(ĐHVO). Trong cái rét nàng Bân thấm vào da thịt từng người cùng với diễn biến của đại dịch COVID-19 như hiện nay, tưởng như con người ta sẽ trở nên xa cách nhau nhưng không, cái tình trong mỗi con người lại bùng cháy, sưởi ấm cho người xung quanh.
Đại dịch COVID-19 kéo dài đến nay được 4-5 tháng đã gây ra rất nhiều thiệt hại, ảnh hưởng lớn cho toàn thế giới như: thiệt hại tính mạng con người, sự bất ổn về kinh tế và xã hội,… Trong đó, người có hoàn cảnh khó khăn là những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ nhìn nhận nhất.
Ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, nội dung Chỉ thị nêu rõ “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc”. Thực hiện Chỉ thị, bắt đầu từ 0 giờ ngày 01/04/2020, toàn dân đã chấp hành nghiêm chỉnh. Cũng kể từ khi chấp hành Chỉ thị nêu trên, hàng loạt doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh, người lao động tạm ngừng việc, mất việc ngày càng nhiều. Đời sống sinh hoạt của họ ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, họ vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, chi trả tiền điện, nước và các khoản chi khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của mình cũng như của gia đình. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, phải chạy ăn từng bữa như: người già neo đơn, người khuyết tật, người có những công việc bấp bênh, không ổn định… thì cuộc sống của họ trong những ngày đại dịch lại càng vất vả, khó khăn hơn.
Ấm áp tình người trong đại dịch – Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Dịch bệnh kéo dài, lây lan là nỗi lo lắng cho mọi người. Nhiều đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để “găm hàng”, “thổi giá” để làm giàu cho bản thân mình. Tuy nhiên, bên cạnh những đối tượng trên vẫn còn rất nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người. Nhận thấy sự thiếu thốn, khó khăn của những người có hoàn cảnh khó khăn nêu trên, rất nhiều nhà hảo tâm đã đứng ra chung tay, giúp sức giúp đỡ họ như: tự nguyện sản xuất, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, cung cấp lương thực, thực phẩm thông qua các chương trình hoạt động nhân ái như: Một miếng khi đói bằng một gói khi no tại cây ATM phát gạo miễn phí ở Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua COVID—19 tại số 63-54 Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và nhiều điểm “nhường cơm, sẻ áo” khác ở các địa điểm trên toàn quốc.
Tình người, tinh thần “tương thân, tương ái” của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn tồn tại. Trải qua bao nhiêu thập kỷ thì tinh thần này vẫn vẹn nguyên. Điều này đã được đúc kết thành những câu ca dao, tục ngữ mà cha ông để lại như:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Hay như
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Với tình hình đại dịch COVID-19 diễn ra như hiện nay, tình người, tinh thần “tương thân, tương ái” là một ngọn lửa sưởi ấm cho nhiều người và cần được phát triển rộng rãi hơn nữa.
Thu Hà