Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 có nhiều điểm mới về cách thức tổ chức, quy chế thi và các thành phần tham gia. Qua đó tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN cũng như thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho các thí sinh có thành tích xuất sắc tại kỳ thi jyx năng nghề ASEAN và thế giới. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ngày 4/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức khai mạc Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 và Công bố Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết kỳ thi nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề (KNN) cao theo khung trình độ KNN quốc gia và tiệm cận được với chuẩn KNN ASEAN, thế giới. Bên cạnh đó, kỳ thi còn góp phần thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có KNN theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới; tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện KN tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghip. Từ đó góp phần nâng tầm KN lao động trẻ Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kỳ thi năm nay tổ chức thi 34 nghề (31 nghề thi chính thức và 3 nghề thi trình diễn), trong đó, có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, tiện CNC, dịch vụ lễ tân, chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội; điều khiển công nghiệp (trình diễn), thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và công nghệ nước (trình diễn).
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, kỳ thi năm nay sẽ được đổi mới gắn với việc triển khai chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có KNN, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và phù hợp với xu thế thay đổi trong nước, khu vực, thế giới về khoa học kỹ thuật và phát triển KNN, GDNN; nâng cao chất lượng kỳ thi và thí sinh tham dự; tăng cường công tác đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch và hội nhập của kỳ thi nhằm tiệm cận với kỳ thi KNN ASEAN và thế giới.
Cụ thể: Kỳ thi đã được đổi tên thành kỳ thi “Kỹ năng nghề quốc gia”, thay vì trước đó là kỳ thi tay nghề quốc gia và Ban Tổ chức kỳ thi quốc gia được đổi tên thành “Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam”.
Số nghề tổ chức thi lớn nhất từ trước tới nay và tăng lên 8 nghề so với số nghề tổ chức ở kỳ thi trước năm 2018 (26 nghề), trong đó có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức.
Về Ban Tổ chức thi kỹ năng nghề Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng cho biết lần đầu tiên thành phần Ban Tổ chức và thành phần các Tiểu ban giúp việc Ban Tổ chức có sự tham gia của doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp như: Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức – GIZ; Tập Đoàn Xây dựng Hòa Bình; Tổng Công ty May 10; Công ty TNHH Festo; Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam…
Quy chế kỳ thi năm nay cũng có nhiều điểm mới như: thời gian làm bài thi trước đây không quá 8 tiếng nay tăng lên không quá 15 tiếng tiệm cận kỳ thi KNN ASEAN; bổ sung các quy định về công tác phòng chống dịch COVID – 19 trong thời gian diễn ra kỳ thi; bổ sung quyền và nghĩa vụ của các thí sinh khi tham dự kỳ thi KNN quốc gia để phục vụ công tác truyền thông quảng bá hình ảnh và tham gia chương trình Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho các thí sinh có thành tích xuất sắc tại Kỳ thi KNN ASEAN và thế giới.
Các đại biểu tham dự cũng cùng thực hiện nghi thức chào mừng “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời dựa vào kỹ năng để nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, đặc biệt là người lao động có kỹ năng nghề xuất sắc;
Bên cạnh đó, thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (ngày 15/7) đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2014, đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước hưởng ứng và đồng tình ủng hộ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp bằng hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nguồn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