Tình yêu cổ tích

(ĐHVO). Con người khi sinh ra, ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc trong hôn nhân không phân biệt khuyết tật hay lành lặn, giới tính, trình độ, thu nhập hay hoàn cảnh. Hơn ai hết, NKT là những đối tượng yếu thế hơn trong xã hội, họ lại càng khát khao mong muốn được yêu thương, được hạnh phúc. Cái đẹp và sự bền vững trong tình yêu đối với NKT là sự đồng điệu về tâm hồn, là sự cảm thông là chia sẻ cho những khiếm khuyết trên cơ thể của nhau. Trong tâm bão, câu chuyện tình yêu của nàng và chàng khiếm thị khiến chúng ta càng cảm thấy khâm phục và trân quý biết bao sự nỗ lực vươn lên của họ.

Trong một ngày mưa cuối tháng 10, CLB Thiện nguyện Đồng Hành Việt cùng nhiều Câu lạc bộ thiện nguyện khác có chuyến công tác về Quảng Bình cứu trợ bà con khắc phục hậu quả sau trận mưa lũ lịch sử. Tại đây tôi được chứng kiến một câu chuyện tình yêu cổ tích. Đó là chuyện từ tình yêu đến hôn nhân của vợ chồng chị Đặng Thị Hồng Lợi (37 tuổi) trú tại: xã Bắc Nghĩa, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và anh Nguyễn Hữu Thế (36 tuổi) trú tại: xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Sinh ra không được may mắn như bao người khác, ngay từ khi lọt lòng mẹ, anh Thế và chị Lợi đã bị khiếm thị bẩm sinh. Cuộc sống từ nhỏ đến khi lớn lên của hai anh chị chưa bao giờ là dễ dàng. Đến khoảng năm 22 tuổi, bằng niềm tin và nghị lực như ngọn lửa thắp sáng ước mơ lao động, cống hiến cho xã hội, với sự giúp đỡ của Hội người mù tỉnh Quảng Bình, anh chị được cử đi học nghề tại Huế trong thời gian ba tháng. Cũng nhờ cơ duyên này, hạnh phúc đến như một giấc mơ mà chính anh Thế, chị Lợi cũng bất ngờ đó là cuộc gặp gỡ định mệnh của hai người. Họ gặp nhau ở sự đồng cảm, hai tâm hồn đồng điệu rồi cứ thế tình yêu nở hoa lúc nào đến chính người trong cuộc cũng không biết.

Thời gian ba tháng cứ thế trôi, anh chị gặp nhau, cùng học nghề, cùng sinh hoạt, cùng chia sẻ nỗi lòng mình với nhau để rồi cả hai đều để lại ấn tượng vô cùng đẹp đẽ về nhau. Kết thúc khóa học, khi tình yêu đã chớm nở, hai anh chị được cử ra Hà Nội để thực tập. Tại nơi đất khách quê người, hai con người cứ thế nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn để rồi nhận ra nửa kia chính là một phần đời còn lại của mình. Sau một thời gian tìm hiểu, anh, chị quyết định tiến tới hôn nhân, anh lấy hết can đảm dẫn chị về ra mắt gia đình. Nhưng, dường như số phận vẫn cố tình trêu ngươi, gia đình anh Thế kịch liệt phản đối với lý do cho rằng anh sẽ không thể là trụ cột gia đình, không thể bảo vệ cũng như chăm sóc, là chỗ dựa cho gia đình nhỏ của mình, cũng như chị không thể chăm sóc con cái, vun vén cho gia đình, không thể thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Nhưng tình yêu của hai người đã vượt qua nỗi đau số phận, vượt qua mọi rào cả để quyết tìm hạnh phúc cho mình, anh quyết tâm cùng chị quay trở lại Hà Nội để lập nghiệp mặc cho gia đình mình phản đối. Trong thời gian trở lại Hà Nội không lâu, chị có em bé, hai anh chị quyết định trở về và được gia đình ông, bà ngoại tại xã Bắc Nghĩa, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cưu mang, chăm sóc, tạo điều kiện sinh sống đến tận bây giờ.

Gia đình anh Thế, chị Lợi

Vợ tuyệt vời nhất

Năm 2007, sau khi biết tin có bé đầu tiên, anh chị quyết định kết hôn. Kết quả tình yêu của anh chị là 3 cháu: Ngọc Phương, Ngọc Nhi và Ngọc Vy. Cháu Vy năm nay đã học lớp 7 còn cháu Vy cũng đã tròn ba tuổi. May thay, cả ba cháu đều mạnh khỏe bình thường như bao đứa trẻ khác. Có lẽ, đây là điều hạnh phúc nhất cuộc đời của anh Thế và chị Lợi.

Khi tôi hỏi anh Thế rằng anh nghĩ như thế nào về người vợ của mình. Gương mặt anh ánh lên vẻ hạnh phúc rạng ngời, anh cười thật tươi, hướng về chỗ người vợ mình đang ngồi và chia sẻ: “Trong mắt mình, mình cảm nhận vợ mình là tuyệt vời nhất, tuyệt vời nhất. Mình nghĩ hai vợ chồng đều có hoàn cảnh khó khăn, đều bị khiếm thị nhưng đến với nhau bằng tình cảm chân thật. Mình và vợ lấy nhau cũng 12-13 năm rồi nhưng đến giờ tình cảm của hai vợ chồng vẫn không thay đổi”. Nói đến đây, tôi quay sang nhìn thì chị Lợi đã khóc lúc nào không hay, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của tình yêu vĩnh cửu mà anh chị dành cho nhau. Thật đáng ngưỡng mộ.

Cháu Phương – con gái lớn của anh chị năm nay đã học lớp 7, hàng ngày đến trường rồi về nhà trông em, đâu có được chơi đùa thoải mái như bao bạn khác vì em còn phải phụ giúp ba, mẹ. Cô gái nhỏ bé ấy nhiều năm liền là học sinh giỏi với ước mơ sau này làm cô giáo để có thể chăm sóc, đỡ đần bố mẹ khi về già.

Hàng ngày, anh, chị rong ruổi trên khắp các khu chợ, bán một số mặt hàng lấy từ Hội người mù tỉnh Quảng Bình để kiếm sống. Thu nhập cũng chỉ gọi là đủ ăn, đủ sống. Năm nay, dưới tác động của dịch COVID 19 rồi bão lũ hoành hành, cuộc sống của anh chị bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng anh Thế vẫn rất lạc quan vì đã có hậu phương vững chắc là chị Lợi và ba con luôn ở bên.

Tình yêu của anh chị không quà, không hoa, không hẹn hò lãng mạn, đơn thuần mà sâu sắc đáng ngưỡng mộ. Giữa đời thường, những câu chuyện cổ tích vẫn được viết. Tình yêu chắc chắn là phép màu nhiệm nhất làm thay đổi số phận những cuộc đời có hoàn cảnh khó khăn. Chúc cho gia đình anh Thế, chị Lợi cùng ba cháu: Ngọc Phương, Ngọc Nhi và Ngọc Nhi mãi hạnh phúc.

Tiểu Nguyên

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang