Triệu trái tim, một nhịp đập – cùng hướng về Miền Trung!

(ĐHVO). Tình hình mưa lũ tại miền Trung vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp dù đã kéo dài hơn nửa tháng qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ, sạt lở khắp nơi đã tàn phá khủng khiếp, khiến hàng triệu đồng bào miền Trung đang gánh chịu nhiều đau thương, tang tóc và thiệt hại vô cùng lớn. Để chia sẻ với đồng bào ruột thịt đang gồng mình chống chọi với bão lũ thiên tai, phát huy truyền thống tương thân tương ái ngàn đời của dân tộc; Đại diện Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với CLB Ngọc Trong Tâm, Câu lạc bộ thiện nguyện Halelugia cũng lên đường hướng về Miền Trung thân yêu.


Bên trong những căn nhà sau lũ tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh là khung cảnh xơ tác, hoang tàn.

Bao nhiêu nước mưa, bấy nhiêu nước mắt…

Đi vào nơi lũ dữ, phóng viên mới thấu được hết nỗi đau của những phận đời nhỏ bé, phải ngày qua ngày căng mình gánh chịu “sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên”. Nhưng trong nghịch cảnh đó, chúng tôi thấy được giá trị của tình người, lũ cuốn tất thảy vật chất nhưng không cuốn được nghị lực bà con và tình thương của cộng đồng.

Ngày 31-10, có lẽ là ngày mưa “nhẹ nhàng” hiếm hoi tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong suốt một tháng nay. Đoàn cứu trợ chúng tôi đến xã khi nước đã rút dần sau những ngày mưa không có điểm dừng. Vùng này bao quanh bởi dòng sông chứng nhân lịch sử Bến Hải, mới tuần trước nước lũ lên đã ngập đến đầu người, cả làng phải đi sơ tán. Nước ngập hết những mái nhà vốn đã nghèo trông lại càng tang thương. Giờ nước rút nhưng nỗi kinh hoàng vẫn còn ngự trị trong mắt người dân nơi đây.


Lực lượng Công an và chính quyền địa phương, cùng thành viên Đoàn chung tay vận chuyển hàng hoá giúp đỡ người dân sau lũ dữ.

Khoảng 2h chiều, tất cả bà con xã Vĩnh Sơn đã có mặt tại UBND xã theo như thông báo trước đó của đoàn gửi tới chính quyền địa phương. Đoàn mang theo 300 suất quà quyên góp được từ TPHCM, trực tiếp trao gửi tận tay đến cho người dân. Nhìn cảnh bà con xếp hàng thứ tự nhận quà hỗ trợ, chia nhau từng cái bánh ngọt mà thấy thương yêu quá đỗi. Những người nông dân nghèo khó ở vùng rốn lũ làm chúng tôi thổn thức. Họ có thể “thiếu” về vật chất nhưng khí chất của người miền trung thì không lẫn vào đâu được. Từ chối nhận thêm một phần quà mặc dù mình đang khó.


Người dân đang xếp hàng lấy phiếu để nhận quà hỗ trợ theo danh sách của chính quyền địa phương

Cùng ngày, chúng tôi di chuyển vào trong làng thăm 30 hộ vùng xung yếu nhất của xã. Càng di chuyển chúng tôi lại càng thêm trĩu lòng vì những mảnh đời sau lũ. Khi đến thăm bà con mà đường xá nước vẫn còn lênh láng. Xót xa khi nhìn những hộ dân chỉ mỗi 2 ông bà già tuổi thất thập xưa nay hiếm đang dùng chút sức tàn cuối cùng để cào bùn, sắp xếp nhà cửa sau lũ. Trong những mái nhà tranh vách đất liêu xiêu giờ càng tan hoang, đồ đạc vật dụng cùng với đàn gia súc cứ thế theo dòng nước lũ cuốn đi… không biết khi nào mới khắc phục được. Câu chuyện thương tâm nhất và khiến chúng tôi nặng lòng nhất là khi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Lý (Thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Ngôi nhà đã không có gì giá trị, chiếc giường ọp ẹp duy nhất, chiếc xe đạp cuối cùng cũng nằm trong bùn đất. “Ba mẹ con cào bùn 4 ngày mới được như ri đây, lúc lũ mới rút trong nhà với ngoài đường cũng giống nhau thôi, lúc nớ ba mẹ con lo đi sơ tán chứ đâu dám nghĩ thêm gì, nhà còn cái xe đạp giờ cũng nằm trong bùn đất luôn rồi…” – chị Lý xúc động nói.

