Trẻ em khuyết tật và vấn đề tiếp cận giáo dục: khi cái đương nhiên không đương nhiên

(ĐHVO). Đối với đa số các trẻ em, việc đến trường được coi là việc ‘đương nhiên’. Cái đương nhiên này không chỉ được quy định trong Quyền Trẻ em và được pháp luật bảo trợ, mà còn được gia đình và xã hội coi trọng và thúc đẩy trên tinh thần ‘dao có mài mới sắc, người có học mới nên’. Đến mức, với nhiều trẻ, việc đến trường không còn là quyền lợi của bản thân mà là nghĩa vụ mà các em thực hiện với gia đình, dẫn tới việc không ít phụ huynh bày tỏ khó khăn trong việc thuyết phục con mình học bài và đến trường.

Ảnh minh họa hoạt động Dự án

Tuy nhiên, khảo sát về Thúc đẩy tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế đối với trẻ em gái, trẻ em khuyết tật” do Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) tại hai tỉnh Hòa Bình và Nghệ An trong năm 2020-2021 cho thấy việc tiếp cận giáo dục đối với trẻ khuyết tật đang còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Kể cả khi bản thân trẻ khao khát được đến trường, gia đình cũng có nguyện vọng cho con được đến trường, và nhà trường cũng sẵn sàng đón nhận trẻ khuyết tật với chính sách thúc đẩy giáo dục hòa nhập, thì vẫn có nhiều trẻ không được đến trường. Với những trẻ được đến trường, với nhiều trẻ sự ‘đến trường’ chỉ dừng ở mức sự hiện diện, trẻ chưa thực sự thụ hưởng được lợi ích của tiến trình giáo dục. Thậm chí, nghiên cứu còn phát hiện một số rào cản đối với trẻ khuyết tật khiến việc đến trường đôi khi lại có thể trở thành trải nghiệm có tính tổn thương cho trẻ hơn là có tính hỗ trợ.

Một trong những rào cản khó vượt qua nhất là sự thiếu các dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Khuyết tật có nhiều dạng khác nhau và ở các mức độ khác nhau. Chính sách hỗ trợ giáo dục hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật chỉ phù hợp được khi trẻ vẫn có thể giao tiếp thông thường và có khả năng tự vận động ở mức độ nhất định. Với các trẻ cần có công cụ hỗ trợ, ví dụ như trẻ có khuyết tật liên quan tới thị giác và thính giác, hoặc với trẻ cần có hỗ trợ trong giao tiếp hoặc cần thêm các kỹ thuật của giáo dục đặc biệt (ví dụ như trẻ có hội chứng tự kỷ), đa số các trường phổ thông lại không có được các hỗ trợ cần thiết này để trẻ có thể thực sự tham gia được vào tiến trình học tập. Một số trẻ khuyết tật ở mức nặng cần tới các hỗ trợ giáo dục chuyên biệt, nhưng số lượng các trường chuyên biệt hiện khá ít và chủ yếu phân bổ ở các thành phố lớn. Và mặc dù chính sách nhà nước tạo điều kiện để trẻ khuyết tật được đến trường thông qua các hỗ trợ như trẻ học ở trường chuyên biệt được miễn hoàn toàn học phí, được chu cấp chỗ ở và ăn uống sinh hoạt, nhưng thực tế không phải trẻ nào có nhu cầu cũng có thể theo học được. Lý do là vì các trường này thường chỉ có ở các thành phố lớn, nên trẻ khuyết tật tại các khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực vùng sâu vùng xa khi đến học thì sẽ cần ở nội trú trong toàn bộ học kỳ, và việc thu xếp một người lớn đi theo để hỗ trợ trẻ trong quá trình học nội trú như vậy là bất khả thi với nhiều gia đình.

