Mới đây Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo triển khai chương trình rà soát việc tiêm vaccine ngừa bạch hầu cho trẻ dưới 7 tuổi ở các tỉnh, thành có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ảnh theo TTXVN
Trao đổi với báo chí, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia Dương Thị Hồng cho biết sẽ triển khai tiêm ngừa miễn phí vaccine ngừa bạch hầu cho toàn bộ trẻ dưới 7 tuổi bị sót hoặc tiêm thiếu mũi vaccine này. (Thông tin trên báo Tuổi trẻ)
Theo đó, tất cả trẻ vào mầm non phải có phiếu xác nhận tiêm đủ các mũi tiêm chủng mở rộng, nếu thiếu mũi trẻ phải quay về trạm y tế để tiêm đủ mũi, đảm bảo phòng bệnh khi trẻ vào trường học.
“Để tạo miễn dịch cho con, phụ nữ trước khi có ý định sinh con nên tiêm một mũi vaccine ngừa bệnh bạch hầu. Đây là vaccine do Việt Nam sản xuất, có độ an toàn cao, giá thành rẻ. Người dân có thể đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm vaccine này”, PGS Dương Thị Hồng khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ được tiêm miễn phí mũi 5 trong 1 có bạch hầu là trẻ dưới 2 tuổi nhưng do đây vẫn là bệnh lưu hành, khi tỉ lệ tiêm chủng giảm hơn, nhóm nguy cơ cao hơn thì đối tượng dễ bị tác động lại là trẻ lớn.
Giai đoạn vừa qua đã có chiến dịch tiêm bổ sung vaccine TD (ngừa bạch hầu và uốn ván) nhưng mới triển khai được đến nhóm dưới 7 tuổi và mới tiến hành được ở 30 tỉnh, thành nguy cơ mắc bệnh cao.
Thời gian qua, cả nước đã ghi nhận 16 ca bệnh bạch hầu gồm cả trẻ con và người lớn ở Đắk Nông, Kon Tum và TP HCM. Biểu hiện của bệnh ban đầu là ho, sốt, dễ nhầm với hàng loạt căn bệnh khác, nên các bác sĩ hướng dẫn nếu có tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ bệnh, có ho, sốt cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Lan Phương (T/h)