(ĐHVO). Trong một lần tình cờ, tôi gặp Xuân Anh – một cô gái nhỏ nhắn nhưng có suy nghĩ, nội tâm thật sâu sắc. Em như loài hoa Astrantia, tưởng mong manh nhưng vô cùng mạnh mẽ, không ngừng vươn mình, sống lạc quan và yêu đời.
Nguyễn Xuân Anh (sinh năm 2001) là con gái trong một gia đình hạnh phúc, đầy tình yêu thương. Bố mẹ em làm trong ngành cơ khí và xây dựng, do vậy dù không phải giàu sang, nhưng cuộc sống cũng ấm no, đủ đầy.
Em bé Nguyễn Xuân Anh (Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Những năm đầu kết hôn, bố mẹ Xuân Anh vào Nam làm ăn sinh sống, chính vì vậy, nơi Xuân Anh chào đời là Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Xuân Anh kể: “Mẹ em bảo khi mang thai em mẹ bị ốm nặng, phải sinh em thiếu tháng nên khi sinh ra, người em trông nhỏ bé và yếu ớt lắm. Em không bú mẹ được, phải đặt vào lồng kính. Việc em ra đời thực sự “bào mòn” cả thể xác lẫn ví tiền của ba mẹ nên chưa đầy một năm, cả nhà em trở lại miền Bắc. Hiện em đang sống cùng gia đình tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.”
Khi Xuân Anh lớn hơn một chút, những dấu hiệu bất thường như ngồi không vững, không bò, cổ không cứng cáp như mọi đứa trẻ bằng tuổi đã khiến phụ huynh lo âu và đưa đi khám. Em được chẩn đoán bị bại não thể múa vờn (Athetoid cerebral palsy). Thời gian sau đó là chuỗi ngày tháng ròng rã chạy chữa khắp nơi để chữa bệnh cho Xuân Anh nhưng không có tác dụng. Sau này, Xuân Anh tìm hiểu thì mới biết bệnh này chưa có cách nào chữa khỏi, nó sẽ là một phần gắn liền với em cả cuộc đời.
Xuân Anh hồi tưởng lại: “Từ 5 tuổi trở đi, sức khoẻ của em ổn định hơn nên gia đình cũng đỡ vất vả đôi chút. Ông bà nội đỡ đần trông nom em khi bố mẹ đi làm. Em học chữ, số ở lớp mẫu giáo và được ông nội dạy thêm.” Sau khi nghỉ lớp mẫu giáo, Xuân Anh ở nhà đến năm 11 tuổi thì được gửi vào trường gần nhà học lớp một cùng với các em nhỏ hơn. Em chỉ học hết lớp một, sau đó, một phần vì kiến trúc nhà trường quá bất tiện cho xe lăn, phần khác vì trường chuyên cho trẻ khuyết tật quá xa không có người đi theo chăm sóc, nên em nghỉ học và ở nhà tự học với máy tính.
Nguyễn Xuân Anh ở tuổi đôi mươi (Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Thời gian trôi qua, cũng như bao bạn cùng lứa, những năm đầu 20 của Xuân Anh bắt đầu le lói khái niệm “khủng hoảng hiện sinh”. Xuân Anh cảm thấy mình không quan trọng với bất kỳ ai, không mang lại lợi ích cho ai. Xuân Anh tự trách, phải chăng là do chăm sóc, ẵm bồng em – một đứa con gái nặng hơn 40 kg mà cả bố mẹ em đều mắc bệnh xương khớp? Em hoàn toàn phụ thuộc vào người khác trong sinh hoạt hàng ngày. Chính bản thân em cũng thấy mình phiền phức dù em không hề muốn. Chẳng ai muốn! Đôi lúc em nghĩ, nếu mình rời khỏi cuộc sống của họ, liệu họ có cảm thấy nhẹ nhõm hơn?
“Thứ gì tồn tại đều có sứ mệnh và lý do của riêng nó, vậy sứ mệnh của em là gì?” Ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, đáng lẽ Xuân Anh phải được sống hết mình với tuổi trẻ: “…vậy mà cuộc sống của em chỉ gói gọn trong một ngôi nhà, ngày ngày lặp đi lặp lại, em cảm giác mình không phải đang sống, mà chỉ đang thở và tồn tại”.
Sâu trong tâm khảm của Xuân Anh là sự “rục rịch muốn phá kén”, nhưng em cũng thương bố mẹ, họ đã cho em quá nhiều và em không muốn đòi hỏi điều gì hơn: “Có lẽ “an phận” là một đứa con ngoan, không để bố mẹ phải bận tâm thêm là điều duy nhất em có thể dành cho họ. Nhiều lúc, em đọc, nghe những câu chuyện con cái lớn nấu ăn, chăm sóc, mua đồ này, mua đồ kia cho cha mẹ, em càng thấy mình vô dụng và bất hiếu”.
Vượt qua mặc cảm, bước trên hành trình self-love (yêu bản thân)
Xuân Anh chia sẻ: “Giọng nói của em khá khó nghe: cột hơi yếu, nói lắp bắp, không rõ chữ và em đã ghét nó trong một thời gian dài. Em cứ thu mình và sống tiêu cực như vậy trong suốt một thời gian dài. Nhưng rồi em chợt nhận ra, em sống hạnh phúc thì bố mẹ em mới an tâm, vui vẻ được. Khi em dần dần mở rộng lòng mình, nói chuyện, làm quen với những người bạn phương xa qua mạng thì em việc nói chuyện trở nên dễ dàng, tự nhiên hơn. Em tập yêu những gì thuộc về bản thân.
Em nghe và đọc về nhiều chủ đề, học ngoại ngữ, vẽ tranh và chỉnh sửa ảnh.” Ánh mắt Xuân Anh rạng rỡ và sáng ngời khi chia sẻ với tôi về việc học ngoại ngữ: “Em thấy những điều mình quan tâm, như là các hoạ sĩ yêu thích, một vài trường phái hội hoạ không phổ biến, thông tin về vũ trụ nói chung, văn hoá châu Âu, tôn giáo, các tác phẩm văn học độc đáo…, chưa có nhiều thông tin bằng tiếng Việt. Nên thay vì chờ đợi chúng được dịch sang tiếng mẹ đẻ, em quyết định học và tự tìm hiểu.
Thực sự đối với em, để thông thạo một ngôn ngữ có thể là câu chuyện của nhiều năm nữa. Em không sinh ra với bộ não đặc biệt hay năng lực vượt trội, mà chỉ là một người bình thường, say mê việc học hỏi. Đôi lúc, em thấy mình thật mâu thuẫn, một phần em muốn được người khác công nhận, nên đôi khi em có xu hướng thể hiện kiến thức nhỏ bé của mình; nhưng đôi lúc em cũng muốn giấu nhẹm đi vì không muốn họ khen mình giỏi chỉ vì “nó khuyết tật và tự học mà đã được như vậy rồi”.
Nguyễn Xuân Anh xinh đẹp và tự tin (Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Biển học vô bờ, có một số điều Xuân Anh luôn tin tưởng mãnh liệt đó là những quy luật của vũ trụ, lòng tốt luôn hiện hữu dù thế giới có mục rữa ra sao, và sức mạnh của trí tuệ là thứ quyết định thế giới này. Quan tâm và yêu mến văn hoá châu Âu không có nghĩa là em bớt đi tình yêu tổ quốc. Việc Xuân Anh thực sự hứng thú hơn cả là tìm hiểu về các vùng miền trên đất nước ta – nơi sinh sống của các dân tộc anh em khác: “Trên vùng cao, em thấy đồng bào sống hoà hợp với thiên nhiên và gắn kết cộng đồng, họ góp phần bảo tồn những phong tục văn hóa từ lâu đời. Việc tự tìm hiểu như vậy khiến em mở mang kiến thức và thấy cuộc sống thật thú vị.”
Bên cạnh đó, Xuân Anh nhận tầm quan trọng của sự truyền tải, nên em đang trau dồi kỹ năng viết và tâm lý học.
Về công việc, Xuân Anh thường kiếm việc trên các trang thuê/ tuyển người làm tự do, mảng em hay làm thường là nhập liệu, làm phụ đề, kiểm tra chính tả, ngữ pháp, edit tài liệu/video… “Dù công việc và thu nhập không ổn định nhưng em cảm thấy rất vui và ý nghĩa”. Hiện tại, cô bé đang học thêm một vài kỹ năng mới để mở rộng công việc.
Đối với Xuân Anh, cuộc sống mới chỉ bắt đầu và vẫn đang rộng mở, chào đón em. “Em không biết mình sẽ sống bao lâu và có chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng em cảm thấy thực sự yêu thương, trân trọng và biết ơn tất cả những gì em đang có”. Hãy cứ tin và ước mơ vào những điều tốt đẹp, Xuân Anh nhé! Tôi tin rằng với đam mê cháy bỏng của mình, những mong muốn, mơ ước của em sẽ thành hiện thực trong một tương lai không xa.
Tiểu Nguyên