(ĐHVO). Với chủ đề “Hội Người khuyết tật TP Hà Nội: Phát triển bền vững vì sự hoà nhập của NKT”, gồm 9 nội dung được đút rút kinh nghiệm qua 17 năm hoạt động, được đại diện Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, nhiệm kỳ III (2023-2028).
Bà Đoàn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội
Kính thưa toàn thể Đại Hội,
Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội (Hội) được thành lập năm 2006 với 19 CLB/Nhóm/Trung tâm với 750 hội viên cá nhân. Trải qua 17 năm hình thành và phát triển mạng lưới, đến nay, Hội đã có 46 tổ chức hội viên, trong đó có 30 Hội NKT có tư cách pháp nhân tại 30 quận/huyện/thị xã và 16 Câu lạc bộ/nhóm/trung tâm với tổng số hội viên cá nhân là hơn 16.000 người, đến nay Hội đã đạt được những kết quả tích cực như:
1-Nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới NKT
Tổ chức cho hơn 10.000 lượt NKT đã được tham gia các chương trình tập huấn, trang bị kiến thức kiến thức về công nghệ thông tin, kỹ năng về: phát triển tổ chức, kỹ năng truyền thông, viết đề xuất dự án, đào tạo giảng viên nguồn, tập huấn các văn bản pháp luật, quản lý tài chính, thành lập Hội NKT xã/phường, các khóa đào tạo tư vấn hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho NKT … Nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ, hội viên của DP Hanoi và một số Hội NKT từ tỉnh/thành khác trong cả nước…, chương trình cho nữ lãnh đạo là NKT…
Xây dựng và phát triển mạng lưới của Hội cũng từng bước được trú trọng quan tâm. Hiện, 30 quận/huyện/thị xã đã có tổ chức Hội NKT thì rất nhiều đơn vị đã có Hội NKT cấp xã/phường/thị trấn có tư cách pháp nhân (đến nay là 85 Hội) và hơn 100 Chi hội (không có tư cách pháp nhân). Đã có 30 CLB phụ nữ khuyết tật tại 30 quận/huyện/thị xã và 26 CLB TNKT, rất nhiều CLB Cha mẹ trẻ KT, CLB Văn hoá văn nghệ, CLB trợ giúp pháp lý…Việc phát triển mạng lưới tổ chức đến tận xã/phường giúp thu hút ngày càng nhiều NKT tham gia Hội, cũng như làm phong phú và nâng cao hiệu quả hoạt động, thiết thực đáp ứng nhu cầu của NKT tại địa phương.
2-Nâng cao nhận thức của hội viên, cộng đồng về vấn đề khuyết tật
Tổ chức các hoạt động, chương trình nhân các ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày NKT Việt Nam 18/4, ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, ngày gia đình Việt Nam 28/6, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12… thông qua chương trình giúp lan toả thông điệp về hoà nhập tới nhiều đối tượng khác nhau một cách hiệu quả, không chỉ đến với các độc giả ở Hà Nội mà còn trong cả nước và quốc tế.
3-Tham gia vào việc giám sát, thúc đẩy thực hiện chính sách và góp phần xây dựng chính sách liên quan đến lĩnh vực NKT
Tham gia thúc đẩy thực hiện chính sách và góp phần xây dựng chính sách thực thi Luật NKT, Công ước LHQ về quyền của NKT; tham gia xây dựng báo cáo bóng về việc thực thi Công ước quốc tế về Quyền của NKT tại Việt Nam. Tham gia và phát biểu về tình hình NKT Việt Nam tại Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2020 tổ chức tại thành phố Hà Nội. Hội cũng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định 45 (sửa đổi) về tổ chức và quản lý hội.
4-Góp phần giải quyết vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho NKT
Hội đã phối kết hợp với các doanh nghiệp tạo việc làm cho NKT. Từ năm 2018, Hội đã thực hiện thành công mô hình liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho NKT qua nhiều năm hợp tác với công ty IntelLife thực hiện dự án “Chung tay vì cộng đồng” nhằm đẩy mạnh cơ hội học nghề và việc làm cho NKT. Đến nay đã có hơn 160 NKT làm việc tại các vị trí khác nhau trong công ty Intellife, đa số là người khuyết tật vận động và người điếc, cùng hàng trăm NKT khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quân, huyện của Hà Nội.