Với các trẻ theo học tại các trường phổ thông theo chính sách giáo dục hòa nhập, sự khác biệt của trẻ lại thường là các yếu tố khiến trẻ dễ trở thành đối tượng trêu chọc và bắt nạt của các trẻ khác. Mặc dù có chính sách ưu đãi dành cho các lớp có học sinh khuyết tật, ví dụ cứ mỗi học sinh khuyết tật thì sĩ số lớp sẽ được giảm 5 học sinh để các giáo viên được giảm tải, tuy nhiên, các hỗ trợ này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Bản thân giáo viên vừa do bận với các công việc hành chính và giảng dậy, vừa thiếu các kiến thức và kỹ năng để làm việc với trẻ khuyết tật nên cũng không thể sâu sát được với các em, thậm chí chỉ dừng ở chức năng ‘trông nom’ thay vì giáo dục. Hiện tượng trêu chọc và bắt nạt đối với trẻ khuyết tật trong trường học khá phổ biến, khiến một số em bị cảm giác sợ đến trường.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy các cha mẹ và gia đình trẻ khuyết tật mặc dù thương yêu trẻ, thậm chí nhiều gia đình còn có tâm lý thương con khuyết tật hơn con không khuyết tật vì những thiệt thòi của trẻ, nhưng tình thương không đồng thuận với các chiến lược đầu tư giáo dục. Khi phải lựa chọn, gia đình sẽ ưu tiên đầu tư cho con khỏe mạnh đi học. Sự lựa chọn này đến từ hai nguyên nhân phổ biến. Một là, nhiều gia đình xuất phát từ sự tính toán duy lý rằng con khỏe mạnh thì còn có cơ hội nghề nghiệp việc làm, nên đầu tư cho con học để sau này con có tương lai, khi bố mẹ già yếu thì có thể hỗ trợ lại được anh/chị/em khuyết tật của mình. Hai là, bản thân các gia đình cũng có định kiến về năng lực và tương lai của trẻ khuyết tật, có xu hướng nhìn nhận trẻ như những người mất năng lực và phụ thuộc. Vì vậy, kể cả với các gia đình đã vượt qua rất nhiều khó khăn về tài chính và nhân lực để có thể đưa được con tới trường, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều gia đình đưa trẻ đến trường với tâm lý ‘cho con được bằng bạn bằng bè’, ‘cho con đỡ thiệt thòi’, hoặc thực tế nữa là ‘để nhà trường trông con hộ’, hơn là để con có cơ hội phát triển năng lực và chuẩn bị cho tương lai.

Trên các cơ sở phát hiện của mình, khảo sát đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền giáo dục của trẻ em khuyết tật. Trong các hệ giải pháp đề xuất, nhóm giải pháp được khảo sát đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho cộng đồng với các điểm nhấn mạnh về (1) thay đổi nhận thức và thái độ của cộng đồng, nhằm chuyển từ góc nhìn trẻ khuyết tật như những người mất năng lực và phụ thuộc sang góc nhìn trẻ như những trẻ em có quyền được hưởng các dịch vụ cơ bản để phát triển năng lực, và cộng đồng cùng có trách nhiệm trong việc đảm bảo các thành viên của mình – bất kể tình trạng sức khỏe và thể trạng – được hưởng các quyền cơ bản; (2) cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết để gia đình và nhà trường biết cách làm việc và chăm sóc sức khỏe với trẻ em khuyết tật. Nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất đối với việc xây dựng các mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cần thiết với trẻ em khuyết tật ở cấp cơ sở, ví dụ như thúc đẩy việc tổ chức các lớp học chuyên biệt trong trường phổ thông tại cấp xã, huyện; khuyến khích các trường trang bị các dụng cụ hỗ trợ cơ bản đối với các dạng khuyết tật phổ biến nhằm tăng cường cơ hội được đến trường của trẻ, đưa các trang bị này thành tiêu chí chính thức để xếp loại trường nhằm khuyến khích các trường huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đề xuất một số các giải pháp cụ thể để thúc đẩy cơ hội thành công trong trường học của trẻ em khuyết tật, ví dụ như việc bổ sung các tiêu chí khen tặng đối với học sinh nghị lực bên cạnh các tiêu chí khen thưởng về học lực, nhằm nâng cao sự thừa nhận đối với trẻ khuyết tật trong trường học.

Đặng Văn Thanh

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang