Trần Ngọc Anh – Người thầy đam mê với việc dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật

Theo lời giới thiệu của ông Phan Văn Thái , Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) có trụ sở đặt tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tôi được biết thầy giáo Trần Ngọc Anh, người thầy giáo đam mê với việc dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật.

Tiếp tôi ngay sau khi kết thúc giờ giảng, thầy Ngọc Anh cho biết: quê anh ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, sau khi học xong cấp 3, hệ 10/10 năm 1979, anh tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam trong đợt tổng động viên tháng 3 năm 1979. Sau 4 năm tham gia quân đội, anh được chuyển nghành về Trường 23 tháng 3, tiền thân của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội hôm nay. Lúc này trường được đặt tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, được phân công làm việc hành chính như: nấu ăn cho trẻ em khuyết tật, bảo vệ cơ quan, văn thư và các công việc khác theo sự phân công của lãnh đạo phòng. Năm 1986, anh được cơ quan cử đi học lớp Trung cấp bảo trợ xã hội theo hình thức vừa học, vừa làm. Với những kiến thức được học về công tác bảo trợ xã hội, lại trực tiếp tham gia dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật tại trường.. Được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đi trước, anh đã từng bước vững vàng về chuyên môn giảng dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật. Năm 1990, anh được các chuyên gia của Úc, Đức, Anh, Hà Lan đến kiểm tra trực tiếp việc dạy học cho trẻ em bị khiếm thính và đề nghị trường cho anh được theo học chương trình đào tạo đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt tại Trường Đại học sư phạm I, Hà Nội. Đây là chương trình đào tạo theo Dự án UB2 do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ, là khóa học đầu tiên được đào tạo hệ đại học ở Việt Nam. Lớp học chỉ có 20 học viên là người từ các tỉnh, thành phố cả nước tham gia với mục tiêu là sau này làm nòng cốt cho các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các Trung tâm có chương trình giảng dạy chuyên ngành ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính. Hiện nay nhiều học viên của lớp đã trở thành cán bộ lãnh đạo của khoa giáo dục đặc biệt, chuyên gia về lĩnh vực ngôn ngữ ký hiệu.
Thầy Trần Ngọc Anh đang giảng dạy trên lớp học. Ảnh Ngọc Minh
Anh Trần Ngọc Anh chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy học sinh khuyết tật, tôi cũng đã nhiều lần được trao đổi với các chuyên gia quốc tế, các bạn đồng nghiệp, họ có nguyện vọng kết nối, tạo cơ hội cho anh được “thay đổi” môi trường công tác, nhưng tôi đều từ chối vì đây là nơi đã tiếp nhận tôi, chắp cánh cho tôi có được kiến thức, kinh nghiệm để dạy cho trẻ em khuyết tật. Việc được dạy văn hóa hàng ngày cho trẻ em trước đây tại trường 23 tháng 3 và nay là Trung tâm là niềm đam mê, khát vọng của tôi. Ngọn lửa nhiệt huyết của tôi cũng đã truyền lại cho cô con gái tôi đó là tiếp tục học chuyên ngành giáo dục đặc biệt tại Trường Đại học sư phạm I, Hà Nội. Hiện nay cháu đã tốt nghiệp và đang tham gia công tác trong lĩnh vực giáo dục. Tôi luôn yêu công việc của mình, yêu học trò của tôi vì qua học trò của mình, tôi thấy công việc của tôi rất có ích cho các em. Học sinh của chúng tôi, chủ yếu là trẻ khuyết tật đặc biệt nặng hoặc trẻ khuyết tật nặng nhưng thuộc gia đình hộ nghèo hoặc cận nghèo, nên để thay đổi cuộc sống hiện tại và tương lai,  các em phải được học văn hóa, học nghề thì mới tạo ra cuộc sống ổn định. Hiện đã có rất nhiều học trò của tôi, đã trở thành giảng viên đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt, chủ nhiệm câu lạc bộ người khiếm thính, mở các cửa hàng may đo và làm nghề thủ công.., nhiều em đã lập gia đình, có con, hàng năm vào các ngày Lễ, Tết trở lại thăm thầy, cô giáo cũ. Có những học sinh “cá biệt” như hay quậy phá, bắt nạt bạn cùng học…nhưng nay các em đã khác rất nhiều. Các em đưa cả vợ, chồng, con cùng đến thăm Trung tâm, các cháu chào các ông, các bà ạ, tặng cho chúng tôi những bó hoa do chính  tay các em làm. Thật là đơn giản, mộc mạc thôi, nhưng đó là tấm lòng của các em học sinh khuyết tật dành cho người thầy của mình. Đặc biệt có học sinh Lê Khánh Hưng hiện đã lập gia đình, có con và  trở thành cán bộ công tác tại Trung tâm, là đồng nghiệp của chúng tôi trong môi trường nuôi dưỡng, dạy học văn hóa, học nghề cho trẻ em khuyết tật. Đó chính là minh chứng cho khả năng của người khuyết tật, là họ có thể làm được những công việc của người bình thường nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy học chu đáo…
Để việc dạy văn hóa có kết quả, khi tiếp nhận trẻ, chúng tôi phải phân loại bệnh tật, hoàn cảnh, trình độ nhận thức để bố trí lớp học cho phù hợp. Có em 10 tuổi mới vào trung tâm và học lớp 1, nên lớp học của chúng tôi phải ghép nhiều trình độ khác nhau, các giáo viên rất vất vả trong quá trình dạy học. Những giáo viên của Trung tâm phải dạy học liên tục như cán bộ, viên chức và không có kỳ nghỉ hè vì học viên đến với chúng tôi không đồng đều về độ tuổi, việc tiếp nhận học sinh diễn ra thường xuyên, nhiệm vụ của giáo viên là dạy học văn hóa hết bậc tiểu học. Đây là nền móng cho các em học ở bậc học cao hơn và tiếp thu được kiến thức nghề nghiệp như học nghề may, làm nón… và các nghề giản đơn theo nhu cầu của xã hội để sau khi rời Trung tâm các em có điều kiện hòa nhập đời sống cộng đồng”.
Thầy Trần Ngọc Anh trao đổi thông tin để học trò ghi vào sổ công tác của tôi. Ảnh: Ngọc Minh
Từ những đứa trẻ khiếm khuyết về nhận thức, khiếm khuyết về vận động, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, người lao động như thầy Trần Ngọc Anh, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội đã tạo ra sự thay đổi cho các em đó là dạy chữ, dạy nghề, dạy làm người có ích cho gia đình và cho xã hội.
Khi được hỏi về kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong suốt hơn ba mươi năm giảng dạy học sinh khuyết tật, ngồi trầm ngâm một lúc, Ngọc Anh kể cho tôi nghe về những chuyến đi tìm học trò “bỏ trốn” cán bộ, giáo viên phải đi tìm các em tại các bến xe, chợ, nhà ga…. “Có một kỷ niệm đến hôm nay mỗi khi nhớ lại tôi lại không cầm được nước mắt. Đó là một lần tìm đến nhà một học sinh “trốn học” thì được biết vì em nhớ nhà quá nên trốn về vài ngày. Gia đình em nghèo, túng, nhà có  một con trai và một con gái cũng bị khuyết tật nhưng không có điều kiện đến trường. Một gia đính có đến ba người khuyết tật, nếu có cơ hội được học văn hóa, học nghề thì chắc chắn cuộc sống của họ sẽ được cải thiện. Đây là hình ảnh tác động đến tôi rất nhiều để tôi luôn cố gắng dành hết tâm huyết cho công việc dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật, vì chỉ có cách đó các em mới có cơ hội thay đổi cuộc đời hiện tại và cả trong tương lai khi các em tạo dựng cuộc sống mới” – Thầy Ngọc Anh tâm sự.
Tôi rất xúc động khi trực tiếp được chứng kiến việc dạy học của các thầy giáo, cô giáo nơi đây. Họ luôn gần giũ, với trò của mình, vừa dạy, vừa dỗ, chia sẻ những khó khăn của học trò, có em ngồi xe lăn để học. Mội học sinh khiếm thính say xưa viết vào cuốn sổ của tôi những dòng chữ rất đẹp, tên em là: ĐỖ THỊ MINH HÒA, sinh ngày 29/12/2005 tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, là học sinh lớp 5 nhận xét về thầy dạy chúng em rất tốt. Vậy nếu không được học ngôn ngữ ký hiệu thì chắc hẳn là cháu Hòa không thể viết vào sổ của tôi như vậy.
Trao đổi với tôi, bà Phạm Thị Ánh Hồng – Phó Giám đốc trung tâm phụ trách công tác đào tạo cho biết: Với truyền thống trên 40 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã nuôi dưỡng, đào tạo và đưa các cháu trở về hòa nhập với đời sống cộng đồng, kết quả đó đã khẳng đình được vai trò, vị thế của một đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật nên Trung tâm cũng được đón, tiếp các đồng chí Lãnh đạo các cấp, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế, các nhà hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà, động viên đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đây là điều chúng tôi luôn trân quý, tiếp thêm động lực để tiếp tục làm tốt công việc được giao. Đối với thầy Trần Ngọc Anh, lãnh đạo Trung tâm đều đánh giá thầy có chuyên môn sâu, tâm huyết với công việc dạy học cho trẻ em khiếm thính. Hiện nay theo nhu cầu của xã hội, Trung tâm được tiếp nhận thêm trẻ em bị khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, não úng thủy… nên thầy Ngọc Anh tiếp tục được giao nhiêm vụ dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trên bất kỳ lĩnh vực công tác nào, thầy Ngọc Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Do có những dóng góp tích cực cho Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, thầy đã được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp của ngành.
Thực tế đã chứng minh là nếu không có trí thức thì cuộc sống sẽ nghèo về vật chất, và nghèo cả về tinh thần. Kiến thức văn hóa là chìa khóa mở ra cơ hội cho mọi người tiếp cận tri thức của nhân loại làm giàu cho mình, gia đình và xã hội. Những việc làm của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội dành cho trẻ em khuyết tật thật đáng trân trọng, trong thành công chung đó có một phần đóng góp của thầy giáo TRẦN NGỌC ANH. Chúng tôi – những người làm công tác xã hội xin thầm cảm ơn và kính chúc Thầy, cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm luôn mạnh khỏe, tâm huyết với công việc nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy làm nghề, dạy làm người cho trẻ em khuyết tật, góp phần cùng các cấp bộ Đảng, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội hoàn thành tốt mục tiêu: KHÔNG CÓ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang