Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự liên quan đến nạn nhân là người khuyết tật

(ĐHVO) Pháp luật Việt Nam những năm gần đây đã và đang dành những sự quan tâm lớn tới người khuyết tật. Bằng chứng là Luật Người khuyết tật 2010 đã được ban hành đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật. Đặc biệt, Bộ Luật Hình sự 2015 đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong nhận thức về việc bổ sung tình tiết tăng nặng liên quan đến nạn nhân là người khuyết tật.

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết được quy định trong Bộ luật hình sự với tính chất là tình tiết tăng nặng chung và là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo hướng nghiêm khắc hơn trong phạm vi một khung hình phạt nếu trong vụ án hình sự có tình tiết này.

Người khuyết tật cần được pháp luật bảo vệ (Ảnh minh họa)

Năm 1985, Bộ luật hình sự (BLHS) đầu tiên của Việt Nam được ban hành vẫn chưa có những quy định dành riêng nhằm bảo vệ đối tượng người khuyết tật. Đến năm 1999, BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) vẫn chưa đề cập đến tình tiết tăng nặng TNHS khi phạm tội đối với đối tượng yếu thế là người khuyết tật. Chỉ duy nhất quy định tình tiết “Phạm tội đối với người tàn tật” là dấu hiệu định khung của duy nhất một tội là tội hành hạ người khác theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 110.

Trong khi đó người khuyết tật (nhất là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) là đối tượng rất dễ trở thành nạn nhân của hành vi tội phạm vì chính lý do sức khoẻ thể chất và tinh thần của họ. Người khuyết tật có quyền được pháp luật bảo vệ một cách tối đa, giống như các đối tượng yếu thế khác (trẻ em, phụ nữ có thai người cao tuổi…).

Như vậy, các chế tài hình sự áp dụng đối với những tội phạm mà nạn nhân của các tội phạm đó là những đối tượng yếu thế (trong đó có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng) cũng cần thiết được quy định nghiêm khắc hơn trong BLHS để đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Chính vì lý do đó, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mở rộng phạm vi bảo vệ quyền của người khuyết tật dưới góc độ pháp luật hình sự bằng việc thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng cho mọi tội phạm.

Điều này đánh dấu một bước ngoặt mới trong nhận thức về việc lồng ghép vấn đề khuyết tật trong BLHS, đưa BLHS 2015 trở thành một bộ luật tiến bộ nhất đảm bảo quyền của người khuyết tật.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được liệt kê tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là cơ sở pháp lý để tăng nặng hình phạt cho người phạm tội trong phạm vi của khung hình phạt tương ứng. Đặc biệt trong đó phạm tội với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là một trong các tình tiết tăng nặng TNHS (điểm k). Theo đó, người phạm tội nếu phạm tội đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng TNHS.

Nhận thấy, việc quy định các tình tiết tăng nặng TNHS khi phạm tội đối với người khuyết tật đã góp phần hạn chế, phòng ngừa đối với các hành vi phạm tội với người khuyết tật, phần nào sẽ hạn chế các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe và tinh thần của người khuyết tật. Đồng thời đã đảm bảo sự phù hợp giữa mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội so với mức hình phạt khung tương ứng được quy định khi đối tượng phạm tội là người yếu thế.

Phạm Vân

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang