(DHVO). Có thể nhận định rằng, hiện ngày càng nhiều sự xuất hiện của hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử. Theo đó, dường như đã và đang trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội nhằm củng cố, xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh. Trong sự vào cuộc đó, nổi lên một vấn đề rất quan trọng là giáo dục ứng xử văn hóa trong gia đình – “bệ phóng văn hóa” đưa con người đến với xã hội…
Văn hóa ứng xử cần được giáo dục ngay từ lứa tuổi nhỏ, với những hoạt động mang ý nghĩa xã hội
Trong thời gian gần đây, có hai cái “chết” lãng xẹt về nhân cách, do ứng xử xã hội kém, thiếu chuẩn mực vừa bị xử lý nghiêm khắc, được dư luận đồng tình. Hai cái “chết” đó, đáng tiếc lại là hai sĩ quan công an nhân dân, cụ thể:
– Bà Lê Thị Hiền, công an Quận Đống Đa, Hà Nội gây “đại náo” tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – cãi vã, chửi bới, mạt sát nhân viên hàng không khi làm thủ tục ký gửi hành lý. Bà Hiền bị khai trừ Đảng; bị hạ 2 cấp hàm từ Đại úy xuống Trung úy và bị buộc ra khỏi ngành, do vi phạm quy định an toàn bay và quy tắc ứng xử công an nhân dân.
Ảnh minh họa
– Ông Nguyễn Xô Việt, công an tỉnh Thái Nguyên ném xúc xích vào mặt nữ nhân viên và đánh nam nhân viên trạm dừng nghỉ Hải Đăng (TX.Phổ Yên). Ông Việt bị hạ cấp hàm từ Thượng úy xuống Trung úy và bị buộc ra khỏi ngành, do gây tổn hại tinh thần, sức khỏe người khác, vi phạm quy tắc ứng xử công an nhân dân; về kỷ luật Đảng đối với ông Việt đang được tổ chức Đảng xem xét
Thông thưng, khi các quan hệ xã hội đã mở rộng, nâng cao cả tính chất và loại hình thì con người cũng phải mở rộng, nâng tầm phẩm chất, nội lực văn hóa của chính mình để đáp ứng yêu cầu mới trong ứng xử. Tương tự, đối với gia đình thì ứng xử văn hóa khó có thể phủ nhận một sự thật là đã và đang có không ít bậc cha mẹ sao lãng vai trò nêu gương, chưa coi gia đình là “bệ phóng văn hóa” đưa con cái đến với xã hội. Đặc biệt, một số gia đình nghèo, khi cha mẹ bị cuốn vào cuộc mưu sinh thì rất dễ trễ nải trong dạy bảo con cái về văn hóa ứng xử.
Vì lẻ đó, câu chuyện ứng xử xã hội đã được bàn nhiều – được thầy cô giáo, cha mẹ, ông bà, người lớn dạy dỗ từ tấm bé – khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, ở đâu đó người ta vẫn cứ coi nhẹ, vẫn có những vi phạm về ứng xử xã hội không thể hiểu nổi. Có thể kể ra đây, mỗi ngày mỗi tuần, mỗi tháng có hàng trăm, hàng ngàn lối hành xử xã hội thiếu chuẩn mực, vô văn hóa.
Ngày nay, khi xã hội đã và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì mức sống đã và sẽ tiếp tục nâng cao. Tuy nhiên, điều đó sẽ giảm thiểu ý nghĩa nếu tình trạng vô cảm, bất nhẫn, thói ích kỷ lên ngôi trong sinh hoạt xã hội tới mức lấn át các ứng xử có tính nhân văn. Theo đó, điều đáng lo ngại là tại một số làng xã, nơi hàng nghìn năm qua từng góp phần quan trọng bảo lưu và truyền bá nhiều giá trị tích cực của văn hóa dân tộc, dường như khi các bức tường gạch cắm mảnh thủy tinh lởm chởm thay thế “giậu mồng tơi xanh rờn”, và khi ở vùng đô thị, người sống trong các ngôi nhà, căn hộ cửa đóng then cài, tháng đôi ba lần gặp người nhà bên chỉ gật đầu chào, thì tình làng nghĩa xóm, quan hệ láng giềng đã phát lộ dấu hiệu suy giảm? Nhìn rộng ra, những dấu hiệu như vậy cũng xuất hiện trong nhiều quan hệ xã hội khác. Ai đó có thể coi sự suy giảm là hệ lụy từ một số tiêu chí ứng xử truyền thống không còn phù hợp, hoặc xã hội chưa xác lập được hệ tiêu chí, chuẩn mực tương ứng sự chuyển dịch của những kiểu loại quan hệ xã hội mới…
Do vậy, hiện vẫn có những cái “chết” lãng xẹt về đạo đức, nhân cách rơi vào những người có ăn học, như với hai sĩ quan công an vừa nêu trên. Ứng xử xã hội được định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt là hành vi, thái độ, hành động, lời nói trong cư xử, giao tiếp, chuyện trò với người chung quanh. Điều này, chính là những quy định về lễ giáo, ăn nói lễ phép, kính trên nhường dưới, tôn trọng phụ nữ và người cao tuổi, lối hành xử mà cha ông đã dạy “Ăn xem nồi, ngồi xem hướng”. Nóng giận, thiếu sự kiềm chế làm người ta mất khôn! Giữa ứng xử xã hội không chuẩn mực và vi phạm pháp luật, nhiều khi chỉ là lằn ranh mỏng manh.
Theo Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã nêu là tùy theo phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc đã có sẵn, được tổng kết bài bản, công phu qua dòng chảy thời gian của lịch sử. Trong từng ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội đều có những quy định rõ ràng, nghiêm ngặt. Điển hình, đối với ngành công an nhân dân, ngày 22/8/2017, Bộ trưởng Công an ban hành thông tư số 27 – Quy định Ứng xử chuẩn mực trong các mối quan hệ, theo tinh thần 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân: “Đối với tự mình phải Cần – Kiệm – Liêm – Chính; Đối với đồng sự phải Thân ái – Giúp đỡ; Đối với Chính phủ phải Tuyệt đối Trung thành; Đối với nhân dân phải Kính trọng – Lễ phép; Đối với công việc phải Tận tụy; Đối với địch phải Cương quyết – Khôn khéo”.
Có thể nhận thấy rằng, sự ứng xử không chuẩn mực, kém văn hóa, chính là ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình, cộng đồng, xã hội chưa tốt. Sự giáo dục, quản lý, xử lý các vi phạm chưa nghiêm khắc, thiếu các chế tài ràng buộc. Lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, học sinh các cấp học chưa coi trọng rèn luyện kỹ năng sống, nên không ít trường hợp, khi lớn lên, đến tuổi trưởng thành, không ít người có sự hụt hẫng, thiếu kỹ năng cư xử và giao tiếp. Thế nên. đã đến lúc, gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và ứng xử các tình huống phức tạp của đời sống con người, đời sống gia đình và xã hội.
Vì vậy, rèn luyện cách vận hành ứng xử xã hội, nơi công cộng sao cho chuẩn mực, có văn hóa là điều tối cần thiết, không bao giờ được xem nhẹ trong đời sống văn hóa hiện đại. Bởi, ứng xử có văn hóa của con người Việt Nam đã có nền tảng từ ngàn đời nay, nét đẹp văn hóa đó được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ người Việt Nam. Mỗi người Việt Nam hãy góp sức mình để nét đẹp truyền thống đó ngày càng được bồi đắp, trở thành giá trị vĩnh hằng. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đừng để những “con sâu làm rầu nồi canh”; cần đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “… giặc nội xâm rất đáng sợ, vì nó phá từ trong phá ra”. Để chiến thắng “tên giặc nội xâm ứng xử thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực”, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; từ đó lưu giữ và nhân lên giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Minh Sơn