TP. Hồ Chí Minh: Đảm bảo quyền tham gia giao thông của người khuyết tật

(ĐHVO). Chính quyền cùng các ngành, các tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều chương trình, chính sách thiết thực nhằm giúp người khuyết tật tham gia giao thông một cách an toàn, thuận tiện.


Người khuyết tật cần được đối xử nhân văn khi tham gia giao thông. Nguồn ảnh: sggp.org.vn

Đối với người khuyết tật, việc tiếp cận các công trình, phương tiện và dịch vụ giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thậm chí, có nhiều trường hợp người khuyết tật bị gây khó khăn, bị phân biệt đối xử trong quá trình tham gia giao thông.

Thời gian qua, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm đảm bảo quyền tham gia giao thông của người khuyết tật, nhất là trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng.

Theo Chương trình giúp đỡ người khuyết tật đến năm 2030 đã được UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành và hiện đang triển khai thực hiện, công tác trợ giúp người khuyết tật tham gia giao thông được xác định là một trong những tiêu chí quan trọng, cần ưu tiên triển khai thực hiện. Theo đó, đến năm 2025, có 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ (bao gồm nhà ga, bến xe, bến tàu) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Đối với việc đảm bảo điều kiện tham gia giao thông cho người khuyết tật, theo kế hoạch của UBND TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2025, 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh là 40%.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, UBND TP. Hồ Chí Minh xác định các tiêu chí về quyền tham gia giao thông của người khuyết tật được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh là 60%. Ở giai đoạn này, 100% công trình xây mới và 50% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Cùng với quyết tâm của UBND TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị tại địa phương này cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm đảm bảo quyền tham gia giao thông của người khuyết tật. Tháng 4/2023, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các đơn vị vận tải xe buýt, yêu cầu quán triệt lái xe, nhân viên phục vụ có thái độ ứng xử chuẩn mực với người khuyết tật khi đi lại bằng xe buýt và thực hiện nghiêm chính sách miễn vé cho người khuyết tật.

Hiện nay, hệ thống các nhà chờ xe buýt tại TP. Hồ Chí Minh đã được thiết kế đường dốc xe lăn lên xuống, có khoảng không gian cho người khuyết tật như người đi nạng, người đi xe lăn. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt được thiết kế có sàn xe thấp, có chỗ trống dành cho người khuyết tật đi xe lăn; có vị trí dành riêng cho người khuyết tật, người già và phụ nữ mang thai.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh) cũng đã triển khai mở hơn 100 lớp tập huấn kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông công cộng nhằm giúp đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ hiểu được những trở ngại của người khuyết tật, từ đó nâng cao nhận thức và các kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật.

Cùng với đó, chương trình “xe buýt đồng hành cùng người khuyết tật” do Đoàn thanh niên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp với các đơn vị vận tải triển khai trong một thời gian dài đã mang lại hiệu quả trong việc khuyến khích người khuyết tật đi xe buýt hòa nhập cộng đồng và nhân rộng mô hình giúp đỡ người khuyết tật khi đi xe buýt.


Nhiều Đoàn viên, thanh niên tích cực giúp người khuyết tật tham gia giao thông. Nguồn ảnh: buyttphcm.com.vn

Những chương trình, chính sách mà chính quyền và các ngành, các tổ chức trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đang đem lại hiệu quả tích cực trong việc giúp người khuyết tật tham gia thao thông một cách an toàn, thuận tiện. Điều này góp phần giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội văn minh, bình đẳng trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nguyễn Đăng Hoan

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang