(ĐHVO). Nửa thế kỉ sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng những dư âm của những tháng năm bị áp bức bóc lộ và tinh thần đấu tranh hào hùng của dân tộc không thể bị lãng quên. Đó là hình ảnh những đồng đội ngã xuống, là những nỗi đau âm ỉ còn đeo đẳng mãi trong những gia đình có người ra trận nhưng mãi mãi đã không trở về.
Ngày tưởng niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947 – 27/7/2021 là ngày mà cả dân tộc tri ân những mất mát, hy sinh của những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, họ đã đánh đổi cuộc sống của bản thân cho sự độc lập của quốc gia. Với ý chí bất khuất, kiên cường, thà bỏ mạng chứ không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ cho bè lũ thực dân. Dân tộc ta đã anh dũng đứng lên để chiến đấu chống lại bè lũ xâm lược. Trong những tháng năm khói lửa của cuộc kháng chiến, nhiều chiến sĩ, người dân đã ngã xuống, hy sinh trên khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, phát huy truyền thống, thuỷ trung, nhân ái của dân tộc, nhân dân đã giành nhiều tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã nằm xuống cho sự độc lập của dân tộc. Một dân tộc chiến thắng bao giờ cũng phải trả giá bằng mồ hôi xương máu của các thế hệ.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (Ảnh minh hoạ – Internet)
Ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý thành lập ban vận động tổ chức ngày Thương binh toàn quốc 27/7. Trong lời kêu gọi nhân ngày Thương binh toàn quốc, ngày 27/7/1948, Bác Hồ có viết “Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng báo giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần”. Từ đó, vào ngày 27/7 hằng năm, Hồ Chủ tịch đều gửi thư nhắc nhở, động viên, thăm hỏi mọi người phải nhớ ơn và hỗ trợ hết mình các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Đây cũng là ngày cả đất nước và dân tộc lắng nghe từ tận trái tim mình lòng biết ơn về tấm gương của các bậc cha anh chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc. 74 năm qua, thông qua các hoạt động đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc, Đảng nhà nước và nhân dân ta luôn chân trọng, đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của các chiến sĩ đối với tổ quốc
Người Việt Nam vĩ đại nhất thế kỉ 20 là người đã khơi dậy tinh thần yêu nước và là người mở đầu cho phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa trong suốt 74 năm qua. Sau 9 năm kháng chiến, Đảng và Chính phủ trở về thủ đô vào dịp đón năm mới 1955, Người đã đọc diễn văn tại buổi lễ, đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài liệt sĩ. Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Suốt dọc dài đất nước, những nghĩa trang liệt sĩ giống như ngôi đền tưởng niệm những người lính đã ngã xuống vì độc lập tự do. Nước Việt Nam thời hiện đại có ngày 27/7 hằng năm tưởng nhớ những anh lính người con của dân tộc đã hy sinh cho đất nước trường tồn. Đạo lý dân tộc đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Việt Nam chúng ta.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (Ảnh minh hoạ – Internet)
Nhân ngày 27/7/2021 sắp đến, xin được bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đến những người đã cống hiến hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc. Năm tháng trôi qua, những đóng góp của những anh hùng liệt sĩ mãi mãi tạc ghi vào trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta, quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt. Thế hệ ngày hôm nay và mai sau sẽ đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh và viết tiếp những trang sử vẻ vang của cả dân tộc, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.
Đinh Nguyên