Đoàn thiện nguyện trao quà cho bà con tại UBND xã Vĩnh Sơn

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi lại tiếp tục đến với 2 xã vùng núi của huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Khê và Vĩnh Hà. Người dân ở xã vùng cao này cách đó vài tuần, đã phải hứng chịu những trận lũ quét, lũ ống từ thượng nguồn đổ về. Từ trung tâm Thị xã Hồ Xá tới 2 khu vực này cũng mất khoảng 20 – 30km, hai bên đường cây cối, dây diện đổ ngã xiêu vẹo vào nhau. Nơi đây bị gãy đổ 15 ha rừng tràm phân tán; ngập 3 ha nuôi trồng thủy sản; trụ sở làm việc UBND xã Vĩnh Khê hư hỏng 300 m2 mái tôn; khu văn hóa thể thao xã Vĩnh Hà sạt lở đất đắp san nền 35m. Đây là địa bàn rất hiểm trở nên từ ngày lũ về, ít đoàn từ thiện tìm đến giúp bà con. Thấy xe đoàn cứu trợ chúng tôi đến, trẻ nhỏ reo hò vẫy gọi, còn người lớn thì cũng mừng rơi nước mắt. Tại mỗi điểm chúng tôi cũng trao 100 suất quà và sách vở, dụng cụ học tập, máy quạt cho các em. Cô Ngô Thị Hồng Loan, hiệu trưởng trường Mầm Non xã Vĩnh Khê xúc động chia sẻ: “Bình thường xã này đa số là người dân tộc Vân Kiều, bà con đã gặp phải khó khăn rất nhiều, giờ lũ về khó khăn lại chồng khó khăn. Trong đợt lũ vừa rồi, trường mầm non xã Vĩnh Khê bị sạt lở nặng vùng sân, hiện tại trường đang cho học sinh học tại 2 cụm trường còn lại, để chờ trường thi công khắc phục sữa chửa nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh”.


Trung uý Lê Đức Sanh – Công an xã Vĩnh Sơn, Đại diện Tạp chí điện tử Đồng Hành trao tận tay 30 suất quà cho hộ gia đình là người già, người neo đơn và bị ảnh hưởng nặng sau lũ.

Đại diện CLB Ngọc Trong Tâm và Mạnh thường quân đến thăm hỏi, động viên bà con tận nhà.

 


Trường mầm non xã Vĩnh Khê bị hư hại nặng sau lũ


Cô Lê Thị Linh – Hiệu trưởng trường Mầm non xã Vĩnh Hà, cùng thành viên Đoàn và mạnh thường quân

Đoàn thiện nguyện trao quà tại trường Mầm non xã Vĩnh Hà


Bà con tại xã Vĩnh Khê thực sự vui mừng khi được nhận những món quà từ các nhà hảo tâm.

Người dân hồ hởi hỗ trợ Đoàn thiện nguyện vận chuyển quà vào nơi tập kết.

“Nơi lũ” tựa vào “nơi cạn” bước qua khó khăn

Chiều tắt nắng, đoàn chúng tôi cất bánh rời đi trong sự quyến luyến của dân vùng lũ, để ngày mai chúng tôi lại tiếp tục về với phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế để trao tặng 250 suất quà cho bà con. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ vừa qua. Toàn bộ hoa màu, hành lá mất trắng; 10/15 xã, phường của thị xã Hương Trà ngập trong nước, có nơi nước dâng cao trên 2 mét, nhiều địa phương bị cô lập. Nhiều tuyến giao thông không thể đi lại được gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân. “Hầu như năm nào cũng bão, năm nào cũng lũ, năm nào cũng có người mất, cứ thế mà sống chung với lũ chứ biết mần răng, buồn mãi cũng đâu có được” – Bà Huệ (Phường Hương An, TX Hương Trà, Thừa Thiên Huế) vừa cào bùn trong nhà vừa nói.


Ông Hà Minh Tú – đại diện các mạnh thường quân trao quà cho bà con bị ảnh hưởng tại phường Hương An, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong lũ dữ mới thấu hết nghĩa tình! Hàng trăm đoàn cứu trợ từ khắp nơi trên cả nước đã đem nhu yếu phẩm, vật lực đến giúp sức bà con miền Trung chống lũ.Tất cả cùng sưởi ấm đến trường, cùng đồng lòng đỏ bếp lửa chung, thâu ngày trắng đêm cùng dân vượt lũ.

Đại diện Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt trao quà cho bà con bị ảnh hưởng tại phường Hương An, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gần một tháng nay, chính quyền tại 02 địa phương: huyện Vĩnh Linh và thị xã Hương Trà cùng các cán bộ – chiến sỹ Công an tỉnh phải căng mình trực chiến ứng cứu người dân và thực hiện công tác hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn cứu trợ. Đây là những đơn vị vừa căng mình trực chiến ứng cứu người dân trong lũ dữ, vừa nhận nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn từ thiện cứu trợ tại địa phương.

Ông Hồ Văn Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cùng các thành viên đoàn thiện nguyện.

Ông Hồ Văn Quyết – Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn xúc động: “Sau lũ, giờ chính quyền địa phương sẽ có phương án hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đảm bảo cuộc sớm ổn định cuộc sống. Thực sự xúc động khi những đoàn thiện nguyện đã về với bà con chúng tôi, hành động ấy tiếp thêm sức mạnh cho người dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Những người trao và nhận dưới những cơn mưa, song ai ai cũng cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực khi cầm trên tay những món quà đong đầy nghĩa tình.”

Các số liệu ghi nhận được cho thấy La Nina vẫn sẽ là hình thái chi phối diễn biến thời tiết những tháng cuối năm 2020 và có khả năng kéo dài sang 2021. Chính vì vậy miền Trung sẽ vẫn tiếp tục phải đón mưa bão. Việt Nam là một trong 10 quốc gia được đánh giá bị ảnh hưởng rất nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đã đến lúc chúng ta bắt tay vào công cuộc thích ứng với BĐKH như: đê biển, ngăn sông rửa mặn, hồ trữ nước…, phổ cập kiến thức, thông tin đến với toàn người dân. Trong đó, việc chủ động học tập, nắm bắt và cập nhật kịp thời các cảnh báo, dự báo về thiên tai là một trong những giải pháp hiệu quả. Nhưng nếu rừng vẫn còn bị tàn phá nặng nề, thuỷ điện vẫn xây dựng không quy hoạch và nhà kính mọc lên khắp mọi nơi, thì đến bao giờ lũ mới dừng lại???

Những ngày sắp tới, thời tiết dự báo vẫn nhiều diễn biến khó lường, miền Trung tiếp tục vừa khắc phục thiệt hại mưa lũ vừa triển khai các phương án phòng, chống bão số 10,11. Tin tưởng rằng, với nội lực của quân và dân đồng lòng, dải đất miền Trung đã bảo vệ vững chắc vùng đất huyết mạch Tổ quốc trong chiến tranh, thì giờ đây với trái tim yêu thương của cả nước hướng về miền Trung, chính miền Trung ấy sẽ luôn kiên cường dù phải trải qua bao nhiêu lũ dữ.

Hòa Xuân – Châu Phong

Những tấm lòng đến với đồng bào trong lũ dữ

Để có Đoàn cứu trợ thành công và an toàn này, Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt đã được sự giúp sức của UBNB Xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; UBND phường Hương An, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với mong muốn làm nhịp cầu cứu trợ miền trung, đại diện Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt tại  các tỉnh phía nam phối hợp cùng CLB thiện nguyện Ngọc Trong Tâm, Câu lạc bộ thiện nguyện Halelugia – Ông Hà Minh Tú, chủ nhiệm Câu lạc bộ, tất cả đã cùng kêu gọi được sự đồng hành ủng hộ tới đồng bào miền Trung từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ước đạt hơn 300 triệu đồng, cụ thể như: Công ty TNHH sản xuất thương mại SPT (150 thùng nước lọc); hiện kim của Công  ty CP tập đoàn Boss Land, Công ty Yeshouse, Công ty CP TM & Dịch vụ Tú Hà (Đông Anh, TP. Hà Nội) và 500 phần quà là các nhu yếu phẩm: Nước sát khuẩn, nước khoáng, sữa, tập vở, dụng cụ học tập, máy quạt, nhu yếu phẩm, gạo, áo ấm,…đến từ nhiều các mạnh thường quân ở Bình Thuận và các tỉnh thành khác.

Với tinh thần tất cả vì miền trung thân yêu, những chuyến hàng đã được lăn bánh, ráp nối đúng thời điểm, trao được tới tay người dân!

Bài viết liên quan

Mạn đàm một số nội dung về tiếp cận quyền bầu cử, ứng cử của người khuyết tật

Cần làm tốt vai trò truyền thông liên quan đến người khuyết tật

Picture1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại tỉnh Nam Định

Picture1

Nam Định tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiên tai

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc (ở giữa) cùng Chủ tịch HĐND Lê Quốc Chỉnh ủng hộ tại Lễ Phát động

Nam Định: Phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang