Trần Thị Hiếu Thảo – Sức sống như loài cỏ dại của cô bé “chim cánh cụt”

(ĐHVO). Sinh ra không được lành lặn như bao đứa trẻ khác, bé bị khuyết tật tứ chi, tên thật là Trần Thị Hiếu Thảo. Thảo sống trong tình thương và sự bao bọc của ông bà ngoại khi cha bị tai nạn mất sớm, mẹ đi làm ăn xa. Nghị lực phi thường của cô bé như khát vọng sống bất diệt của loài cỏ dại giữa sa mạc cuộc đời đầy khắc nghiệt.

Trần Thị Hiếu Thảo – Cái tên mà không một người dân nào tại xã An Trạch 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) không biết như một cách để nói về tinh thần ham học, nhí nhảnh, và khát vọng sống bất diệt khiến nhiều người khâm phục. Dù có khiếm khuyết về thể chất nhưng bé Thảo vẫn luôn ước mong trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho ông bà già yếu và giúp ích cho xã hội.

Thảo vẫn cố gắng từng ngày để tập viết, tập đọc với cơ thể khiếm khuyết ( Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngồi kể lại những tháng ngày đầu tiên mà bé Thảo được sinh ra, bà Lý Thị Cho (63 tuổi, bà ngoại của bé Thảo) vẫn cỏn rưng rưng. Tầm năm 2008, mẹ Thảo ra Nha Trang lập nghiệp và quen được bố Thảo. Hai người đến với nhau và sinh ra bé Thảo. Những ngày đầu đi siêu âm thì bác sĩ bảo thai nhi phát triển bình thường, gia đình một là do nghèo quá, hai là do chủ quan nên không đi khám thai lại, chi lo đi làm kiếm tiền để sinh con, nhưng thật không may khi sinh bé ra lại bị khuyết tật tứ chi. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi Thảo được 10 tháng tuổi, ông trời thật thích trêu đùa con người, trong một lần ra ngoài, bố Thảo bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Từ đó, Thảo ở với ông bà ngoại để mẹ Thảo lên Bình Dương đi làm. Sau tai nạn của bố Thảo được một năm thì mẹ thảo lấy chồng mới rồi sinh con. Thảo được ông bà ngoại nhận về và nuôi dưỡng từ thời điểm đó.

Ngoài việc học, cô bé lại giúp ông bà các công việc nhỏ trong nhà (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm Thảo được 6 tuổi, trông thấy các bạn cùng trang lứa được đi học, được đến trường, Thảo đã xin ông bà để mình cũng được đến trường. Ban đầu gia đình còn lưỡng lự vì với tình trạng của Thảo, gia đình sợ em không thể theo được tiến độ học tập của các bạn trên lớp cũng như sợ không may khi chơi đùa cùng các bạn sẽ làm em bị thương. Nhưng với thái độ kiên quyết muốn tìm đến tri thức của cô cháu gái nhỏ, ông bà không thể khước từ, ông bà Cho cũng cố gắng làm thêm giờ, tích góp từng đồng để cô cháu gái được đến lớp, bà Cho kể lại mà không giấu được vẻ xúc động.

Khi mới vào học, cô bé ngồi còn không vững nói gì đến chuyện cầm bút để viết. Bà Cho phải ngồi sau lưng giữ cho Thảo để không bị ngã, với ý chí kiên cường, Thảo đã nhanh chóng ngồi được, viết được và cố gắng theo kịp tiến độ của các bạn trong lớp. Thầy Lê Hoàng Vinh, Hiệu trưởng trường tiểu học An Thạch cho biết, khi Thảo mới đến lớp, thầy cô rất lo lắng rất nhiều cũng như khá là áp lực. Lo lắng vì với tình trạng của Thảo, thầy cô phải giúp đỡ Thảo như thế nào để Thảo có thể theo kịp được tiến độ học tập của các bạn khác, đó là một câu trả lời khó khăn với thầy cô tại thời điểm đó. Điều này đôi lúc đã làm thầy cô khá áp lực bởi sự nhiệt tình của gia đình và nhiệt huyết, tinh thần hiếu học bất diệt của cô gái bé nhỏ này. Bởi vậy nên mỗi một bước phát triển của Thảo là một thành tích cũng như niềm vui không chỉ của Thảo mà còn của gia đình và thầy cô, bạn bè.

Mọi hoạt động cô bé đều có thể tự lập từ uống nước, quét nhà,…( Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng cuối cùng, như hiểu được và đáp lại tình cảm của mọi người đến mình, Thảo nỗ lực tập viết bằng cách đưa cánh tay ép vào phần má phải để cầm bút. Chia sẻ với phóng viên, Thảo nói lúc đầu tập viết Thảo rất mỏi cổ, nhưng rồi cũng quen, Thảo rất vui vì có thể viết, vẽ tranh như bao bạn khác. Hiện tại Thảo đã vào lớp 5 với thành tích qua các năm đều được học lực khá trở lên.

Ngoài việc học tập, để giảm gánh nặng cho ông bà, Thảo còn tự lập được các công việt cá nhân và giúp ông bà ngoại những việc nhỏ trong gia đình từ ăn uống, đi học, quét nhà, lau bàn. “Con bé ngoan lắm, sáng đi học rồi về nhà học bài, có con bé vợ chồng tôi cũng đỡ buồn. Năm ngoái mọi người biết đến Hiếu Thảo nhiều hơn, rồi con bé được lắp chân giả để tập đi lần, cuộc sống của gia đình tôi cũng đỡ hơn trước nhiều lắm”, bà Cho xúc động nói.

Dù em mới chỉ 10 tuổi nhưng cách mà em đối diện và chấp nhận cuộc sống của mình như một cây cỏ dại giữa sa mạc cuộc đời khắc nghiệt, khiến mọi người suy ngẫm và cảm thấy bản thân thật may mắn để nỗ lực hơn trong cuộc sống. Luôn tự hào về em, cô bé “chim cánh cụt” Trần Thị Hiếu Thảo!

Công Năng

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang