Tổng quan, khái quát về người khuyết tật Việt Nam

(ĐHVO). Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/04, phóng viên Tạp chí Đồng Hành Việt đã có buổi phóng vấn, trao đổi với ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam một số các nội dung, vấn đề liên quan đến người khuyết tật để bạn đọc có thể có cái nhìn khái quát và tổng thể hơn đối với người khuyết tật.

Ông Đặng Văn Thanh (ngoài cùng bên trái) tham gia chủ trì tại Diễn đàn việc làm và cơ hội khởi nghiệp đối với người khuyết tật nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12/2020

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết, theo thống kê Việt Nam có bao nhiêu người khuyết tật, ở các dạng khuyết tật nào và một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khuyết tật hiện nay?

Ông Đặng Văn Thanh: Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Bộ kế hoạch đầu tư đầu năm 2019 qua kết quả cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số trong đó có hơn khoảng 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi. Đây là số liệu chính thức đang được sử dụng trong các số liệu báo cáo liên quan đến người khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có các số liệu khác cũng đang được sử dụng như một nguồn tham khảo như: Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, tính đến tháng 04/2019, cho thấy tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật ở Việt Nam là 3,7%; Theo số liệu thường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hay sử dụng trước đây là gần 8 triệu người trong đó khoảng 1,2 triệu là trẻ khuyết tật; còn theo con số do tổ chức y tế đưa ra Việt Nam có khoảng 10% dân số là người khuyết tật thậm chí có quan điểm cho rằng, Việt Nam phải có đến khoảng 15 triệu người khuyết tật… Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là hiện nay con số 6,2 triệu người đang là con số chính thống, chính thức được sử dụng trong các báo cáo.

Và tỷ lệ các dạng khuyết tật hiện nay có thể tham khảo khoảng tỷ lệ như sau: khuyết tật vận động 29,41%; khuyết tật nghe nói 9,32%; khuyết tật nhìn 13,84%; khuyết tật thần kinh, tâm thần 16,83%; khuyết tật trí tuệ 6,52% và khuyết tật khác 24,08%; gần 80% NKT sống ở vùng nông thôn, hơn 20% sống ở thành phố; trên 60% NKT trong độ tuổi lao động; 54% là nữ khuyết tật, 46% là nam khuyết tật…

Còn về nguyên nhân dẫn đến khuyết tật đối với người dân Việt Nam thì có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó chính là di chứng, hậu quả do chiến tranh mang lại mà đến hiện nay vẫn chưa khắc phục được hết những nguy cơ do nó mang lại. Vẫn còn bom mìn, đạn dược cùng các loại vũ khí chưa nổ dưới ruộng đồng, sông ngòi… mà nguy hiểm hơn đó là di chứng của những người nhiễm chất độc da cam hay tồn dư chất độc này ở nhiều địa điểm đến nay vẫn chưa được tẩy rửa sạch giả sử như một số huyện ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Bên cạnh đó, nhất là trong xã hội hiện đại, nguyên nhân tác động dẫn đến gia tăng người khuyết tật lại càng nhiều, những nguyên nhân đáng báo động khác chính là trong sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống khi thực phẩm bẩn, đồ giả tràn lan, do ô nhiễm môi trường cùng những thói quen không tốt như lười tập thể dục, ít vận động, không thay đổi tư thế thường xuyên mà hay gặp nhất là dân văn phòng cũng là nguy cơ dẫn đến khuyết tật nhất là trong thời kỳ mang thai và trẻ sơ sinh cũng như hệ lụy từ bệnh tật mang lại. Rồi tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thiên tai… cũng đều là những nguyên nhân khiến tình trạng khuyết tật gia tăng hay như đơn giản khi chúng ta già đi cũng có thể sẽ trở thành người khuyết tật do sức khỏe yếu hoặc mắc những căn bệnh tuổi già. Cười.

PV: Sau khi nghe ông chia sẻ thì số liệu người khuyết tật ở Việt Nam khá “đa dạng, phong phú”, không biết có chính xác không; số liệu đó có ý nghĩa gì hay có ảnh hưởng gì đến người khuyết tật hay không?

