Ngày 12/11/2021, được sự nhất trí của UBND huyện Lương Sơn, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Trợ giúp pháp lý về khó khăn và cách thức tháo gỡ đảm bảo cơ hội tiếp cận y tế, giáo dục của trẻ em gái, trẻ em khuyết tật”. Đây là hoạt động nằm chuỗi hoạt động của Dự án “tăng cường tiếp cận y tế và giáo dục cho trẻ em gái và trẻ em khuyết tật” do Liên hiệp hội về NKT Việt Nam (viết tắt là VFD) thực hiện từ tháng 8/ 2020” tại 2 tình Hào Bình và Nghệ An với sự tài trợ của Quỹ Jiff.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm
Tham dự buổi Tọa đàm có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Tiến sỹ Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trường Vụ Pháp chế Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Kim Loan, nguyên Trưởng bộ môn CTXH chuyên biệt, Khoa CTXH trường Đại học Lao động xã hội; bà Nguyễn Thị Hà Phó Phòng LĐTBXH huyện Lương Sơn cùng lãnh đạo các UBND xã, đại diện các phòng LĐTBXH, cán bộ tư pháp, y tế và 30 đại biểu của gia đình có trẻ khuyết tật thị trấn Lương Sơn và Liên sơn.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Văn Thanh chia sẻ về mục tiêu và toàn bộ nội dung hoạt động của dự án cũng như mục đích, ý nghĩa của buổi tọa đàm. Ông Thanh cho biết: Hiện, chính sách và pháp luật của Việt Nam đối với người khuyết tật trong đó có trẻ em gái và trẻ em khuyết tật đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc thực thi vẫn còn những hạn chế. Ông Thanh cũng nhấn mạnh đến các nội dung như dụng cụ trợ giúp, giáo dục, y tế, phục hồi chức năng, phát hiện sớm, can thiệp sớm…. Và đề nghị tại buổi tọa đàm, mời các đại biểu cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Ông Thanh cũng mong muốn thông qua buổi Tọa đàm sẽ chỉ ra được những khoảng trống trong chính sách, những đề xuất từ chính địa phương, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, báo cáo và có những khuyến nghị để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Chia sẻ thêm về chủ đề buổi Tọa đàm, ông Hà Đình bốn cũng cho biết: Các chính sách về NKT được ban hành rất nhiều tuy nhiên vấn đề triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, đối tượng yếu thế chưa tiếp cận được chính sách; người yếu thế vẫn còn có những trường hợp bị kỳ thị, gặp nhiều khó khăn… Do đó, trong thời gian tới cần đảm bảo để vấn đề thực thi chính sách hiệu quả, đối tượng yếu thế thuận lợi tiếp cận chính sách, thực hiện sự công bằng, bình đẳng như con ngoài giá thú với con trong giá thú, trẻ e m khi sinh ra phải được khai sinh…. Và để làm được điều đó thì cần giải quyết các vấn đề trong đó bất cập về đội ngũ LĐTBXH ở địa phương hiện nay rất thiếu và chịu nhiều áp lực do công việc nhiều.
Đại biểu chia sẻ tại buổi Tọa đàm
Buổi Tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi, nhiều vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận, trao đổi; nhiều kinh nghiệm được chia sẻ; những vấn đề vướng mắc, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và cần có giải pháp phù hợp đã được các chuyên gia giải đáp thấu đáo như vấn đề học hòa nhập, chăm sóc sức khỏe… cho trẻ. Qua đó giúp các đại biểu nắm rõ hơn chính sách, vận dụng, áp dụng chính sách vào thực tế hài hòa và hiệu quả.
Kết thúc buổi Tọa đàm, thay mặt ban Tổ chức, ông Đặng Văn Thanh kết luận: Hiện nay, bên cạnh nguồn lực còn hạn chế, chính sách cũng còn một số hạn chế nhất định nhất là trong việc xác định mức độ khuyết tật với trẻ tự kỷ, tâm thần…; các chính sách về hỗ trợ các dụng cụ thiết yếu chưa được Bảo hiểm y tế chi trả trong khi đó, NKT khó tiếp cận đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa; khó khăn trong việc giám định lại hay giám định chính xác do Hội đồng giám định y khoa hiện chỉ có ở cấp tỉnh… Do đó, trong thời gian tới mong muốn và đề nghị các cán bộ bảo trợ, trẻ em, y tế, tư pháp tại địa phương quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của trẻ, gia đình trẻ, sau đó đề xuất giải pháp hỗ trợ. Đối với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam vẫn luôn khuyến nghị cần có Hội đồng giám định y khoa ở huyện thậm chí xã; đồng thời sẽ cố gắng kết nối với các cơ quan ban ngành chức năng cũng như các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy hiện thực hóa quyền của NKT, trẻ em trong đó có trẻ em khuyết tật.
Hải Phong