(ĐHVO). Đến nay trong chúng ta không ai có thể phủ nhận được những hệ lụy tiêu cực của dịch bệnh Covid, nó không những làm đảo lộn mọi sinh hoạt thường ngày từ ăn uống, mua sắm, học tập, vui chơi giải trí mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế, việc làm, an sinh xã hội.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) trong quý I năm 2021, vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm do dịch Covid-19. Trong đó, nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần 2/3. Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực của đại dịch covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Khoảng 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Từ những số liệu thống kê đã vẽ lên bức tranh không mấy sáng sủa về việc làm ở nước ta hiện nay. Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 thì sẽ dẫn đến hệ quả tỷ lệ người mất việc làm gia tăng.
Trong bối cảnh chung đó người khuyết tật là đối tượng bị tác động nặng nề nhất, vì họ là đối tượng dễ bị xem xét cắt giảm nhân sự khi cơ sở kinh doanh gặp khó khăn. Nước ta có tỉ lệ người khuyết tật khá cao, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê tiến hành trong hai năm 2016 và 2017 hiện nước ta có khoảng hơn 6,2 triệu người khuyết tật chiếm hơn khoảng 7% tổng dân số. Trong đó chiếm đa số là người khuyết tật trong độ tuổi lao động, có đủ sức lao động và có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Như vậy người khuyết tật là một thành phần cấu thành nên lực lượng lao động, cung cấp nguồi lực lao động ở nước ta và họ có đóng góp không nhỏ đối với nền kinh tế đất nước.
Số lượng người lao động khuyết tật không nhỏ, lao động là người khuyết tật chịu khó, siêng năng, chăm chỉ và trung thành bởi đối với họ có được công ăn, việc làm và môi trường làm việc làm một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, do tâm lý xã hội và thái độ e ngại của người sử dụng lao động nên người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn hơn đối với người không khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm, tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cơ bản và hòa nhập với cộng đồng. Không phải ai cũng có được may mắn để tiếp cận việc làm, các công việc người khuyết tật có thể làm chủ yếu là lao động phổ thông, không yêu cầu trình độ cao trong các tổ nhóm hợp tác, hộ gia đình, xí nghiệp, hội nhóm như: sản xuất tăm tre, đan lát, chăn nuôi, may mặc… Chính vì làm công việc khá nặng nhọc nhưng thu nhập thấp, bấp bên, các công việc của họ dễ bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng nặng nề, các cơ sở kinh doanh buộc phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng thì áp lực về việc làm đối với người khuyết tật càng trở nên nặng nề.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Để giải quyết những khó khăn của người khuyết tật, giúp họ ổn định cuộc sống, hỗ trợ tìm kiếm việc làm về lâu dài cần phải nghiên cứu đồng bộ các giải pháp về kinh tế và chính sách pháp luật. Đó là việc quy định các điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành nghề không đòi hỏi nhiều về trình độ chuyên môn, công việc phù hợp mà người khuyết tật có thể làm được thì phải sử dụng một tỷ lệ người khuyết tật nhất định. Nghiêm cấm việc cắt giảm việc làm đối với người khuyết tật vì lý do dịch bệnh. Có chế độ khuyến khích, ưu tiên đối với doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật như miễn giảm một số thuế, phí, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, được ưu tiên một số dịch vụ công của nhà nước. Để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, chất lượng lao động của người khuyết tật, tạo lợi thế cạnh tranh có việc làm và giữ việc làm cho họ thì cần có chính sách đào tạo đối với người khuyết tật, hỗ trợ các khó khăn về học phí, thu nhập để họ yên tâm học tập./
Hưng Nguyên