Trẻ em khuyết tật đi học có được cấp học bạ không?

Mới đây trên diễn đàn mạng xã hội facebook của nhóm “Việc làm cho người khuyết tật” xuất hiện nội dung chia sẻ của một thành viên với nick name “Nga Nguyễn” là phụ huynh của một học sinh khuyết tật. Cụ thể, bài viết của phụ huynh Nga Nguyễn viết: “Các bạn ơi, cho mình hỏi có Giấy chứng nhận khuyết tật của Ủy ban phường, được cấp thẻ BHYT của phòng Thương binh xã hội và nhận trợ cấp hàng tháng rồi. Con mình đi học nhà trường bảo rằng nếu học theo chế độ có hồ sơ khuyết tật con sẽ được xét lên lớp, cuối cấp có xác nhận hoàn thành chương trình học nhưng sẽ không có học bạ. Nếu muốn có học bạ thì phải học theo kiểu bình thường như các bạn khác…”. Trong phần status của mình, nick name Nga Nguyễn chia sẻ thêm con chị “đi khám là bị chậm phát triển nhưng không phải down, không tự kỷ, không tăng động”.

( Bài viết của nick name facebook “Nga Nguyễn)

Bài viết của vị phụ huynh trên đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ và cảm thông từ các thành viên trong nhóm. Bạn có nick name Trương Hồng Ngọc nêu quan điểm: “…đã đi học chắc chắn có học bạ”, một bạn khác có nick name Ngân Lê cũng cho rằng: “Ngày xưa mình đi học vẫn có học bạ”…

(Một số bình luận trên diễn đàn – PV)

Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc và những phụ huynh có con bị khuyết tật đang đi học, phóng viên Tạp chí Điện tử Đồng hành Việt đã liên hệ với Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt, Ông Nguyên cho biết: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục. Đối với người khuyết tật còn được quy định trong Luật Người khuyết tật; cụ thể, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Có ba phương thức giáo dục dành cho người khuyết tật là giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật.

(Luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – PV)

Do đó khi tiếp nhận học sinh khuyết tật theo học thì nhà trường có trách nhiệm phối hợp với phụ huynh học sinh, căn cứ đánh giá mức độ khuyết tật và khả năng tiếp thu của con em mình để lựa chọn phương thức giáo dục hòa nhập và có kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp với học sinh đó. Việc đánh giá, xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật được thực hiện theo các trường hợp sau:

Trường hợp học sinh khuyết tật học ở cấp tiểu học được quy định tại Điều 8 Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/09/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục hòa nhập tùy theo dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, được đánh giá như đối với học sinh không khuyết tật, có điều chỉnh yêu cầu cho phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

Trường hợp học sinh khuyết tật học trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, căn cứ quy định tại Điều 11, 12 Thông tư 22/2021/TT- BGDĐT ngày 20/07/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để giải quyết. Theo đó việc đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học. Khi đánh giá, xét lên lớp đối với học sinh học tập theo phương thức hòa nhập thì tùy theo mức độ và dạng khuyết tật được đánh giá như đối với học sinh không khuyết tật, có điều chỉnh yêu cầu cho phù hợp với dạng khuyết tật và mức khuyết tật hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân. Đồng thời Hiệu trưởng căn cứ kết quả đánh giá học sinh khuyết tật để xét lên lớp hoặc công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông đối với học sinh khuyết tật.

Như vậy căn cứ quy định pháp luật hiện hành thì con của phụ huynh có nick name “Nga Nguyễn” học theo phương thức giáo dục hòa nhập nếu cháu đáp ứng yêu cầu chung thì vẫn được đánh giá kết quả học tập, xét lên lớp, cấp học bạ theo quy định./.

Hưng Nguyên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top