗi xưa kia đã phủ rợp màu xanh của mía, người dân không còn cảnh chạy ăn từng bữa, hơn 2000 lao động có thu nhập ổn định (từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng), cuộc sống cải thiện đáng kể. Từ ước mơ có cơm ăn đủ bữa, đến nay gia đình anh Khuê thu xấp xỉ 13 tỉ đồng mỗi năm; từ chỗ canh tác bằng sức người là chính chuyển sang cơ giới hoá sản xuất với 6 đầu máy xe tải vận chuyển mía và vật liệu, 4 xe ủi, 4 máy xúc cùng nhiều phương tiện làm đất.

Năm 2009, sau 20 năm miệt mài với từng mảnh đồi, anh Khuê quyết định dành toàn bộ số vốn tích góp được cộng với vay mượn mở Công ty TNHH Trịnh Thành Minh để thuận lợi cho việc ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu mía đường. Công ty của anh tiếp tục tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Hiện với 6 xe vận tải, 3 máy làm đất, 2 máy xúc, 2 máy ủi,… anh đang tạo việc làm trực tiếp cho trên 40 lao động với thu nhập 4,5-7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh còn dạy các nam thanh niên trong làng học lái máy, lái xe từ kinh nghiệm của mình thời còn trong quân ngũ và giúp đỡ họ theo học tại các trung tâm chính quy của tỉnh. Có không ít người hiện đang làm việc tại các công ty, nhà máy với mức thu nhập cao. Theo Nguyên Bí thư chi bộ 11 Vũ Ngọc Nhật thì: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo cách của anh Khuê là hiệu quả và thiết thực nhất, nên được nhân rộng ra”.

Năm 2013, để ghi nhận những đóng góp của anh Trịnh Huy Khuê trong lĩnh vực làm kinh tế và giúp đỡ cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Anh cũng liên tiếp được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh Thanh Hoá và các ngành vì thành tích sản xuất giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc trong nhiều năm liền.

Những thành tựu mà anh Trịnh Huy Khuê đạt được hôm nay là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, học hỏi không ngừng nghỉ trong suốt hơn 20 năm qua. Con người bước ra từ quân ngũ ấy đã dùng ý chí, nghị lực của mình để biến sỏi đá vùng đất nghèo Thọ Bình thành mía đường, vươn lên tạo dựng sự nghiệp cho chính bản thân mình và cho quê hương. Anh là tấm gương sáng mà thế hệ trẻ cần phải học tập và noi theo.

 

Châu Phong

( Ghi theo lời kể của CCB Trịnh Huy Khuê – xã Thọ Bình, huyện Thiệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.)

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang