Với đồng vốn tuy không lớn nhưng kịp thời vươn tới từng thôn, xã thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác qua hội, đoàn thể…, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giúp hàng nghìn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự trở thành công cụ hữu hiệu góp phần giảm nghèo bền vững!
Kịp thời giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo
Là hộ nghèo, lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều năm, gia đình bà Nguyễn Thị Mơ, thôn Chu Chàng, xã Minh Châu (huyện Ba Vì), luẩn quẩn với nghèo đói, bệnh tật. Năm 2014, bà Mơ được vay vốn ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội (Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội). Với số tiền 30 triệu đồng, gia đình bà đã mua 2 con bò về nuôi và đến năm 2016, lại tiếp tục được vay vốn để mở rộng chăn nuôi.
“Đến nay, gia đình tôi đã có 8 con bò sinh sản, kinh tế bắt đầu ổn định. Nếu như không có nguồn vốn đó, chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo…” – bà Nguyễn Thị Mơ cho biết.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm, ở cùng thôn Chu Chàng, cũng từ nguồn vốn vay ban đầu là 30 triệu đồng, rồi những năm sau lên 50 triệu đồng, đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, gia đình bà Tâm có đàn bò 6 con và đàn gà vài trăm con.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì Hoàng Văn Tứ cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, hơn 35.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay hơn 800,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo của huyện từ 1,5% đến 2%/năm”.
Không chỉ Ba Vì, nguồn vốn chính sách đã kịp thời giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo ở hầu hết các quận, huyện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Nói về nguồn vốn tín dụng này, Chủ tịch UBND xã Chương Dương (huyện Thường Tín) Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp 962 lượt hộ được vay vốn với số tiền gần 23 tỷ đồng, trong đó có 239 lượt hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Nguyễn Kim Phung, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 2.903 tỷ đồng, tăng 1.805 tỷ đồng so với năm 2014.
Hà Nội trở thành địa phương duy nhất trong cả nước có 100% quận, huyện, thị xã chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, có gần 130.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, qua đó gần 47.000 hộ thoát nghèo.
Hướng tới hỗ trợ đa chiều
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, với những hiệu ứng tích cực từ nguồn vốn tín dụng chính sách, sau 4 năm thực hiện kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Tính đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm từ 2,97% (đầu giai đoạn) xuống còn 0,59% và theo chuẩn thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 1,16%.
Mặc dù, nguồn tín dụng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách liên tục gia tăng theo từng năm, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Thời hạn, hạn mức vay còn thấp khiến nhiều hộ dân chưa phát huy được hiệu quả từ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế…
Về nguồn vốn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết, thời gian tới, ngân hàng sẽ bám sát các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố để đề xuất Trung ương bổ sung các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội cũng kiến nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa việc bố trí ngân sách chuyển vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; gắn việc chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội hằng năm trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới…
Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách. Nguồn vốn này sẽ được triển khai theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân để không chỉ giảm hộ nghèo mà còn giúp thoát nghèo bền vững.
Theo Đỗ Minh – Báo Hà Nội Mới