Qua một số chương trình dự án hợp tác công tư về việc làm cho NKT, hàng trăm người được tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Hàng chục Hội chợ việc làm cho NKT đã được tổ chức với sự phối hợp của TT Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH TP HN và TT Dịch vụ việc làm thanh niên. Hội cũng đã thiết lập Mạng lưới các doanh nghiệp tuyển dụng NKT với trên 30 doanh nghiệp tham gia.
Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH Thành phố Hà Nội để tạo cơ hội cho NKT vay vốn, tự tạo việc làm. Trong thời gian từ năm 2012-2017 đã có trên 2.000 người khuyết tật được vay vốn và NHCSXH đã giải ngân trên 40 tỷ đông. Từ khi có QĐ 26/2017 của UBND TP HN đến nay, tức là NKT thực hiện vay vốn qua các tổ vay vốn tại địa phương, đã có hơn 500 NKT được vay vốn để sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ với tổng số dư nợ trên 20 tỷ đồng.
Hội đã ký Hợp đồng công việc với Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc, kỹ năng tìm việc, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm thành công cho NKT.
5-Chăm lo đời sống hội viên
Thường xuyên quan tâm, hỗ trợ hội viên nghèo, gặp khó khăn, thăm hỏi tặng quà hội viên nhân ngày lễ, tết; kết nối tặng xe lăn cho NKT, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hội viên; tổ chức cho hội viên giao lưu, thăm quan, du lịch…Tổ chức kỷ niệm chương trình Ngày gia đình Việt nam và tri ân sự ủng hộ và hỗ trợ của người thân các cán bộ Hội dành cho Hội.
Tiếp nhận dự án “Hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID 19 năm 2020” do tổ chức Habitat tài trợ với hơn 5.000 người khuyết tật được hưởng lợi từ dự án.
Tham gia Liên hoan nghệ thuật SAMBHAV lần thứ 16 dành cho các nghệ sĩ khuyết tật tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, điệu múa trên xe lăn “Khát vọng” của Hội là tiết mục duy nhất được biểu diễn lại tại lễ bế mạc, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.
Trong khuôn khổ dự án nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của NKT trong hoạt động nghệ thuật do Liên minh Na Uy tài trợ, Hội tổ chức Chương trình nghệ thuật “Không giới hạn” hội tụ các tiết mục ca múa nhạc do các diễn viên thuộc nhiều dạng tật khác nhau thực hiện.
6-Hợp tác quốc tế
Vấn đề hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong các kế hoạch hoạt động của Hội, đem lại nguồn kinh phí hỗ trợ, cũng như giúp học hỏi các kỹ năng vận hành các dự án vì lợi ích của NKT. Hội đã hợp tác với rất nhiều các tổ chức phi chính phủ từ các nước Đan Mạch, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Nauy, Phần Lan, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Quỹ ASEAN, Tổ chức Phục hồi chức năng quốc tế, v.v… để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ NKT trong nhiều lĩnh vực. Hội có nhiều hoạt động giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức của NKT từ các nước trong khu vực ASEAN, Châu Á, các trường Đại học…
7-Góp phần thúc đẩy phong trào NKT ở Việt nam
Là thành viên của Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Hội đã có những đóng góp đáng kể thúc đẩy phong trào NKT VN, có thể kể đến các nội dung sau:
Năm 2018, Hội đã khởi xướng và hình thành Mạng lưới CLB phụ nữ khuyết tật các tỉnh phía Bắc với 10 thành viên đến từ 10 tỉnh/thành phố phía Bắc và đến cuối nhiệm kỳ phát triển thêm 3 CLB, đưa tổng số thành viên là 13 CLB PNKT trong Mạng lưới.
Phối hợp với NCD, VFD tham gia đồng chủ trì một số chương trình, hội nghị như ngày NKT VN 18/4, ngày 3/12 và có các bài phát biểu, tham luận thúc đẩy quyền của NKT trong các lĩnh vực khác nhau.
Tham gia vào Ban tư vấn cho Uỷ ban quốc gia về NKT, đóng góp ý kiến vào chính sách liên quan/về lĩnh vực khuyết tật, tham gia mạng lưới tổ chức phi chính phủ về NKT châu Á – Thái Bình dương (APDF) và thúc đẩy thực hiện tổ chức Hội nghị APDF tại Việt Nam năm 2014, tham gia mạng lưới các tổ chức khuyết tật của ASEAN (ADF) và có các ý kiến đóng góp vào việc thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT và Luật NKT, chính sách liên quan/về lĩnh vực khuyết tật.
Lãnh đạo của Hội đại diện cho VFD tham gia vào một số các hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức trong nước và nước ngoài.
8- Văn hoá của tổ chức và các giá trị chia sẻ
Đây là một yếu tố mà Hội NKT Hà Nội rất coi trọng trong quá trình phát triển tổ chức, giúp nâng cao vị thế của NKT, tổ chức của NKT trong cộng đồng.
Hội luôn quan tâm đến vấn đề giới trong toàn bộ hoạt động, giúp đảm bảo sự phát triển cá nhân của nam và nữ, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi hoạt động của tổ chức Hiện nay, gần 44% hội viên là nữ, tỷ lệ nam-nữ trong số uỷ viên Ban chấp hành Thành Hội là 60%-40%, tỷ lệ này ở các Hội NKT quận/huyện là 56-44, hơn 30% chủ tịch các Hội NKT quận/huyện/thị xã là phụ nữ.
Ham học hỏi đã trở thành nét văn hoá đẹp ở đại đa số các cán bộ, hội viên của Hội. Sự tham gia nhiệt tình của anh chị em là yếu tố đảm bảo thành công của tất cả các cuộc tập huấn, tọa đàm, hội thảo do Hội tổ chức. Một số tổ chức hội viên đã xây dựng những quy định về ứng xử có văn hoá tại các sự kiện, hội nghị, nơi công cộng.
Các giá trị chia sẻ là : sự năng động, tự tin và đồng cảm được tôn vinh, lan toả trong Hội. Hành trang vô giá đó giúp anh chị em vượt qua khó khăn trên con đường phát triển Hội, nhắc nhở mọi người luôn giữ gìn, lan toả tình yêu thương, coi đó như một phương thuốc kỳ diệu làm tăng sức mạnh để giải quyết mọi khó khăn, hoá giải mọi bất đồng, củng cố sự đoàn kết trong Hội.
9- Kết luận :
Trải qua 17 năm hoạt động, Hội NKT TP. Hà Nội đã rút ra những bài học, kinh nghiệm phát triển bền vững tổ chức của NKT. Ngày nay, năng lực của toàn Hội được nâng cao. Các tổ chức hội viên của Hội, đặc biệt là các Hội NKT quận, huyện/thị xã đã giành được sự ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ và sự tin tưởng của chính quyền địa phương. Kết quả hoạt động của chúng tôi được Liên hiệp hội về NKT Việt Nam và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao. Tháng 5/2023 vừa qua nhân lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Phục hồi chức năng Quốc tế (RI) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Hội NKT Hà Nội được vinh dự là một trong số 100 tổ chức, cá nhân nhận giải thưởng của RI do có đóng góp nổi bật và có tác động sâu sắc đến sự tham gia bình đẳng và phát triển hòa nhập của người khuyết tật.
Nhiều tập thể, cá nhân NKTcủa Hội được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, Bộ LĐ TB & XH và Liên hiệp hội về NKT Việt Nam.
Kính thưa toàn thể Đại hội,
Mặc dù đạt được nhiếu kết quả tích cực, chúng tôi nhận thức được rằng toàn Hội cần nỗ lực hơn nữa để phát huy những thành công, khắc phục những yếu điểm còn tồn tại, học hỏi kinh nghiệm của những đơn vị khác để từng bước đạt được mục tiêu hoà nhập bình đẳng NKT vào mọi lĩnh vực của đời sống, vì một xã hội công bằng, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp này, Hội NKT TP. Hà Nội xin bày tỏ lời cản ơn chân thành tới Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, các cơ quan trung ương và Hà Nội, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã luôn dành sự giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi trong các hoạt động vì sự hoà nhập của NKT.
Trước khi khép lại phần trình bày của Hội NKT HN, tôi xin được gửi lời cảm ơn toàn thể đại hội đã lắng nghe, xin kính chúc sức khỏe các vị đại biểu, chúc cho Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin chân thành cảm ơn!
Trần Hồng – Phạm Vân