Tỉnh Gia Lai: Tự hào với những tiềm năng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội qua 90 năm hình thành và phát triển

(ĐHVO). Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Họp báo “Công bố về Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 – 24/5/2022)”. Tuần lễ các sự kiện là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của một tỉnh Tây Nguyên, được tổ chức từ ngày 19/5/2022 đến hết ngày 25/5/2022.

Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên hùng vĩ, tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.510,13 km2, lớn thứ hai cả nước, dân số trên 1.541.152 người, với trên 44 dân tộc an hem cùng sinh sống. Đồng bào các dân tộc ở đây có bề dày truyền thống lịch sử và mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Tỉnh Gia lai có 14 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố với 220 xã, phường, thị trấn; có hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận lợi để kết nối với bên ngoài theo các hướng: Đông, Tây, Bắc, Nam, Đông Nam; theo hướng Bắc – Nam có Quốc lộ 14, 14C, theo hướng Đông – Tây có Quốc lộ 19 nối cảng biển Quy Nhơn đến cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Quốc lộ 25 đi tỉnh Phú Yên, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam có đường Trường Sơn Đông; có Cảng Hàng không Pleiku kết nối với các thành phố lớn như: Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Hải Phòng, TP. Vinh; có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh kết nối với tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Vương quốc Căm-pu-chia)… Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và phát triển lâu dài tại Gia Lai.

Gia Lai với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên, cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Cam-pu-chia và Lào. Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển; có vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng nằm xen kẽ nhau, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực. Đây là lợi thế hiếm có mà ít địa phương nào có được để phát triển ngành nông nghiệp với quy mô lớn, phát triển đa dạng các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến như: Rau, quả, cao su, cà phê, chè, mía đường, dược liệu, nuôi trồng thủy sản v.v…, và cũng là điều kiện để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng logistics và thương mại, xuất nhập khẩu. Với nguồn năng lượng nắng và gió dồi dào bậc nhất Tây Nguyên, Gia Lai cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mới mà kết quả thực hiện hai năm trở lại đây đã cho hiệu quả tích cực.

Hồ Tơ Nưng – TP Pleiku – một vẻ đẹp tuyệt tác của Gia Lai

Thác Phú Cường – Chư Sê – Gia Lai

Tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư như: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; quảng bá hình ảnh về tiềm năng, cơ hội đầu tư đến với các doanh nghiệp; xây dựng các video clip; tọa đàm, đối thoại quy mô nhỏ…v.v. Tỉnh tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu nghiên cứu và khảo sát. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá danh mục, tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Website, báo chí, các video clip…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất dự án, nhằm phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới. Tỉnh cũng chủ động giảm 20% chi phí dịch vụ công để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh Gia Lai luôn đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp lên hàng đầu, hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục hành chính như: Tư vấn thủ tục đầu tư, hỗ trợ cấp phép trong thời gian nhanh nhất, giới thiệu địa điểm và trong suốt quá trình đầu tư của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng dẫn trình tự thực hiện các quy trình đầu tư cũng như cùng doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhanh chóng, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng vẫn trong phạm vi quy định của pháp luật.…

Đặc biệt vừa qua, tỉnh Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 danh mục kêu gọi FDI tại Quyết định số 1831/QĐ-TTG ngày 01/11/2021 Về việc Ban hành Danh mục quốc gia các Dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 gồm: Đường cao tốc Quốc lộ 19 đoạn từ ngã ba cầu Bà Di (Bình Định) đến TP. Pleiku; Khu Du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ; Khu Du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya; Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, Tỉnh đã liên hệ với Cục Xúc tiến Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư đến với Gia Lai.

Ảnh núi lửa Chư Đăng Ya với vẻ đẹp huyền thoại

Lòng hồ A Yun Hạ – Gia Lai

Vẻ đẹp Thác 50 hay còn gọi là HANG ÉN

Cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, Ngành Du lịch tỉnh Gia Lai cũng đang được đánh thức “sau giấc ngủ dài”. Ở độ cao 700 – 800m với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà,… đã mang đến cho tỉnh Gia Lai những thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là tuyệt tác giữa đại ngàn như: Biển Hồ, hồ Ia ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác 50, núi lửa Chư Đăng Ya, quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo – là Di tích Quốc gia đặc biệt, Di tích Khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá ở xã Xuân An và phường An Bình (thị xã An Khê) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia (là một trong 10 điểm trên thế giới có di tích của người đứng thẳng với niên đại 80 vạn năm cách ngày nay). Hệ sinh thái động thực vật ở rừng Gia Lai rất phong phú mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại Cao nguyên Kon Hà Nừng – nơi vừa được UNESCO chính thức công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới rộng hơn 65.000 ha. Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của 2 tộc người chiếm số đông tại tỉnh Gia Lai là: Jơ Rai và Bah Nar thực sự độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội…, trong đó, có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, với nhiều phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, kết hợp cùng chuỗi di tích lịch sử đã tạo nên những thế mạnh riêng để Gia Lai phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch cộng đồng hấp dẫn. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của tỉnh Gia Lai đã được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, là cơ hội tốt để nâng cao mức sống của người dân.

Thành phố Pleiku – 90 năm tự hào và phát triển

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, các cơ chế, chính sách để nâng cao đời sống của nhân dân không ngừng được củng cố; hợp tác cấp địa phương cũng thường xuyên được tăng cường.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm cho toàn tỉnh đó là: “Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch”; hướng tới khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

Tỉnh Gia Lai với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản, lâm sản xuất khẩu; phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế của tỉnh. Tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống, có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và các trục giao thông đầu mối. Nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, tạo cơ hội tiếp cận kinh nghiệm phát triển của các nước, tranh thủ nguồn lực, đầu tư, quảng bá hình ảnh của tỉnh Gia Lai đến với mọi người, mọi nơi…

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Họp báo “Công bố về Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 – 24/5/2022)”. Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (sau đây viết tắt là Tuần lễ các sự kiện) là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của một tỉnh Tây Nguyên, được tổ chức từ ngày 19/5/2022 đến hết ngày 25/5/2022. Trong khuôn khổ của Tuần lễ sẽ có các sự kiện, hoạt động chính diễn ra cụ thể như sau:

Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh: Được tổ chức vào đêm 21/5/2022 tại trung tâm TP. Pleiku. Sự kiện trang trọng này sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia khu vực miền Trung – Tây Nguyên (VTV8), Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.

Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên”: Diễn ra vào ngày 21/5/2022 tại trung tâm thành phố Pleiku; với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên và kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Gia Lai”. Đây là hoạt động nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng; tạo điều kiện để các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế.

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Gia Lai: Diễn ra vào ngày 21/5/2022 tại trung tâm thành phố Pleiku. Chủ trì hội nghị là Lãnh đạo Trung ương, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, khách mời nước ngoài và trong nước với khoảng 450 đại biểu. Hội nghị sẽ tiến hành thông báo các Dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp; thực hiện ký kết và trao các Giấy chứng nhận đầu tư.

Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai – Nhật Bản 2022”: Diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/5/2022 tại TP. Pleiku, với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế; với chuỗi các hoạt động đa dạng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và làm sâu sắc mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nước ngoài nói chung, với Nhật Bản nói riêng.

Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây  Nguyên – Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022: Được tổ chức từ ngày 20/5 đến hết ngày 24/5/2022 tại trung tâm TP. Pleiku. Đây là Hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia do tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Hội chợ triển lãm sẽ được tổ chức với quy mô lớn, công phu, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Nhật Bản, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần lễ các sự kiện, tỉnh Gia Lai còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: Lễ Thượng cờ; lễ Dâng hoa, Dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và Lễ viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh diễn ra vào sáng ngày 19/5/2022. Tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Tổ chức Cuộc thi tim hiểu “Gia Lai – 90 năm hình thành và phát triển” theo hình thức trực tuyến, chia thành 09 kỳ, mỗi kỳ diễn ra trong 01 tuần, thời gian từ ngày 14/03/2022 đến hết ngày 13/5/2022. Tổ chức triển lãm tranh, ảnh về Gia Lai và Nhật Bản; tổ chức tham quan, giới thiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng –  Khu vực hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên, sở hữu vẻ đẹp nguyên sinh và những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, tổ chức các tour du lịch sinh thái, tham quan các di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của tỉnh….

Tỉnh Gia Lai mong muốn và trân trọng đón tiếp quý vị đại biểu và người dân trên mọi miền đất nước đến chung vui với tỉnh Gia Lai để các hoạt động của Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai diễn ra thành công và hiệu quả./.

Nguyễn Thị Thùy Liên

Bài viết liên quan

20

Nam Định: Nhân lên các lợi thế và chiến lược thu hút đầu tư FDI

123

Phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

pct

Nam Định: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh đạt 100% phiếu tín nhiệm cao

av1

Thanh Hoá: Hà Trung tăng tốc về đích huyện nông thôn mới năm 2023

D30094

Nam Định: Khởi công dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định

D18091

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang