(ĐHVO). Ngày 16/11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm “Tiếp cận công trình xây dựng và giao thông công cộng đối với người khuyết tật: Thực trạng và giải pháp” do Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội tổ chức.
Tham gia chương trình có ông Lê Văn Hạnh, Vụ Xã hội – Văn phòng Quốc Hội; ông Nhân Ngọc Ngà, Vụ Vận tải – Bộ Giao thông Vận tải; ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông Đô thị và Nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải; bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội – Sở Lao động Thương binh Xã hội; bà Trần Thanh Ý, Viện Nghiên cứu Quy Hoạch và Phát triển Đô thị; ông Nguyễn Trung Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Hội Người mù Hà Nội; ông Vũ Quý Kiên, Trung tâm Giao Thông công cộng – Sở Giao thông Vận tải; ông Đào Sơn Hà, CRS Việt Nam điều phối dự án Chương trình Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam; cùng các đại biểu đến từ các tổ chức, cơ quan có liên quan.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội bày tỏ: “Buổi toạ đàm của chúng ta hôm nay tập trung vào 2 lĩnh vực người khuyết tật tiếp cận công trình xây dựng và giao thông công cộng nhằm thúc đẩy thực hiện công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật, Luật về người khuyết tật có hiệu lực từ năm 2011 và kế hoạch 239 của UBND thành phố về việc trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, thúc đẩy thực hiện các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng công trình công cộng và các phương tiện giao thông công cộng đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật. Làm thế nào để người khuyết tật tiếp cận các công trình công cộng và giao thông công cộng một cách an toàn, hiệu quả, tiện lợi nhất là vấn đề bức thiết hiện nay”.
Hiện nay, có một số hạng mục công trình xây dựng và giao thông đã được xây dựng đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận được như: lối đi, vỉa hè, đường dốc lên chung cư, biển chỉ dẫn … Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế khi phải cần người giúp đỡ trong quá trình di chuyển, chưa thể tự mình tham gia giao thông một cách tự lập. Buổi tọa đàm hôm nay sẽ tìm ra các giải pháp thiết thực giúp cho cuộc sống của người khuyết tật ngày một tốt hơn.
Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tại chương trình bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng, Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ TB&XH Thành phố Hà Nội cho biết: Toàn Thành phố có 111.1173 người khuyết tật (chiếm 1,4 % dân số), trong đó: nữ chiếm 48,7%. Về mức độ khuyết tật: Đặc biệt nặng: 17.125 người; Nặng: 75.791 người; nhẹ: 16.359 người (trong đó khuyết tật dạng vận động 46.311 người). Có 2.280 người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng và 1.930 người khuyết tật đang được chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố (trong đó có 1.250 người tâm thần).
Sở Lao động –TBXH đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Thực hiện các Quyết định của Chính phủ về trợ giúp người khuyết tật như: Hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng Theo báo cáo của Sở Xây dựng (số 10171/SXD-GĐXD ngày 09/12/2021).
Thành phố ban hành Bộ thiết kế mẫu nhà ở, Bộ thiết kế mẫu hè đường đô thị áp dụng lập dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố. Sở Xây dựng hướng dẫn, yêu cầu thiết kế tuân thủ các quy định tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng đặc biệt lưu ý thiết kế đường dốc và hệ thống thang máy cho người khuyết tật sử dụng xe lăn; hoạt động trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông. Các công trình xây dựng, đường xá, phương tiện giao thông hiện nay tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng đảm bảo phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng phục vụ người khuyết tật. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thiết kế, xây dựng công trình đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận”.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng, Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ TB&XH Thành phố Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm
Cũng tại tọa đàm, ông Vũ Quý Kiên, Trung tâm Giao Thông công cộng, Sở Giao thông cho biết: Một số tồn tại của hạ tầng giao thông phục vụ người khuyết tật tại Hà Nội như: Rất ít công trình công cộng phục vụ cho việc đi lại của người khuyết tật được xây dựng đảm bảo tính tiếp cận. Vỉa có lát gạch dẫn đường cho người khiếm thị nhưng người khuyết tật vẫn khó tham gia giao thông do hè phố bị hàng quán lấn chiếm hoặc bị chiếm dụng làm chỗ giữ xe; Các bến xe, nhà ga hiện chưa có hệ thống chỉ dẫn bằng âm thanh; Lối sang đường không có bảng báo hiệu bằng chữ nổi hay tín hiệu âm thanh để bảo đảm an toàn cho người khiếm thị; Cầu vượt dành cho người đi bộ được thiết kế với bậc khá cao nhưng lại không có đường dốc cho xe lăn, rất khó cho người khuyết tật vận động.
Trong những năm qua TP Hà Nội đi đầu trong việc miễn phí xe buýt cho người khuyết tật (áp dụng từ năm 2007). Tuy nhiên, để người khuyết tật tiếp cận được phương tiện công cộng cần phải có sự đầu tư đồng bộ về phương tiện, xây dựng hoặc cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận phương tiện công cộng của đội ngũ nhân viên phục vụ,… Do vậy thực tế có thể nhận thấy số lượng người khuyết tật sử dụng phương tiện công cộng để đi lại rất thấp.
Để giải quyết được vấn đề nêu trên thì các đơn vị quản lý, đơn vị vận hành hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và quyết liệt bắt tay vào hành động, cụ thể: Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền đến đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe buýt về Luật người khuyết tật, tổ chức các lớp đào tạo đến đội ngũ phục vụ để có thể giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và bằng xe buýt nói riêng; Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận lấy ý kiến của người khuyết tật đối với các nội dung cải thiện hạ tầng vận tải hành khách công cộng, mời người khuyết tật trải nghiệm dịch vụ xe buýt để có cơ sở, thực tiễn tổng cải tổ loại hình vận tải này thân thiện hơn; Giải pháp trước mắt cần phải thực hiện ngay là khảo sát toàn bộ hệ thống điểm dừng xe buýt để lập kế hoạch triển khai thực hiện việc tạo lối lên xuống cho người khuyết tật.
Ông Vũ Quý Kiên, Trung tâm Giao Thông Công cộng, Sở Giao thông Vận tải phát biểu tại Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia về các vấn đề giao thông đối với người khuyết tật.
Qua đó, để công tác trợ giúp người khuyết tật về việc tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận công trình xây dựng và giao thông công cộng đối với người khuyết tật được cải thiện rất cần có sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành Trung ương và các cấp liên quan chung tay tháo gỡ những vướng mắc. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới công tác trợ giúp người khuyết tật sớm đạt hiệu quả vượt trội và góp phần giúp người khuyết tật nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Hà Giang