Cô Tuyết chia sẻ, ngoài công tác chuyên môn thì một người cô, người thầy đến với trẻ khuyết tật mà không có lòng nhân ái, không yêu nghề, không chấp nhận khó khăn, thiếu kiên nhẫn, bao dung và đồng cảm thì không thể làm được.
Nhà ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM, ngày nào cô Võ Thị Tuyết, giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cũng phải dậy từ 5h sáng, đi 2 tuyến xe buýt để tới được chỗ làm.
Là một người cũng bị khiếm khuyết khi chỉ còn một cánh tay do bom đạn chiến tranh, nhưng tình yêu thương của cô đối với những trẻ em kém may mắn thì không có khiếm khuyết; cô luôn tận tụy, nhiệt huyết trong công việc, chưa một ngày nghỉ phép hay đến trễ giờ làm.
Xuất thân từ một giáo viên môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông, cơ duyên tình cờ và sự đồng cảm đã khiến cô có một quyết định táo bạo là tạm gác lại công việc giảng dạy ở trường phổ thông để xin chuyển công tác về trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM.
“Ôm trong lòng một đứa con khuyết tật là nỗi đau của bất cứ người mẹ nào. Nỗi đau đó cũng giống như nỗi đau của mẹ tôi ngày xưa”, cô Tuyết trải lòng.
Cô tâm sự, lúc đầu đến với công việc này cô cũng rất bỡ ngỡ và gặp rất nhiều khó khăn bởi không phải xuất thân từ trong ngành. Chính vì thế, cô phải cố gắng rất nhiều để học chuyên môn từ các chuyên gia nước ngoài, học từ sách vở, từ các thầy cô đi trước.
“Sau nhiều cố gắng, cuối cùng tôi cũng đến được với trẻ, tiếp cận với trẻ, đồng hành để trở thành một người bạn với các con”.
Trong suốt quá trình làm việc, cô Tuyết luôn yêu thương, chăm sóc các trẻ chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ. Cô nhận những học sinh có mức độ nặng nhất về lớp của mình để giáo dục và trị liệu cho các em. Đồng thời, cô cũng có nhiều sáng tạo trong việc hướng dẫn các em những hoạt động tại gia đình thông qua dạy kỹ năng sống, dạy nấu ăn và tự chăm sóc bản thân.
Cô cho biết, khó khăn lớn nhất đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật là ở tâm lý của phụ huynh, ổn định tâm lý của các phụ huynh khi họ không chấp nhận con mình là trẻ khuyết tật. Nếu phụ huynh đồng hành, phối hợp tốt với giáo viên thì sẽ giúp trẻ mau chóng tiến bộ. Nhận thức được điều đó, cô đã đem sự chân thành và lòng nhiệt tình của người giáo viên để mở cánh cửa trở ngại về mặt tâm lý của những bậc cha mẹ.
Cô tâm sự: “Mọi hành vi của trẻ dù có tiêu cực đến đâu nhưng bên trong đó vẫn hàm chứa một điểm tích cực và hãy yêu thương, giúp đỡ trẻ để trẻ trưởng thành. Bản thân tôi là một người khiếm khuyết một phần cơ thể, nên tôi hiểu được rằng nếu một người cha, người mẹ thông cảm, yêu thương và đồng hành cùng con thì đứa con ấy sẽ trưởng thành và mức độ trưởng thành như thế nào tùy thuộc vào người lớn”.
Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần. Cô Tuyết cho biết, để làm được điều này, ngoài công tác chuyên môn thì một người cô, người thầy đến với trẻ khuyết tật mà không có lòng nhân ái, không yêu nghề, không chấp nhận khó khăn, thiếu kiên nhẫn, bao dung và đồng cảm thì không thể làm được.
“Tôi đã cố gắng rất nhiều để nghe được tiếng nói của trẻ mặc dù các con không nói bằng ngôn ngữ thông thường. Mỗi trẻ là một cá thể riêng, không bé nào giống bé nào, mỗi bé có khó khăn riêng nên mình phải hiểu được trẻ, phải biết trẻ cần gì, muốn gì và như thế nào. Tấm lòng nhẫn nại, kiên nhẫn là điều quyết định cho sự thành công của một giáo viên dạy trẻ khuyết tật”, cô Tuyết nói.
Nghề giáo là cho đi
Có thâm niên 33 năm là giáo viên tiểu học, thầy Đặng Thanh Huấn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước, huyện Cần Giờ, TPHCM vẫn luôn trăn trở tìm ra phương pháp dạy học để làm mới bài giảng của mình.
“Nếu chỉ dạy theo sách vở thì rất tẻ nhạt, học sinh không thấy hứng thú và không có đam mê, không có cơ hội phát triển năng lực của mình. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng tìm ra những cách dạy mới, giúp các em yêu thích các môn học hơn”, thầy Huấn chia sẻ.
Thầy Đặng Thanh Huấn là một trong những giáo viên tích cực trong việc đổi mới giảng dạy và có nhiều sáng kiến trong tổ chức giờ học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng, giúp học sinh vừa được tiếp cận công nghệ vừa có điều kiển phát triển năng lực học tập. Ngoài ra, thầy cũng thường xuyên tổ chức các trò chơi thông qua các bài giảng để học sinh vừa tiếp thu được bài học vừa cảm thấy giờ học trôi qua nhẹ nhàng.
Công tác tại Trường Tiểu học Bình Phước, huyện Cần Giờ từ năm 1996, thầy nhớ lại, thời bấy giờ cơ sở vật chất thiếu thốn, dân cư lại rải rác, thưa thớt, điều kiện đi lại rất khó khăn.
Ngoài ra, phụ huynh đa phần là người lao động, phải lo cơm áo gạo tiền, ít có thời gian quan tâm đến các cháu. Do đó, các thầy cô cũng phải rất nỗ lực. Ngoài công tác giảng dạy, các thầy cô cũng phải làm công tác chủ nhiệm.
Để duy trì sĩ số, mỗi lần các cháu nghỉ học 1,2 ngày, các thầy cô phải đến tận nhà để vận động. Thời điểm đó đi lại không thuận tiện như bây giờ, phải qua sông, qua đò mới đến được những căn nhà ngoài chòi của các em.
Kể về một kỷ niệm đáng nhớ, thầy Huấn tâm sự, năm 1994, thầy làm giáo viên chủ nhiệm lớp 4. Trong lớp có một học sinh nhà ở xa trường, muốn tới trưởng phải băng qua sông. Sáng nào, người mẹ của học sinh này cũng phải chờ có ghe, thuyền đi ngang qua để cho bé đi học. Một buổi sáng chờ mãi không có ghe, người mẹ mới cho hết đồ đạc vào chậu, bơi qua sông. Khi bơi trở về thì người mẹ bị đuối nước.
Nhà học sinh còn 2 đứa em nhỏ, gia đình quá khó khăn, bố của em đã định cho em nghỉ học. Chia sẻ với tình cảnh gia đình nên thầy đã tìm cách vận động học sinh đi học lại, nhờ nhà trường hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần nên ba của em tiếp tục cho em đi học. Giờ em học sinh đó đã có gia đình và 2 con của em cùng học lớp của thầy tại ngôi trường này. Một kỷ niệm có cả nỗi buồn nhưng cũng có niềm vui, và cả hy vọng.
Thầy Huấn tâm niệm, nghề giáo là nghề cho đi, nhưng đổi lại bản thân thầy nhận được nhiều niềm vui lớn.
“Bất kỳ nghề gì cũng có sản phẩm thừa, nhưng đặc biệt nghề giáo viên thì không có. Học trò có em giỏi cái này, có em giỏi cái kia, nhưng em nào cũng có điểm đặc biệt riêng. Mỗi học sinh đều xứng đáng được yêu thương”.
Cô Võ Thị Tuyết và thầy Đặng Thanh Huấn là 2 trong số 50 giáo viên tiêu biểu nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 do UBND TPHCM trao tặng vì những cống hiến, sự tận tụy và hy sinh thầm lặng của người thầy đối với học sinh của mình. ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: “50 thầy, cô ai cũng xứng đáng được tôn vinh, mỗi người đều có một câu chuyện của riêng mình và tất cả đều đáng được trân trọng”.
Theo Báo điện tử Chính phủ