Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ các hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
Hiện nay, cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, đa số người khuyết tật thuộc hộ nghèo, chưa bao giờ đi học hoặc không có bằng cấp. Đây là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, do đó, cần có những giải pháp và chính sách để trợ giúp, đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Nhằm tạo cơ hội bình đẳng, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hoà nhập, đóng góp cho xã hội, ngày 1/11/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch 1842/KH-UBND để các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật; tiếp tục phát huy vai trò của người khuyết tật và tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận và tham gia đầy đủ các hoạt động của xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm, việc triển khai thực hiện các giải pháp, chương trình trợ giúp người khuyết tật phải được tiến hành kiên trì, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương. Trong đó, trọng tâm là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về trợ giúp người khuyết tật; định hướng nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với các mức sống trong xã hội và khả năng ngân sách của thành phố; có chính sách tăng số lượng người khuyết tật tham gia mạng lưới an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại.
Các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật; khuyến khích người khuyết tật có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội và giúp đỡ người khuyết tật khác. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát và sửa chữa, xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo tiêu chuẩn và phù hợp điều kiện của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật; có chính sách ưu đãi dành cho các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, các doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp có nhiều lao động là người khuyết tật; khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, phụ nữ, trẻ em khuyết tật, người khuyết tật cao tuổi; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật…
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có trên 35 nghìn người khuyết tật. Để giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập với cộng đồng, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm và tập trung thực hiện các chính sách trợ giúp hiệu quả.
Với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật tỉnh Phú Thọ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành, thị làm tốt công tác tuyên truyền Luật Người khuyết tật, các chính sách người khuyết tật được tiếp cận, thụ hưởng thông qua hình thức phong phú: đối thoại chính sách, hội nghị chuyên đề… qua đó giúp người khuyết tật nắm bắt được chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật, các chính sách được thực hiện đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt cho người khuyết tật. Trong đó, nổi bật là Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Phú Thọ từ các nguồn xã hội hóa đã giúp đỡ cho hàng ngàn lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống.
Trong thời gian tới, cùng với các cấp, ngành trong tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ sẽ chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật; khuyến khích và tạo điều kiện cho người khuyết tật có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả nhất nhằm làm tốt trợ giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với người khuyết tật trên mọi lĩnh vực góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại Hưng Yên, hoạt động chăm sóc, trợ giúp và bảo vệ quyền người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có khoảng 21,1 nghìn người khuyết tật; trong đó, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng hưởng trợ cấp hàng tháng là 17.438 người, với số tiền gần 99,5 tỷ đồng/năm.
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 3 cơ sở trợ giúp xã hội công lập đang nuôi dưỡng hơn 660 đối tượng là người khuyết tật bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các địa phương, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã tích cực huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cải thiện đời sống của nhóm người yếu thế này. Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai đa dạng, phong phú như: Hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, tặng xe lăn, tặng xe đạp, cấp học bổng, dạy nghề, trợ giúp tìm việc làm, hỗ trợ công cụ, tư liệu sản xuất… Được hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề phù hợp, không ít người khuyết tật có việc làm ổn định, tự lo cho cuộc sống bản thân, gia đình và đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội…
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam