Tổng số bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay tại TPHCM là 28.320 người; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức cũng vừa ban hành quyết định dừng thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với một số phường trên địa bàn. Thời gian bắt đầu dừng thiết lập y tế từ 18 giờ ngày 30/7.
Ngày 29/7, Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 3.131 bệnh nhân COVID-19 khỏi bênh và xuất viện, nâng tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát đến nay là 28.320 người.
Đã có 28.320 bệnh nhân khỏi bệnh; không phát sinh ổ dịch mới
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính từ 18 giờ 30 ngày 29/7 đến 6 giờ ngày 30/7, Thành phố ghi nhận thêm 2.740 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 30/7. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 84.500 trường hợp mắc COVID-19.
Trong ngày 29/7, Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 3.131 bệnh nhân COVID-19 khỏi bênh và xuất viện, nâng tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát đến nay là 28.320 người.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị 36.378 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 847 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.057 bệnh nhân tử vong.
Về công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, trong ngày 29/7, Thành phố Hồ Chí Minh không phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới. Hiện còn 31 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến đã được lực lượng chức năng khoanh vùng và giám sát chặt chặt chẽ.
TPHCM: Ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho 62.000 shipper
Ưu tiên tiêm vaccine cho 62.000 shipper; phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, 70% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1
Theo HCDC, vaccine là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19. Thành phố đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm chủng cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vaccine cho 62.000 đối tượng là nhân viên giao hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper trong thời gian Thành phố thực hiện chỉ thị 16.
HCDC cho biết, Bộ Y tế đã đồng ý để Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm mô hình tiêm phù hợp với điều kiện và tình hình phòng chống dịch của thành phố; phấn đấu đến cuối tháng 8/2021, có khoảng 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiếp cận vaccine mũi 1.
Dừng phong tỏa 12/12 phường của TP Thủ Đức
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức (TPHCM) vừa ban hành quyết định dừng thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với một số phường trên địa bàn.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức quyết định dừng việc thiết lập phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 để thực hiện quản lý theo Công văn 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 của UBND TPHCM đối với 5 phường: Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú.
Thời gian bắt đầu dừng thiết lập y tế từ 18 giờ ngày 30/7.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức giao UBND các phường thực hiện nghiêm việc quản lý phòng, chống dịch COVID-19 theo Công văn 2468 của UBND TPHCM về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đánh giá vị trí, số dân, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh, xác định phạm vi phong tỏa từng khu vực phù hợp trên địa bàn phường (không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1 nhưng cũng không quá rộng để ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân).
Thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc đảm bảo giãn cách giữa người với người, gia đình và gia đình; thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng, chống dịch.
UBND các phường cũng phải tăng cường quản lý, giám sát, phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát việc thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thường xuyên thực hiện đánh giá mức độ an toàn tại các khu vực có nguy cơ cao, kịp thời có giải pháp đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường.
Trước đó, TP Thủ Đức cũng đã quyết định dừng thiết lập phong tỏa, cách ly y tế đối với 7 phường: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A và Long Trường, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú B, Linh Trung
Như vậy, TP Thủ Đức đã dừng phong tỏa toàn bộ 12/12 phường với hơn 490.000 dân.
Cán bộ, công chức phải đeo thẻ, có văn bản phân công công tác khi đi đường
Nhằm kiểm soát việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM vừa ban hành Công văn khẩn số 2522/UBND -VX.
Tại Công văn này, UBND TP yêu cầu lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước phải đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị (gọi chung là thẻ công chức), thẻ ngành hoặc mặc đồng phục ngành, kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội phải đeo thẻ công chức hoặc sử dụng thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, đóng giáp lai ảnh với thẻ), kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú.
Riêng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi làm bằng xe ô tô cá nhân thì phải có thêm giấy xác nhận công tác (màu xanh dương đối với người làm nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và màu đỏ đối với lực lượng làm công tác/hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; kích thước 20cmx20cm) do cơ quan, đơn vị cấp (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, có đóng dấu treo của cơ quan, đơn vị), được dán trên mặt kính trước của xe.
Đối với lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng được điều phối để hỗ trợ, phục vụ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương (kể cả lực lượng tổ chức và phục vụ tiêm vaccine), sử dụng thẻ công tác/giấy xác nhận công tác phòng, chống dịch (màu đỏ) do cơ quan, đơn vị cấp.
Đối với những người đi tiêm vaccine, ngoài giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại, UBND TP Thủ Đức và các quận – huyện cấp thẻ/phiếu nhận diện (màu sắc thay đổi hằng ngày) để người đi tiêm vắc xin đeo trên ngực, phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, một số địa phương sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân sau 18 giờ mỗi ngày.
Các shipper thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 được phép di chuyển liên quận – huyện, TP Thủ Đức.
Shipper vận chuyển hàng thiết yếu cho khu phong tỏa, cách ly được di chuyển liên quận
Về đội ngũ người giao hàng (shipper), được hoạt động từ 06 giờ đến 18 giờ mỗi ngày và phải đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường như: Đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng…
Đồng thời, phải có bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “Shipper” màu trắng.
Riêng các shipper thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 thì được phép di chuyển liên quận – huyện, TP Thủ Đức.
Người dân đi chợ, siêu thị gần nhất theo phiếu
Đối với trường hợp người dân đi chợ, siêu thị, UBND phường – xã – thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân theo quy định trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.
Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường – 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; phương tiện vận chuyển phục vụ cung cấp suất ăn cho các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; xe ô tô, xe taxi được huy động để vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết: Được nhận diện theo quy định hoặc đã đăng ký với Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và cung cấp cho Công an TP và các quận – huyện, TP Thủ Đức để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.
Dừng hoạt động bến phà Cần Giờ – Cần Giuộc từ 0h ngày 30/7 cho đến khi có thông báo mới.
Điều chỉnh hoạt động các bến phà lớn
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả các biện pháp phòng dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều chỉnh hoạt động ở các bến phà lớn.
Cụ thể, dừng hoạt động bến phà Cần Giờ – Cần Giuộc từ 0h ngày 30/7 cho đến khi có thông báo mới.
Bến phà Bình Khánh, Cát Lái chỉ phục vụ vận chuyển các đối tượng như: Xe ô tô chở công nhân, xe cấp cứu, xe chở lực lượng tham gia công tác chống dịch, xe của lực lượng vũ trang, xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu từ 0h ngày 30/7 đến hết ngày 01/8.
TP trên 10 triệu dân nên khó khăn “gấp vạn lần các địa phương khác”
Trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị trên 10 triệu dân nên khó khăn “gấp vạn lần các địa phương khác”.
Tuy nhiên Thành phố đã nỗ lực rất nhiều để phát hiện, truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng và tập trung điều trị, hạn chế số ca tử vong.
Để cùng Thành phố vượt qua đợt dịch này, mỗi người hãy dân bình tĩnh, thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 16, đảm bảo “người cách ly người, nhà cách ly nhà”, hạn chế tối đa việc tiếp xúc. Đồng thời phát huy tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thời gian khó khăn này./.
Nguồn Báo điện tử Chính phủ
http://baochinhphu.vn/Suc-khoe/TPHCM-Dung-phong-toa-1212-phuong-cua-TP-Thu-Duc-28320-nguoi-da-khoi-benh/440539.vgp