Trẻ em khuyết tật tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập

(ĐHVO). Nhằm đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em khuyết tật, Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 có hiệu lực từ 15/2/2022 ràng buộc một số điều kiện đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục mầm non.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Bộ kế hoạch đầu tư đầu năm 2019 qua kết quả cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số trong đó có hơn khoảng 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi.

Theo Unicef, trẻ em khuyết tật Việt Nam phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong cuộc sống hàng ngày và nhiều hình thức phân biệt đối xử dẫn đến bị loại trừ khỏi xã hội và trường học. Trong khi mọi trẻ em đều có quyền được giáo dục, và được đảm bảo giáo dục chất lượng và hoà nhập cho trẻ em khuyết tật.


Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Bởi thế, Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT nhấn mạnh cơ sở giáo dục mầm non độc lập bao gồm nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục có nhiệm vụ quản lý trẻ em; tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật. Theo đó, nếu tiếp nhận trẻ khuyết tật thì cơ sở giáo dục mầm non độc lập; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục mầm non phải đáp ứng điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ cụ thể.

Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giáo viên, người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật

Đối với nhóm trẻ độc lập quy mô trên 7 trẻ, lớp trẻ mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập yêu cầu giáo viên phải được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.

Tương tự, đối với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ trong đó có trẻ khuyết tật, Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT quy định người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.

Bởi lẽ, khi nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật, người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải được trang bị đầy đủ nghiệp vụ cơ bản về can thiệp sớm và giáo dục hoà nhập đồng thời áp dụng những kiến thức về can thiệp sớm, quản lý hành vi, phát triển ngôn ngữ giao tiếp để lập được kế hoạch và tổ chức thực hiện các kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ khuyết tật, phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục chất lượng và hoà nhập.

Mặt khác, theo Điều 11 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định đối với nhà giáo, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

– Tôn trọng và thực hiện các quyền của người khuyết tật.

– Bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật của cá nhân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.

– Phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật lập kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật học hòa nhập; tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật.

– Phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập.

– Tư vấn cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.

– Phối hợp với đồng nghiệp, gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện đối với người khuyết tật.

– Thường xuyên tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập.

Được tiếp nhận không quá 01 trẻ em khuyết tật

Điều kiện về số lượng trẻ em khuyết tật được tiếp nhận tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập được hạn chế tối đa không quá 01 trẻ em khuyết tật. Cụ thể:

– Trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập được tổ chức theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo. Mỗi nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo có không quá 01 trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Đối với nhóm trẻ: Trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ. Số lượng trẻ em tối đa trong một nhóm trẻ được quy định như sau:

+ Nhóm trẻ từ 03 – 12 tháng tuổi: 12 trẻ em;

+ Nhóm trẻ từ 13 – 24 tháng tuổi: 20 trẻ em;

+ Nhóm trẻ từ 25 – 36 tháng tuổi: 25 trẻ em.

Đối với lớp mẫu giáo: Trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số lượng trẻ em tối đa trong một lớp mẫu giáo được quy định như sau:

+ Lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi: 25 trẻ em;

+ Lớp mẫu giáo 4 – 5 tuổi: 30 trẻ em;

+ Lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi: 35 trẻ em.

Trẻ em trong nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 07 trẻ có độ tuổi từ 03 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi. Mỗi nhóm trẻ có không quá 01 trẻ em khuyết tật.

Mặt khác, đối với trẻ em khuyết tật học hòa nhập được thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với khả năng của từng cá nhân và theo quy định về giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang