(ĐHVO). Suy dinh dưỡng đặc biệt ở trẻ nhỏ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển bình thường của con người. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, các nhà khoa học cho biết họ đã phát triển một chiến lược mới để tăng cường thực phẩm với vi chất dinh dưỡng như vitaminA và sắt nhằm đối phó hiệu quả hơn với việc thiếu hụt chất dinh dưỡng ở các nước kém phát triển.
Thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta
Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam phải trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn do hậu quả của nhiều năm chiến tranh, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đầu những năm 80 của thế kỷ trước rất cao (trên 50% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng) và hiện nay tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở ngưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi (cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi) và có sự khác biệt giữa các vùng miền, một số tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức rất cao (trên 35%).
Tình trạng thừa cân/béo phì ở trẻ em hiện đang gia tăng nhanh đặc biệt là ở một số tỉnh thành có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và ở khu vực đô thị lớn (có tỉnh hiện nay đã trên 10%); tình trạng thiếu vi chất ở bà mẹ và trẻ em có giảm so với những giai đoạn trước những vẫn ở mức cao, tình trạng thiếu nhiều loại vi chất ở một cá thể vẫn còn phổ biến….
(Ảnh: Mang tính chất minh họa)
Chính vì vậy, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với các giải pháp toàn diện như triển khai gói can thiệp dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ; bổ sung vitamin A, bổ sung viên sắt/viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ; theo dõi tăng trưởng, điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng; kiểm soát thừa cân/béo phì, tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống suy dinh dưỡng,…
Triển vọng mới…
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine số ra ngày 13/11, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết họ đã nén các vi chất dinh dưỡng quan trọng trong một loại polymer tương thích sinh học nhỏ có thể giúp ngăn chặn các chất dinh dưỡng bị biến đổi chất trong quá trình bảo quản hoặc nấu nướng. Polymer này là một hợp chất đúc với thành phần là 11 loại vi chất dinh dưỡng khác nhau, bao gồm kẽm, vitamin B2, niacin, biotin, vitamin C, sắt và vitamin A. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết có thể nén tối đa 4 vi chất dinh dưỡng lại với nhau.
Kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy hàm lượng các vi chất dinh dưỡng được nén trong polymer không bị thay đổi sau khi được đun sôi trong hai giờ đồng hồ. Kết quả thử nghiệm trong môi trường nhiều axit như dạ dày cũng cho thấy các hạt vi chất dinh dưỡng khi tiếp xúc với môi trường này (có nồng độ PH 1,5 – mức nồng độ PH điển hình trong dạ dày), polymer hòa tan và các vi chất dinh dưỡng được giải phóng ra.
Thử nghiệm đầu tiên được các nhà nghiên cứu tiến hành trên chuột cho thấy sau khi polymer hòa tan trong dạ dày chuột, các hạt vi chất được giải phóng và được chuyển tới ruột non và cuối cùng là được hấp thụ tại đây.
Sau khi tiến hành thử nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu quyết định thử nghiệm có hay không sự biến đổi các vi chất khi được nạp vào cơ thể con người bằng cách kết hợp vi chất sắt sulfate vào bột mỳ và dùng loại bột hỗn hợp này để nướng thành bánh. Khi con người ăn những chiếc bánh này, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ hấp thụ vi lượng sắt vào cơ thể tương ứng với tỷ lệ vi lượng sắt khi chưa trộn với bột.
Hiện các nhà nghiên cứu đang xúc tiến một nghiên cứu tương tự tại một quốc gia có nhiều người dân gặp phải tình trạng thiếu chất dinh dưỡng và hy vọng được Ủy ban về phụ gia thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.
Phạm Vân (T/h)