Ông Đặng Văn Thanh: Thực ra, hiện tại chưa có cuộc khảo sát nào và cũng có thể không có cuộc khảo sát nào đưa ra được số liệu chính xác 100% mà chỉ có thể cố gắng đưa ra con số chính xác nhất, trong khoảng sai số cho phép. Cái này theo tôi được biết nó đã có công thức chung rồi. Ngay cả con số 6,2 triệu người được lấy làm con số chính thức là kết quả của cuộc tổng điều tra quốc gia người khuyết tật cũng chỉ thực hiện có cỡ mẫu 35.442 hộ thuộc 1.074 địa bàn, trên 1.074 xã/phường (trong đó có 144 xã nghèo, vùng sâu vùng xa), với 658 trên tổng số 713 quận/huyện của 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Tại báo cáo, những người thực hiện điều tra cũng khẳng định do không điều tra toàn bộ dân số, nên tổng số người khuyết tật trên thực tế sẽ cao hơn số liệu suy rộng từ kết quả điều tra trên đây cũng như cuộc điều tra chỉ tính từ 2 tuổi như vậy vẫn còn một số lượng dưới 2 tuổi là trẻ khuyết tật… Mà hầu hết các số liệu báo cáo đều có khoảng tin cậy là khoảng 95%. Còn các con số tham khảo được đưa ra cũng dựa trên các tính toán từ những số liệu đã được khảo sát, phân tích nguyên nhân, tỷ lệ gia tăng người khuyết tật, tham chiếu các số liệu báo cáo… Tuy nhiên, như khẳng định ở trên, con số 6,2 triệu là con số chính thức.

Những số liệu về người khuyết tật này rất quan trọng, không chỉ không ảnh hưởng mà nó chính là thứ tác động lớn nhất và trực tiếp đến người khuyết tật. Chúng ta đều biết người khuyết tật gặp phải rất nhiều rào cản từ khuyết tật họ mang phải, nào là định kiến xã hội (dù đến nay đã giảm rất nhiều so với từ hơn chục năm trở về trước những nhiều nơi định kiến vẫn còn rất nặng nề), nào là những khó khăn trong cuộc sống thường ngày… so với những người không khuyết tật. Do đó, để đảm bảo người khuyết tật có thể hòa nhập đầy đủ và bình đẳng vào xã hội rất cần có những quy định riêng phù hợp đảm bảo để thúc đẩy họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình bên cạnh quy định chung của pháp luật dành cho tất cả mọi người. Do đó, để có được những chính sách cụ thể, thực tiễn đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận thì rất cần một số liệu chính xác. Chúng ta không thể xây dựng chính sách trên số liệu “bốc thuốc” vì không thể tiếp cận chính sách đồng người người khuyết tật rất khó để hòa nhập, rất khó để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu như số liệu thực tế cao hơn số liệu được công bố rất nhiều thì sẽ khó khăn để người khuyết tật được tiếp cận chính sách còn ngược lại nếu số liệu thực tế ít hơn số liệu điều tra được quá nhiều thì sẽ gây ra “lãng phí” chính sách cũng như không thể “phân bố” thực hiện một cách đồng đều hài hòa, khi đó sẽ xảy ra tình trạng “nơi thừa chỗ thiếu”.

Ông Đặng Văn Thanh có ý kiến phát biểu tại Hội nghị tổng kết và phương hướng nhiệm vụ của UBQG về NKT Việt Nam

PV: Vậy ông có thể khái quát lại cho bạn đọc biết được tình hình người khuyết Việt Nam tật hiện nay một cách khái quát nhất?

Ông Đặng Văn Thanh: Nhiều năm qua được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của NKT đã từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Những khó khăn, rào cản của người khuyết tật được tháo gỡ rất nhiều so với trước đây, tỷ dụ như định kiến xã hội về người khuyết tật. Nếu như trước đây, chỉ khoảng 30 năm trước thôi chứ không cần nói xa hơn, người khuyết tật có thể nói là bị kỳ thị, phân biệt đối xử một cách “thậm tệ” trong xã hội với những từ ngữ miệt thị, xa lánh thậm chí là đánh đuổi, coi là “những kẻ quái vật”, “mang vận xui” nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Mà không chỉ bị xã hội phân biệt, kỳ thị, ngay cả chính người thân, gia đình cũng có những hành vi, hành động, suy nghĩ đó hay những gia đình có người khuyết tật cũng bị làng xóm láng giềng đối xử một cách “ghẻ lạnh”. Thế nhưng, kể từ khi Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998 sau này là Luật Người khuyết tật 2010 thì người khuyết tật Việt Nam đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực ở tất cả mọi phía.

Đối với bản thân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật thì đã tự tin hơn, dám thể hiện, khẳng định bản thân hơn, đầu tư nhiều hơn cho người khuyết tật từ đó nhiều người khuyết tật không chỉ vượt lên số phận bản thân mà còn đóng góp rất nhiều cho xã hội trên cả 3 bình diện kinh tế – chính trị – xã hội. Có thể nói, ngay nay, người khuyết tật Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng, tham gia vào hầu hết các hoạt động của xã hội và có vai trò như những người không khuyết tật. Đối với cộng đồng xã hội thì nhận thức được nâng cao, thay đổi, phần lớn đã không còn nhìn người khuyết tật dưới con mắt kỳ thị, phân biệt nữa mà đã công nhận như đó là sự đa dạng xã hội, thay vì thương hại là đồng cảm, sẻ chia bởi nhiều người cũng quan niệm có thể chính mình cũng trở thành người khuyết tật vì nguyên nhân nào đó, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của người khuyết tật cho bản thân, gia đình và xã hội. Đối với Đảng và Nhà nước thì không ngừng có những quy định, chính sách phù hợp để hỗ trợ người khuyết tật vươn lên, thay đổi nhận thức cộng đồng. Nếu như trước kia, quan điểm tiếp cận đối với người khuyết tật là dựa trên sự thương hại thì nay đã từng bước chuyển biến là tiếp cận dựa trên quyền của người khuyết tật. Phải nhấn mạnh là, Đảng và Nhà nước nói chung luôn dành nhiều sự quan tâm đến đối tượng yếu thế này, cũng giống như phụ nữ và trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương khác để họ thực sự bình đẳng hơn trong xã hội.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều sự thay đổi lớn đối với người khuyết tật trong những năm gần đây, nhưng để người khuyết tật thực sự được hòa nhập bình đẳng và đầy đủ vào cộng đồng xã hội, quyền của người khuyết tật được đảm bảo thực hiện hay nói cách khác là hiện thực hóa thì còn phải là cả một quá trình nữa. Bởi như chúng ta đã biết, xã hội luôn vận động và thay đổi, do đó tất cả mọi người trong đó bao gồm cả người khuyết tật cũng như các đối tượng yếu thế khác cũng cần phải vận động và thay đổi để đảm bảo phù hợp cũng như thích ứng được.

Người khuyết tật Việt Nam hiện nay đang còn phải đối diện rất nhiều vấn đề để hiện thực hóa quyền của mình, một phần quan trọng để đảm bảo được điều đó chính là đưa chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào đời sống. Có thể kể ra một số khó khăn hiện tại người khuyết tật đang phải đối mặt như: vấn đề thay đổi nhận thức của chính bản thân người khuyết tật, của gia đình và của cộng đồng xã hội dù là ít nhưng có nghĩa vẫn còn những nhận thức chưa thực sự đúng đắn về người khuyết tật; các vấn đề liên quan đến tiếp cận đối với người khuyết tật như tiếp cận giao thông, công trình công cộng, văn hóa, thể thao, du lịch hay như các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, hỗ trợ sống độc lập… còn gặp nhiều khó khăn khó khăn và cần được tháo gỡ thì mới đảm bảo người khuyết tật thực hiện được quyền cũng như nghĩa vụ của mình.

PV: Như ông có nói, nhiều vấn đề cần được giải quyết, khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ, vậy ông có thể cho biết có phải do chính sách chưa đảm bảo để người khuyết tật hòa nhập hay bởi nguyên nhân nào khác?

