Trách nhiệm trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật?

(ĐHVO). Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Họ gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi trong hoạt động thường nhật. Vậy khi muốn được trợ giúp pháp lý, có phải tất cả người khuyết tật đều được trợ giúp miễn phí hay không?

Bạn đọc hỏi: Xin chào, tôi là V, là một người khuyết tật vận động. Thời gian này, tôi dự định thành lập một công ty sản xuất nến nhưng chưa thực sự hiểu rõ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập công ty. Theo tôi được biết, người khuyết tật được trợ giúp pháp lý miễn phí. Vậy cho tôi hỏi, tôi sẽ được tư vấn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập công ty đúng không ạ? Tôi xin cảm ơn.

Ảnh nguồn internet

Trả lời:

Th.S LS Nguyễn Thị Hồng Liên – Thành viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đưa ra ý kiến giải đáp vấn đề trên như sau:

Theo quy định pháp luật hiện hành, không phải tất cả người khuyết tật đều sẽ được trợ giúp pháp lý. Cụ thể:

Trợ giúp pháp lý là gì?

Theo quy định tại Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Như vậy, cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thì sẽ được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Điều này cho thấy chính sách pháp luật của Nhà nước hết sức quan tâm đến quyền lợi của công dân, đặc biệt là người khuyết tật, đảm bảo họ được hưởng tối đa mọi quyền lợi trong việc tiếp cận với pháp luật.

Các hình thức trợ giúp pháp lý

Có 3 hình thức trợ giúp pháp lý được Luật Trợ giúp pháp lý quy định, bao gồm:

– Tham gia tố tụng;

– Tư vấn pháp luật;

– Đại diện ngoài tố tụng.

Như vậy, với nhu cầu được tư vấn về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp, anh V có thể được trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật.

Đối tượng được trợ giúp pháp lý

Căn cứ Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, các đối tượng sau sẽ được trợ giúp pháp lý:

– Người có công với cách mạng.

– Người thuộc hộ nghèo.

– Trẻ em.

– Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

– Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

– Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

+ Người nhiễm chất độc da cam;

+ Người cao tuổi;

+ Người khuyết tật;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

+ Người nhiễm HIV.

Như vậy, với quy định này, tuy người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (điều kiện cần) nhưng điều kiện đủ để anh V được trợ giúp pháp lý miễn phí còn là khi anh có khó khăn về tài chính.

Chính phủ quy định về điều kiện khó khăn về tài chính như thế nào?

Cũng theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội.

Theo đó, căn cứ Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý, điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người khuyết tật thuộc 1 trong các trường hợp sau sẽ được trợ giúp pháp lý:

1. Người thuộc hộ cận nghèo

(Người thuộc hộ nghèo đương nhiên được trợ giúp pháp lý.)

Nếu người khuyết tật có giấy xác nhận của cơ quan địa phương về việc mình thuộc hộ cận nghèo thì sẽ được trợ giúp pháp lý.

2. Người đang được hưởng trợ xấp xã hội hàng tháng

Về đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 quy định bao gồm:

– Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp người khuyết tật được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội;

– Người khuyết tật nặng.

Như vậy, chỉ có người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng mới được trợ giúp pháp lý.

Trong đó,

– Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn. Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

– Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc. Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

Qua các phân tích trên có thể thấy, không phải bất kỳ người khuyết tật nào cũng được trợ giúp pháp lý mà cần phải thuộc một trong các trường hợp sau mới được trợ giúp pháp lý:

– Là người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo;

– Là người khuyết tật nặng;

– Là người khuyết tật đặc biệt nặng.

Do vậy, anh V cần xác định mình có thuộc một trong ba trường hợp trên hay không, nếu không thuộc, anh sẽ không được trợ giúp pháp lý.

Thực hiện trợ giúp pháp lý

Để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, pháp luật quy định bao gồm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người trợ giúp pháp lý.

1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

Sở Tư pháp công bố danh sách các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Như vậy, nếu anh V thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý, anh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương. Trong đó:

– Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.

– Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

+ Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp theo quy định của Luật này.

+ Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

– Trợ giúp viên pháp lý;

– Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

– Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

– Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Sở Tư pháp công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Địa điểm tiếp người được trợ giúp pháp lý

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bố trí nơi tiếp người được trợ giúp pháp lý tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc tại địa điểm khác ngoài trụ sở của tổ chức bảo đảm điều kiện để việc trình bày yêu cầu được dễ dàng, thuận lợi.

Tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải niêm yết lịch tiếp, nội quy tiếp người được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, nếu anh V là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, anh V cần phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại trụ sở của tổ chức hoặc địa điểm khác theo lịch tiếp và nội quy tiếp của tổ chức.

Hồ sơ cần nộp

Trong trường hợp của anh V, anh cần nộp hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

– Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

– Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau: (Bản sao có chứng thực)

+ Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

– Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.

Lưu ý:

Nếu hồ sơ thuộc một trong các trường hợp sau thì sẽ bị từ chối:

– Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng điều kiện khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;

– Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

– Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

– Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

Tóm lại, nếu anh V là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật (thuộc hộ nghèo/hộ cận nghèo; là NKT nặng; là NKT đặc biệt nặng), anh cần phải nộp đầy đủ hồ sơ đến trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý theo thời gian và nội quy tổ chức đã niêm yết công khai để được tư vấn pháp luật miễn phí, sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều trong quá trình thực hiện thủ tục. Nhà nước luôn có những chính sách phù hợp để đảm bảo mọi công dân đều có quyền được tiếp cận và thực hiện pháp luật một cách công bằng, bình đẳng.

Phạm Vân

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang