Trách nhiệm của luật sư trong công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

(ĐHVO). Trên phương diện đạo đức, người khuyết tật là nhóm đối tượng yếu thế cần được nhiều hơn sự quan tâm từ xã hội, tạo sự bình đẳng và phát triển toàn diện trên mọi phương diện. Hiện nay, công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được quan tâm đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức pháp luật đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích cho người khuyết tật. Song hành với quyền lợi được trợ giúp pháp lý, pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Quy định pháp luật đối với việc trợ giúp pháp lý của luật sư

Việc trợ giúp pháp lý được phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trợ giúp pháp lý được hiểu là sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước của một quốc gia cho các đối tượng yếu thể như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em,…, không có đủ khả năng về tài chính để sử dụng dịch vụ pháp lý được hưởng sự tư vấn, tham gia tố tụng của những người có hiểu biết pháp luật (Có thể là luật sư, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ tư pháp,…).  Ở Việt Nam, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật”. Theo quy định, các đối tượng được hưởng trợ cấp pháp lý được miễn phí trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý. Người khuyết tật là một trong những đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định.

Trợ giúp pháp lý là quyền và nghĩa vụ cơ bản của luật sư theo quy định. Một mặt, trợ giúp pháp lý thể hiện đạo đức nghề nghiệp của người luật sư trong quá trình hành nghề. Điểm d Khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định trợ giúp pháp lý là nghĩa vụ của luật sư. Chiếu theo quy định này, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam có quyết định về nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của một luật sư hằng năm tối thiểu là 08 giờ. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt nam cũng ghi nhận việc trợ giúp pháp lý là nghĩa vụ đạo đức bắt buộc của Luật sư. Việc trợ giúp pháp lý là một phần quan trọng trong những nghĩa vụ cơ bản của luật sư với xã hội, là một việc nên làm của luật sư. Mặt khác, trợ giúp pháp lý cũng là một việc làm giúp nâng cao vị thế, vai trò của luật sư trong xã hội.

Việc tham gia trợ giúp pháp lý, luật sư cần tuân thủ quy tắc trong tham gia hoạt động vì cộng đồng, luôn có thái độ tích cực, tận tâm, vô tư, trách nhiệm như những sự việc nhận thù lao. Luật sư tham gia vào việc trợ giúp pháp lý trong việc tư vấn, tố tụng và đại diện ngoài tố tụng các vấn đề dân sự, hình sự, lao động,.. Việc trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý không áp dụng đối với những quan hệ kinh doanh, thương mại.

Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức:

– Luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý dưới hình thức tự nguyện ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm TGPL khi được lựa chọn theo pháp luật về trợ giúp pháp lý.

– Luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý tại tổ chức hành nghề luật sư của mình khi đã ký hợp đồng thực hiện TGPL hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý tại Sở Tư pháp

– Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý bằng cách ký hợp đồng lao động với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên.

Hướng dẫn yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành có nhiều quy định tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận và được trợ giúp pháp lý. Danh sách các Tổ chức, đơn vị, cá nhân trợ giúp pháp lý được Sở tư pháp công bố. Người khuyết tật khi nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể gửi trực tiếp, chuyển phát nhanh hay sử dụng các hình thức điện tử linh hoạt như email, tin nhắn, fax,…. Đối với những sự việc gần hết thời hiệu, hay những sự việc cấp bách mà chưa đủ hồ sơ, tổ chức trợ giúp pháp lý phải trợ giúp ngay và hướng dẫn người khuyết tật thực hiện hồ sơ trợ giúp pháp lý.

Quy trình để hưởng trợ giúp pháp lý cụ thể tại điều 29, Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, việc nộp hồ sơ được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu trợ giúp pháp lý đến nơi luật sư trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp cần các giấy tờ sau:

+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý theo mẫu số 02-TP-TGPL Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP

+ Giấy xác nhận người khuyết tật

+ Hồ sơ liên quan đến vụ việc cần được giải quyết (Ví dụ tranh chấp đất đai thì các giấy tờ liên quan đến tranh chấp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán, biên lai nộp thuế, Biên bản hòa giải tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền,…).

Trường hợp, người khuyết tật nộp hồ sơ điện tử thì cần hồ sơ giấy được hoàn thiện khi nhận được sự trợ giúp từ luật sư trợ giúp pháp lý.

Người tiếp nhận yêu cầu phải kiểm tra các nội dung có liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý và trả lời ngay cho người yêu cầu về việc hồ sơ đủ điều kiện để thụ lý hoặc phải bổ sung giấy tờ, tài liệu có liên quan.

Sau khi nhận đươc trợ giúp pháp lý, luật sư trợ giúp pháp lý thực hiện các công việc trợ giúp pháp lý theo quy định. Việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp luật của luật sư phải dựa trên các nguyên tắc đạo đức hành nghề luật sư, luật sư không phân biệt vụ việc là vụ việc trợ giúp pháp lý hay vụ việc là vụ việc có thu phí để giải quyết.

Mặc dù công tác trợ giúp pháp lý được triển khai trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn đó những rào cản khiến người khuyết tật chưa tiếp cận được dịch vụ trợ giúp pháp lý như tâm lý e ngại, sợ tốn kém, chưa tin tưởng vào hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý hoặc bị hạn chế trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Chính vì vậy, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam là Tạp chí Đồng hành Việt và Tạp chí điện tử Đồng hành Việt (có tên miền donghanhviet.vn) chủ trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí qua tổng đài tư vấn 1900.6248 cho người khuyết tật, các đối tượng yếu thế trong xã hội nhằm giúp họ nâng cao nhận thức cho người khuyết tật, thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, xã hội bình đẳng và dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Trang Quỳnh

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang