(DHVO)Kể cả khi là những người bình thường, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử. Thế nên, khi không may mắn sinh ra hoặc gặp phải tình trạng khiến bản thân trở thành người khuyết tật, họ càng trở thành đối tượng phải chịu tổn thương, có nguy cơ bị lạm dụng, bạo hành cao.
Trong tổng số 6.2 triệu người khuyết tật tại Việt Nam thì có đến 58% là phụ nữ. Có thể nói đây là một con số không hề nhỏ. Hiện nay chỉ có người khuyết tật đặc biệt nặng và phụ nữ khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Số liệu thống kê còn cho biết cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có đến 4 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Các hình thức có thể kể đến như: Quấy rối tình dục ở nơi công cộng, nơi làm việc, bạo lực tình dục,… chưa kể các hình thức bạo lực khác về cả tinh thần và thể chất. Độ tuổi của phụ nữ khuyết tật khi bị xâm hại hoặc bạo hành ở mọi lứa tuổi khác nhau. Có thể thấy, thực tế có nhiều chị em phụ nữ và trẻ em khuyết tật bị bạo lực nhưng không nhận thức được mình bị bạo lực, hoặc nếu có thì cũng không dám lên tiếng. Một điểu lưu ý rằng, đối tượng khuyết tật bị xâm hại thường rơi vào nhóm khiếm thính hoặc khuyết tật trí tuệ. Có lẽ vì thế nên thủ phạm thường lợi dụng điều đấy để giở thói xấu. Mới đây truyền thông có phản ánh trường hợp ở tỉnh H.T, một phụ nữ thiểu năng trí tuệ bị lạm dụng rồi có con. Người mẹ khiếm khuyết về nhận thức không thể tự nuôi con, để lại nỗi tủi hổ xót xa cho người thân, nhưng lớn hơn là nỗi đau nhân tình thế thái của người đời.
(Nguồn ảnh: Internet)
Sẵn có tâm lý mặc cảm, tự ti lại gặp phải những ám ảnh không nguôi vì những lần bị xâm hại khiến cho các nạn nhân là người khuyết tật bị dễ nảy sinh tâm lý hoang mang, nặng nề, lo lắng về môi trường xung quanh, càng sợ hãi hơn khi phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Khi gặp phải những “chấn thương” về cả thể xác và tâm lý như thế, họ không dám chia sẻ với cộng đồng và càng lên không tìm đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Có lẽ ngoài tâm lý tự ti của người có mặc cảm yếm thế, còn nguyên nhân nữa là các thủ tục, quy trình và quá trình giải quyết các vụ việc tương tự thường rườm rà, phức tạp, nhiều kẽ hở. Thực tế, không phải mọi động thái giải quyết của người có trách nhiệm đều đáp ứng được quyền lợi của phụ nữ khuyết tật. Đồng thời các trung tâm trợ giúp đối tượng là phụ nữ bị bao lực cũng không nhiều; kinh phí hoạt động cũng hạn chế. Nạn nhân thường khó tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về tâm lý, sức khỏe, pháp luật…Nhưng còn cộng đồng thì sao? Rộng quá, trước hết phải là những người có trách nhiệm trong hệ thống chính trị. Xã hội chúng ta sẽ phát triển ra sao, tiến lên phía trước thế nào khi mà một bộ phân cư dân yếm thế dường như vẫn chỉ đi ở bên cạnh chúng ta, không được bảo vệ đúng nghĩa?
(Nguồn ảnh: Internet)
Để xây dựng được không gian an toàn và môi trường phát triển cho phụ nữ, trẻ em gái nhất là những người khuyết tật cần tăng cường hoạt động truyền bá nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực tình dục cho những đối tượng này. Thêm vào đó, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến nội dung này. Quan trọng hơn cả là ý thức, trách nhiệm và tình người trong cộng đồng.
Hồng Liên