Ông Đặng Văn Thanh: Như đã nói ở trên, phải khẳng định lại một lần nữa, nếu nói về quy định của pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước thì Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật tương đối đầy đủ. Nhiều chính sách của Việt Nam thậm chí nhiều quốc gia có nền kinh tế – chính trị – xã hội phát triển hơn Việt Nam trong khu vực cũng chưa có hoặc chưa đảm bảo thực hiện như Việt Nam, đơn cử như chính sách BHYT cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng hiện nay. Cũng chia sẻ là Việt Nam là quốc gia quan tâm đến người khuyết tật từ rất sớm, ngay từ Bộ luật Hồng Đức, Việt Nam đã có quy định trách nhiệm đối với người khuyết tật rồi, còn quyền của người khuyết tật đã được thể hiện ngay từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, các Hiến pháp của Việt Nam đều thể hiện quyền này và người khuyết tật có quyền như người không khuyết tật hay nói cách khác người khuyết tật là một công dân của đất nước, một con người của dân tộc, không có sự phân biệt, tách biệt nào hết giữa nhóm người này hay nhóm người kia mà mọi người đều bình đẳng. Chẳng qua người khuyết tật đơn giản là con người gặp phải nhiều khó khăn do những rào cản về khuyết tật mang lại. Nói cách khác đây chỉ là sự đa dạng của xã hội mà thôi. Chắc ai cũng đã biết đến bản tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và là một lời cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, đó là: Ai cũng có quyền được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc.

Vấn đề nữa, cũng như đã nêu ở trên đó là xã hội luôn vận động và phát triển, đó là điều tất yếu, vì vậy để đảm bảo đáp ứng được thực tiễn thì chính sách, pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, Việt Nam cũng đang thực hiện tương đối tốt vấn đề này. Do đó, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết không nằm ở vấn đề chính sách, có chăng cũng không phải là vấn đề mang tính chất quyết định.

Thực tế, một số vấn đề cần giải quyết để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này nằm ở các yếu tố sau:

Thứ nhất là ở chính bản thân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật: Nhiều người khuyết tật và gia đình người khuyết tật vẫn còn tự tin, mặc cảm với chính khuyết tật của mình do đó đánh mất đi chính cơ hội của bản thân. Về phía gia đình người khuyết tật thì bao bọc, hoặc “giấu” người khuyết tật vì nhiều lý do. Có rất nhiều người khuyết tật nhẹ có vị trí cao, địa vị xã hội, có rất nhiều đóng góp nhưng họ lại “không dám” nhận mình là người khuyết tật hay cũng có thể họ không cho mình là người khuyết tật mà đơn thuần họ không phân biệt, tất cả mọi người đều là công dân bình đẳng. Nếu nói nặng thì người khuyết tật đang chính tự kỳ thị, phân biệt bản thân mình chứ không phải ai khác. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến các nguyên nhân khác như cộng đồng không hiểu đúng, nhận thức chưa rõ về người khuyết tật. Do đó, bản thân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật cần thay đổi nhận thức đầu tiên bởi không ai khác, chính mình cần khẳng định vị thế của bản thân và không có phương pháp nào tốt hơn phương pháp này để chứng minh khả năng của người khuyết tật qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội về người khuyết tật. Và hơn cả là cần suy nghĩ tích cực hơn bởi ai sinh ra trên đời về cơ bản đều có giá trị riêng, ít nhất là giá trị làm cho sự sống, xã hội đa dạng.

Thứ hai, đối với cộng đồng: Cộng đồng xã hội rất cần được nâng cao nhận thức về người khuyết tật. Vấn đề ở đây không phải là kỳ thị hay phân biệt đối xử mà là cộng đồng xã hội chưa nhận thức rõ vai trò, khả năng của người khuyết tật, thậm chí còn hiểu sai, hiểu nhầm về người khuyết tật như cho rằng người khuyết tật sẽ có sức khỏe yếu hay không hiểu khuyết tật có rất nhiều dạng và những dạng mang lại những khó khăn khác nhau, nếu có thể khắc phục những khó khăn đó thì người khuyết tật không khác gì người không khuyết tật, họ đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu công việc thậm chí có thể làm tốt hơn bởi họ có những “lợi thế, ưu thế” riêng, cũng có thể là do chính “khuyết tật” mang lại. Bên cạnh đó, rất cần các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ngay cả các cá nhân cũng cần thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm xã hội để đảm bảo người khuyết tật có thể được tiếp cận quyền.

Thứ ba, là vấn đề chính sách, pháp luật và thực thi: Mặc dù chính sách tương đối đầy đủ, việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đã được chúng ta thực hiện khá tốt nhưng cần sớm hơn nữa, nhanh hơn nữa, tất nhiên còn nhiều yếu tố khách quan tác động. Các vấn đề đó được coi là những khoảng trống pháp lý cần được “lấp đầy” như vấn đề xác định mức độ khuyết tật Nhưng vấn đề thực thi chính sách, pháp luật là điều đáng bàn, chính sách có, đối tượng hưởng lợi đã sẵn sàng nhưng lại chưa thể tiếp cận bởi có nhiều rào cản trong quá trình thực thi. Đây chỉ là yếu tố con người, một phần do nhận thức của nhiều người chưa đúng đắn về lĩnh vực khuyết tật, một phần có nhiều chính sách chồng chéo nhau dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn, một phần khác do khâu phối hợp tổ chức chưa được chặt chẽ, quan điểm chưa được thống nhất. Có thể nói, để những chính sách và pháp luật đi vào đời sống của người khuyết tật nói riêng, đời sống xã hội nói chung thì khâu thực thi là vô cùng quan trọng. Điều cần hiện nay đó chính là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách, cần có cơ chế thúc đẩy, giám sát việc thực hiện chính sách và nhất là quy định, chế tài xử lý những vi phạm trong việc thực hiện chính sách.

Còn có một số nguyên nhân khác, thế nhưng chỉ cần giải quyết được 3 yếu tố chính, cơ bản trên đây, tin chắc rằng về cơ bản người khuyết tật sẽ có thể đảm bảo được quyền của mình, có thể hòa nhập một cách bình đẳng và đầy đủ vào cộng đồng xã hội và có những đóng góp cho sự nghiệp chung.

Ông Đặng Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ người khuyết tật năm 2020

PV: Theo ông nói, quy định pháp luật và chính sách của Việt Nam đối với người khuyết tật là tương đối đầy đủ, ông có thể cho biết một số quy định cụ thể?

Ông Đặng Văn Thanh: Để nói cụ thể thì rất là dài do đó tôi sẽ nêu ra một số văn bản pháp luật và chính sách hiện hành đối với người khuyết tật để bạn đọc có thể lấy đó làm nguồn tư liệu tham khảo.

Trước hết là phải khẳng định Hiến pháp là văn bản luật cao nhất sau đó đến các bộ luật hình sự, dân sự và lao động đều có quy định liên quan đến đối tượng là người khuyết tật để điều chỉnh. Về văn bản pháp luật trực tiếp là Luật Người khuyết tật năm 2010. Các luật “chuyên ngành” cũng có quy định đối với nhóm đối tượng này như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, giáo dục nghề nghiệp, luật bầu cử quốc hội… Hầu hết các luật chuyên ngành hay các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật hiện nay đã có quy định liên quan đến người khuyết tật.

Về các cam kết quốc tế thì trực tiếp có Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Công ước 159 của ILO về thích ứng nghề nghiệp đối với người khuyết tật và các công ước nhân quyền khác; các kế hoạch tổng thể Asean, các chiến lược phát triển chung trong khu vực các các chương trình của quốc tế…

Về các chính sách là các chương trình trợ giúp người khuyết tật mà mới nhất là Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 08/2020 (Chương trình 1190). Ngoài ra nhiều nội dung được lồng ghép trong các chương trình khác nhưng chương trình nông thôn mới; chính sách bảo trợ xã hội mà mới nhất là Nghị định 20 phê chuẩn ngày 15/03/2021 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2021…

Đặc biệt, tháng 11/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Có thể nói đây chính là lời cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hiện thực hóa quyền đối với người khuyết tật khi mà cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào việc thúc đẩy thực hiện quyền đối với người khuyết tật.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về các quy định trên đối với người khuyết tật Việt Nam hiện nay được không? Theo ông vấn đề quan trọng nhất cần được thực hiện khi mà hệ thống chính sách, pháp luật theo ông nói đã là tương đối đầy đủ?

Ông Đặng Văn Thanh: Để nói hết các vấn đề liên quan đến người khuyết tật hay như câu hỏi là các quy định thì rất mất thời gian bởi theo tôi hiểu ý câu hỏi là muốn chỉ ra quy định, thực trạng hiện nay và các nội dung liên quan đến các vấn đề của người khuyết tật. Do đó, nếu có thể, chúng ta sẽ có những trao đổi thêm, riêng từng nội dung, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người khuyết tật trong những lần sau.

Còn vấn đề nào là quan trọng nhất thì thực tế tất cả các vấn đề đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nói cái nào quan trọng nhất đều có thể là không đúng, giống như câu chuyện nguyên nhân nằm ở đâu thì phải là ở cả 3 phía: người khuyết tật, cộng đồng xã hội và nhà nước, thiếu đi 1 thứ sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Giống như để giải quyết vấn đề người khuyết tật tham gia thị trường lao động, có việc làm thì đồng thời phải giải quyết các vấn đề khác như: tiếp cận giao thông để người khuyết tật đến chỗ làm; tiếp cận công trình nhà xưởng, nhà vệ sinh khu làm việc là những nhu cầu tiếp cận tối thiểu; tiếp cận y tế để chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng…. Hay giải quyết vấn đề giáo dục cho trẻ khuyết tật cũng vậy, nếu thiếu 1 thứ rất khó để đảm bảo thực hiện tốt, giải quyết tốt những khó khăn người khuyết tật. Thế nên, nó đòi hỏi sự đồng bộ, đầy đủ của các yếu tố chính, yếu tố cơ bản để có thể thực hiện được các giải pháp.

Nếu bắt buộc phải chọn thì có lẽ sinh kế là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nhất là ở các vùng nông thôn bởi khi giải quyết được vấn đề này sẽ giúp giải quyết được nhất nhiều vấn đề khác. Có thể ví von như các cụ vẫn hay nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là thế.

PV: Thưa ông, với hệ thống quy định nhiều như vậy, để thực hiện tốt các chính sách trên thì Chính phủ điều hành trực tiếp hay có cơ quan nào giữ vai trò điều phối giữa các cơ quan chức năng hay không?

Ông Đặng Văn Thanh: Việc thực hiện pháp luật, chính sách đối với người khuyết tật hiện nay ở Việt Nam là tất cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp bởi như đã thông tin, việc ban hành Chỉ thị 39 là “bước ngoặt lịch sử” trong công tác đối với người khuyết tật (Trước đây cũng đã có một chỉ thị nhưng chủ yếu tập trung vào đối tượng người khiếm thị). Bên cạnh đó là việc giám sát của Quốc hội. Về cơ bản là được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chúng ta đều biết, vai trò của Chính phủ là hành pháp do đó Chính phủ sẽ là cơ quan chỉ đạo chung và phân công công việc cho từng bộ ngành chức năng trực thuộc Chính phủ. Trong lĩnh vực người khuyết tật cơ quan đầu mối, điều phối các hoạt động liên quan đến người khuyết tật là Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người khuyết tật. Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam được thành lập từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật từ năm 2015 do Bộ trưởng Bộ lao động làm chủ tịch, Thứ trưởng bộ Lao động làm Phó Chủ tịch và thứ trưởng các bộ gồm: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và công nghệ là ủy viên. Bên cạnh đó là các tổ chức như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng tham gia làm thành viên của Ủy ban.

PV: Cám ơn ông, đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về người khuyết tật Việt Nam, vậy người khuyết tật Việt Nam có ngày lễ hay ngày kỷ niệm nào không thưa ông? Nó giống như Ngày nhà giáo, Ngày Người cao tuổi….

Ông Đặng Văn Thanh: Cám ơn câu hỏi rất hay. Người khuyết tật Việt Nam bên cạnh các ngày lễ, kỷ niệm khác của đất nước thì ngày 18/4 hàng năm là ngày Người khuyết tật Việt Nam được ghi nhận lần đầu tiên tại Pháp lệnh Người tàn tật 1998 và được tổ chức thường niên đến nay. Trước đây ngày Người khuyết tật Việt Nam có tên gọi là Ngày bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật, đây là một sự thay đổi lớn trong “tư duy, nhận thức” về người khuyết tật từ sự thương hại, tình thương sang quyền của người khuyết tật. Nó cũng như việc chúng ta lấy tên gọi người khuyết tật để thay thế cho cụm từ người tàn tật vậy. Và càng vui mừng hơn khi chúng ta không còn chỉ là hưởng ứng nữa mà còn cả chào mừng, người khuyết tật chào mừng ngày của mình, cộng đồng xã hội chào mừng ngày của người khuyết tật. Từ một sự kiện chỉ là làm theo đến việc đón chào, chúc mừng một sự kiện ý nghĩa đối với tất cả mọi người.

Ngoài ra, người khuyết tật cũng chào mừng Ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12, các ngày dành cho các dạng khuyết tật như Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ 02/04; Ngày Thế giới phòng chống bại não 06/10… Đồng thời người khuyết tật cũng chào mừng các ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày thầy thuốc Việt Nam… bởi rất nhiều người khuyết tật cũng là giáo viên, thầy thuốc, bác sỹ…

Ông Đặng Văn Thanh chủ trì một Hội thảo về việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Asean lồng ghép quyền của người khuyết tật

PV: Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn ngày hôm nay, ông có thể chia sẻ về chủ đề của Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm 2021? Và ông mong muốn điều gì đối với cộng đồng?

Ông Đặng Văn Thanh: Năm 2021, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam lấy chủ đề là “An toàn và bình đẳng” dựa trên bối cảnh thực tế là an toàn trong đại dịch Covid-19 và bình đẳng trong bầu cử. Trước đây, chúng ta tập trung rất nhiều để giải quyết các vấn đề chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục, việc làm… cho người khuyết tật nay một trong những quyền có bản khác cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ đó là quyền được bầu cử và tự ứng cử của người khuyết tật mà cao hơn chính là quyền được tham chính của người khuyết tật. Biết rằng, để người khuyết tật được tham chính còn rất nhiều khó khăn, rất nhiều thách thức để người khuyết tật có thể tham gia chính trị nhưng đây sẽ là những cơ sở bước đầu để xây dựng, bồi dưỡng những cá nhân người khuyết tật đáp ứng đủ tiêu chí, yêu cầu, năng lực và sẵn sàng có thể tham chính cũng như làm tốt vai trò, trách nhiệm của một chính trị gia.

Cũng cần chia sẻ thêm, việc bình đẳng khi tham gia bầu cử ở đây không chỉ đơn thuần là người khuyết tật cũng được bầu cử mà thực tế là người khuyết tật cần được thực hiện một cách đầy đủ quyền bầu cử như việc “tự tay bỏ lá phiếu vào thùng phiếu” ở điểm bầu cử thay vì thùng phiếu phụ mang đến nhà. Câu nói của tôi là hình tượng vì nhiều quốc gia khác đã có trường hợp dùng chân hay miệng bởi không thể dùng tay. Nó không chỉ thể hiện vai trò của người khuyết tật trong việc tiếp cận thông tin, đảm bảo bỏ phiếu khách quan mà còn là hình ảnh để thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội mà một chuyện đơn giản hơn đó chính là việc thực thi chính sách để người khuyết tật tiếp cận được bầu cử. Hàng loạt các chính sách sẽ được thực thi đi kèm với nó như cải tạo để người khuyết tật tiếp cận để bỏ phiếu, việc trợ giúp người khuyết tật tham gia các hoạt động cộng đồng…

Cũng nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam, trước hết gửi lời chúc đến toàn bộ người khuyết tật cũng như cộng đồng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Và mong muốn người khuyết tật tiếp tục vươn lên để hòa nhập cộng đồng một cách bình đẳng và đầy đủ, có những đóng góp cho xã hội. Đảng và Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến với người khuyết tật cũng như nhóm các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để hoàn thiện chính sách mà nhất là thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả. Đối với cộng đồng xã hội đặc biệt là vai trò truyền thông là cần nâng cao nhận thức đối với người khuyết tật, cần hiểu đúng về người khuyết tật để tất cả cùng chung tay, góp sức xây dựng vì hạnh phúc cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, việc nhận thức đúng, hiểu đúng cũng góp phần làm giảm bớt nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến khuyết tật đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại có quá nhiều nguy cơ và nguyên nhân để khiến con người ta trở nên khuyết tật bất cứ lúc nào bởi chúng ta chính là phòng tuyến đầu tiên để ngăn chặn những nguy cơ đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuệ Lâm


Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang