Thương anh “liệt sỹ trở về”

Những ngày tháng Bảy, nắng nóng vẫn như hắt lửa trên đường, tới công sở xã Quảng Tân, (huyện Quảng Xương), tôi được chị Lê Thị Ngân, cán bộ chính sách xã, đưa về thôn Tân Đa, xã Quảng Tân, thăm “liệt sỹ” Nguyễn Văn Kế.

Thương anh “liệt sỹ trở về”

Chị Ngân cho biết, anh Nguyễn Văn Kế đã được báo tử từ lâu, nhưng anh ấy lại mới trở về năm 2017, chiến tranh biết bao nỗi buồn, Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ của anh Kế đương nhiên các cấp chính quyền phải lập biên bản thu hồi, nhưng vì phiêu bạt hơn 40 năm nơi xứ người nên anh Kế mất hết giấy tờ, hiện sức khỏe rất yếu, xã cũng đã tổ chức thăm hỏi động viên anh và gia đình, nhưng anh chưa có bất kỳ loại giấy tờ gì nộp cho xã, để xã tiến hành làm chế độ cho anh theo chính sách hiện hành.

Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Văn Kế

Trên đường đi, cảnh đẹp thanh bình làng Tân Đa khiến tôi nao lòng nghĩ về số phận người chiến sỹ Nguyễn Văn Kế sinh năm 1959, đã từ làng Tân Đa này xung phong ra trận khi tuổi tròn đôi mươi. Anh ra đi với lòng quyết tâm phơi phới quyết chiến đấu cho đất nước được hòa bình và nếu may mắn còn được về với mẹ, anh cũng mơ một mái ấm gia đình trong thanh bình để lấy nghề cày cấy an yên, nhưng ngờ đâu số phận lại đưa anh đến những cánh rừng đầy giặc PolPot ở Campuchia, nơi đơn vị anh chiến đấu, có người hy sinh, đội ngũ thất lạc, anh bị bắt, đánh đập, sau đó bỏ trốn trong những cánh rừng âm u, để từ đó anh bước chân vào cuộc phiêu bạt hơn 40 năm nơi xứ người, chạy qua bao cánh rừng, đối mặt với bao lần chết hụt vì đói khát cơ hàn, ăn cỏ, lá rừng để khát khao sống, khát khao về với mảnh đất quê làng Tân Đa này. Bước chân tới cổng làng, lòng ngổn ngang bao cảm xúc, tôi ngước lên cổng làng hỏi thầm, làng Tân Đa ơi? có thương người liệt sỹ trở về?.

Trong căn nhà cấp bốn thấp bé, bà Trịnh Thị Hẩy, mẹ anh Kế bước ra đón khách. Người mẹ gầy khô như cọng rơm cuối vụ, chúng tôi ngồi lặng nghe bà kể gia cảnh nhà mình: “Anh Nguyễn Văn Kế, sinh năm 1959, là con cả của bà, ngày đó cứ nói tới được đi bộ đội đánh giặc là nó háo hức xin ông bà nhà tôi để bỏ học, 19 tuổi, náo nức tòng quân. Nó nói: đất nước đang bị giặc xâm lăng, có ngồi học cũng không yên nên gia đình để nó đi chiến đấu cho thỏa chí làm trai. Thằng em thứ hai của nó là Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1963, sau đó cũng theo anh lên đường chiến đấu ở biên giới tỉnh Lạng Sơn, bị thương nặng ở đầu, mất trí nhớ, đến nay vẫn thường hay bị lên cơn động kinh, vì bệnh nặng nên cũng chẳng có thể lấy được vợ, gần 60 tuổi rồi nhưng vẫn sống một mình trong căn nhà tình nghĩa ở cuối làng. Lúc tỉnh thì hiền lành, khi lên cơn đau đầu thì đập phá… Con trai thứ ba là Nguyễn Văn Long, thứ tư là Nguyễn Văn Lý đều đã lấy vợ và đi miền Nam làm ăn, riêng cô gái út Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1971, khi mới khoảng mười bốn tuổi thì bị người ta lừa bán sang Trung Quốc cũng biệt tăm tới giờ… Gia đình tôi bao năm nay thờ cúng liệt sỹ Kế. Rồi bất ngờ Kế trở về tháng 9-2017, mừng thì quá mừng rồi, nhưng hàng ngày thấy con đau ốm, hơn 60 tuổi không có nổi một mụn vợ con mà cậy nhờ lúc trái gió trở trời… tôi đau lòng lắm vì tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa… Mấy hôm nay nó bị sốt, ho nhiều nên đi bệnh viện K71 rồi”.

Cơ duyên “liệt sỹ” trở về nhờ tấm lòng người Việt xa xứ và mạng xã hội Facebook

Không gặp được anh Kế, coi như thiếu nhân vật chính của bài viết nên ngày hôm sau tôi đến Bệnh viện K71 Trung ương đóng tại xã Quảng Tâm, TP Thanh Hóa. Tôi được gặp Bác sỹ Tú, phụ trách khoa phổi của bệnh viện và được biết bệnh nhân Nguyễn Văn Kế mới xin phép về nhà để lấy thêm đồ dùng cá nhân. Đây là bệnh nhân bị lao phổi nặng. Thế là chúng tôi lại không gặp được anh, tôi xin được số điện thoại của anh Kế và đành nhờ các bệnh nhân cùng phòng gửi giùm tới anh lời chào và một chút quà nhỏ. Sau đó, tôi gọi điện cho anh hỏi về những tháng ngày dâu bể đời anh, với giọng nói mệt mỏi, uể oải, anh kể: “Năm 1978, khi tròn 19 tuổi, anh lên đường nhập ngũ, huấn luyện tại Sư đoàn 442 ở huyện Nông Cống, sau huấn luyện, anh tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau này anh được biết, năm 1983, gia đình anh ở nhà nhận được giấy báo tử của anh và Bằng Tổ quốc ghi công”.

Kể về những năm tháng ở chiến trường, anh Kế nhớ lại: “Tôi chỉ nhớ, hôm đó đơn vị tôi đánh nhau với địch thì một số đồng đội tôi hy sinh và chúng tôi bị thương rồi dạt vào một trạm xá của Campuchia để điều trị. Khi quay về đơn vị thì bị quân PolPot bắt giữ. Trong nhóm chúng tôi có một người bị bắn chết tại chỗ. Tôi cùng một đồng đội chạy trốn thoát vào rừng sâu và lưu lạc trên đất nước Campuchia ít năm, sau đó phiêu dạt trên đất Thái Lan không có giấy tờ tùy thân, chấp nhận sống nhờ vào những ngôi chùa trên đất Thái và tấm lòng từ bi của nhân dân nơi đây, nhưng cũng có khi đi nhặt ve chai bán kiếm sống bị đầu gấu bắt nạt, đánh đập, trấn lột, đau ốm không người chăm nom, chỉ có một niềm hy vọng được về quê hương mà tôi gắng gượng sống qua những lần bạo bệnh trong cô đơn, buồn tủi. Cũng nhiều lần tôi phải tá túc nơi gầm cầu, nhà trọ trong cảnh tứ cố vô thân, quên ngày, quên tháng, quên tuổi, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng mơ ước về lại căn nhà của cha mẹ ở thôn Tân Đa, xã Quảng Tân, nhưng phương trời cách trở, tôi biết nhờ ai? Một ngày cuối tháng 9 năm 2017, trong lúc đi nhặt ve chai trên đất Thái Lan ở cạnh một ngôi chùa, tôi nghe thấy có ai đó nói tiếng Việt Nam, tôi chạy lại hỏi thăm người đàn ông Việt Nam đang làm ăn bên Thái Lan. Sau khi trò chuyện, anh ấy không cho tôi biết tên, nhưng dùng điện thoại chụp hình tôi và đăng lên Facebook tìm lại người thân giúp cho tôi”.

Ngay sau đó, cộng đồng mạng đã liên tiếp chia sẻ và may mắn thay, ông Lê Bá Tùng, Phó Chủ tịch xã Quảng Tân cùng đồng nghiệp đã phát hiện ra anh Kế, giống các thông tin liệt sỹ là người địa phương mình, nên xác nhận thông tin và xin trao đổi trực tiếp với anh Kế, rồi tư vấn để anh Kế xin đi nhờ xe về Việt Nam. Cán bộ xã cũng đã đấu mối với gia đình anh Kế, đón anh ở biên giới tỉnh Kiên Giang.

Những ngày vui đoàn tụ cùng gia đình, bà con làng xóm chẳng được bao lâu, anh lại phải đối mặt với bệnh tật hoành hành và một thứ quan trọng khác là giấy tờ chứng nhận của đơn vị cũ, nhưng anh đi hơn nửa tháng trời vào đơn vị cũ mà đơn vị chưa tìm ra quân số để xác định cho anh. Anh nói qua điện thoại với tôi những lời nghèn nghẹn: “Người thật thì đã trở về đây mà giấy tờ, chứng nhận là người đơn vị, là con của cha mẹ, dòng họ thì không còn gì sau chiến tranh. Tôi cũng không ngờ thủ tục tìm lại nhân thân của mình khó vô cùng, chị là nhà báo chị có biết ở đâu, hỏi giúp tôi với?”. Tôi lặng đi sau câu nói của anh Kế.

Còn nhớ, hôm tôi xuống bệnh viện K71 Trung ương trở về, một cảm giác rất buồn dâng lên khi tôi đặt mình vào hoàn cảnh của anh Kế, tôi sẽ sống ra sao? Tôi đi tìm anh, đã gặp anh cho dù qua điện thoại, còn anh đang cố gắng gượng để đi tìm các thủ tục để xác định cái tên của mình, đơn vị của mình. Thế mà anh vẫn hy vọng bài báo của chúng tôi nếu lan tỏa, sẽ giúp đồng đội anh biết hoàn cảnh của anh, để giúp đỡ anh tìm lại tên, tuổi, đơn vị của mình, “để những tháng ngày còn lại, anh đỡ tủi phận”. Anh nói với tôi qua điện thoại như vậy và nhờ một cháu gái đi chăm bố trong cùng phòng bệnh, chụp ảnh của anh gửi cho tôi. Anh ngồi đó, buồn và tôi thì vừa nhìn ảnh anh vừa rơi nước mắt, vừa gõ bài viết này.

Theo Viên Lan Anh/Báo Thanh Hóa

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang