Thương lắm Miền Trung

(ĐHVO) Vừa qua, miền Trung đã hứng chịu những đợt bão lũ kinh hoàng, khiến cho cuộc sống người dân vô cùng khốn khổ. Có những khu vực nước ngập chạm nóc nhà, đồ đạc của cải đều bị cuốn trôi đi tất cả. Cảm nhận sâu sắc những gì khúc ruột miền Trung đang phải hứng chịu, CLB Thiện nguyện Đồng Hành Việt của Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt đồng hành cùng các Câu lạc bộ thiện nguyện chung tay ủng hộ miền Trung.

Công tác chuẩn bị của Đoàn thiện nguyện

Đoàn thiện nguyện khởi hành với mong muốn giúp đỡ một phần nhỏ nào đó lương thực, đồ dùng thiết yếu cho bà con miền Trung có thêm động lực vượt qua mùa lũ. Địa điểm mà chúng tôi chọn đặt chân đến là Lệ Thủy – Quảng Bình. Lệ Thủy là một trong những nơi bị lũ lụt nặng nề nhất.

Tại nơi đây chúng tôi chứng kiến rất nhiều mảnh đời cơ cực khác nhau. Một số nơi của huyện Lệ Thủy vẫn chưa rút nước hoàn toàn. Nhà người dân nơi đây chỉ toàn lụp xụp, bùn non ngấm hết đồ đạc dụng cụ, gà vịt thì chết hết cả. Người dân đa phần là người già và phụ nữ, trẻ nhỏ còn thanh niên đã đi làm xa nên những lúc thế này họ cũng chỉ biết ngẩng đầu lên trời cầu nguyện. Chứng kiến tận mắt những hậu quả của bão lũ gây ra, chúng tôi không ngăn nổi sự chua xót, thương bà con miền Trung. Đoàn thiện nguyện cố gắng tiếp cận sâu vào những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất, nước vẫn còn ngập sâu để kịp thời trợ giúp bà con, nhưng có những đoạn ngập quá sâu chúng tôi không thể tiếp cận được.

Một số nơi ở Lệ Thủy vẫn còn ngập sâu

Vì tình hình nước vừa rút, mọi thứ vẫn chưa ổn định nên chợ xá vẫn chưa hoạt động lại. Người dân có gì ăn nấy, mà chủ yếu là mì tôm và bánh của những đoàn từ thiện vừa qua. Đoàn chúng tôi cũng hỗ trợ một phần thực phẩm thiết yếu như nước uống đóng chai, gạo, quần áo, và một số nhu yếu phẩm khác,… Với tâm lý của ít lòng nhiều, một miếng khi đói bằng một gói khi no, nên chúng tôi cũng cố gắng hết mình tiếp cận trao tận tay bà con những suất quà thiện nguyện. Bởi vậy mà nhận được thực phẩm trên tay, người dân đã bật khóc chia sẻ: “Năm nào cũng gồng mình đi làm rồi cất để dành dùm cho con cái, lâu lâu sắm sửa đồ trong nhà, giờ nước lên nó ngấm hư hết, không còn chi hết, khổ quá con ơi”.

Ngôi nhà sau cơn bão số 9

Một số thôn bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ nên nhà được lợp hoàn toàn bằng ngói bởi để khi nước ngập cao tới nóc nhà, người dân có thể đập ngói để chui lên mái tránh nước ngập và cũng để gọi cứu trợ. Chúng tôi ghé thăm nhà cô Lan – người dân huyện Lệ Thủy đúng lúc cô đang  sửa lại ngói nhà. Cô vừa kể vừa cười chua xót: “Mấy người nhà cô chui lên ngói hơn 3 ngày đêm, nước rút một nửa mới dám xuống, gặp được đoàn từ thiện cho mì tôm mừng lắm con”.

Có đến tận nơi, nhìn tận mắt chúng tôi mới thấu hiểu những đau thương, mất mát không có gì có thể bù đắp được. Những năm qua đặc biệt năm nay dịch bệnh, thiên tai ập đến đã khiến người dân miền Trung chịu nhiều mất mát. Mưa lũ đã cướp đi của họ không những nhà cửa, vật chất mà còn cướp đi tính mạng người dân, sự hy sinh của những chiến sĩ cứu trợ hay đến cả những sinh linh chưa kịp trào đời. Đớn đau thay sự mất mát, hi sinh ấy, người dân cả nước nói chúng và đoàn thiện nguyện của chúng tôi nói riêng đau đáu về khúc ruột miền Trung. Đây chính là lúc Đảng, nhà nước, chính quyền, người dân cả nước thể hiện tình đồng bào gắn kết keo sơn hơn bao giờ hết, cùng chung tay hướng về miền Trung vượt qua mùa nước lũ.

Thấu hiểu những khó khăn, mất mát của người dân nơi đây nên chuyến đi thiện nguyện có khó khăn cơ nào thì chúng tôi cũng không lấy làm than thở. Vì đường còn ngập nước, lại hẹp nên đoàn chúng tôi quyết định thuê những chiếc xe nhỏ để chở thực phẩm tiếp tế vào sâu những khu vực người dân cần cứu trợ. Trời vẫn mưa trút nước nhưng người dân đều mừng rỡ đón đoàn và nhận thực phẩm tiếp tế khiến chúng tôi cũng ấm lòng vì đã giúp người dân được phần nào.

Truyền hình dự báo những cơn bão chưa có dấu hiệu chấm dứt, chúng tôi cũng chỉ biết an ủi, động viên và nhắc nhở người dân chằn lại mái nhà, chuẩn bị tinh thần chống bão, và tích trữ lương thực nhiều hơn. Chuyến đi thiện nguyện của chúng tôi kết thúc sau 2 ngày nhưng dư âm của những hậu quả do thiên tai gây ra cho người dân miền Trung vẫn hằn sâu trong chúng tôi. Văng vẳng câu nói nghẹn ngào của người dân: “Năm nào cũng vậy nên quen, nhưng vẫn thấy khổ cực quá con” khiến chúng tôi nhớ mãi không quên. Thương lắm khúc ruột miền Trung…

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang